Mọi ánh mắt đổ dồn về Chủ tịch Fed Jerome Powell và quyết định lãi suất rạng sáng mai: 4 câu hỏi quan trọng nhất cần có lời giải
Quyết định của Fed lần này dường như không gây hồi hộp như lần trước. Điều đó có nghĩa là phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ là tâm điểm.
- 05-11-2024Chuyên gia: Một dữ liệu kinh tế quan trọng đang suy yếu, Fed sẽ hạ lãi suất 0,5% vào cuộc họp cuối năm nay
- 05-11-2024Một khi Fed cắt giảm lãi suất lần 2, tài sản nóng nhất nhì năm nay dự đoán tăng chứ không giảm: Cái tên này quá quen thuộc
- 04-11-2024JPMorgan: Fed có thể tạm dừng cắt giảm lãi suất nếu ông Trump tái đắc cử
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự đoán sẽ cắt giảm 0,25%, tức 25 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 6-7/11. Câu hỏi lớn hơn là các quan chức dự kiến sẽ có thêm bao nhiêu lần cắt giảm nữa để duy trì thị trường việc làm vững chắc mà không thổi bùng lạm phát.
Các quan chức sẽ khó có thể đưa ra câu trả lời chắc chắn nào cho câu hỏi trên vì đáp án tuỳ thuộc vào từng trường hợp.
Quyết định của Fed lần này dường như không gây hồi hộp như lần trước. Trong cuộc họp tháng 9, Fed đã mạnh tay cắt giảm 0,5% tức 50 điểm cơ bản. Điều đó có nghĩa là phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ là tâm điểm.
Ông Powell có thể sẽ tránh xa những câu hỏi liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Fed cố gắng không can thiệp vào chính trị. Các quan chức đã lùi cuộc họp của họ lại một ngày để có thêm thời gian giữa quyết định lãi suất và cuộc bầu cử.
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi cuộc họp tháng 11 để biết thêm manh mối về khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 12. Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida từ năm 2018 đến 2022 cho biết đây là điều khả thi nhưng không chắc chắn. Ông cho biết triển vọng cho năm 2025 vẫn còn rất rộng mở.
Dưới đây sẽ là bốn câu hỏi mà các quan chức Fed phải đối mặt.
Đầu tiên , kết quả bầu cử có làm thay đổi nền kinh tế hay lạm phát, dẫn đến một lộ trình chính sách khác không? Các quan chức sẽ không thay đổi cách tiếp cận chính sách cho đến khi họ thấy ông Donald Trump làm gì với thuế nhập khẩu, thuế nội địa và người nhập cư.
Biên bản từ các cuộc họp chính sách của Fed vào tháng 12 năm 2016 cho thấy các quan chức và nhà kinh tế đã thảo luận sôi nổi về thuế. Vào thời điểm đó, ông Trump vừa giành chiến thắng với đa số phiếu ở cả hai viện. Cùng lúc, Fed dần tăng lãi suất từ mức rất thấp.
Thứ hai , liệu những lo lắng về thị trường việc làm suy yếu có bị cường điệu hoá không? Khi Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9, tỷ lệ thất nghiệp tháng 7 đã tăng lên 4,3%. Tốc độ tăng trưởng việc làm cũng chậm lại.
Một số nhà kinh tế lo ngại rằng Fed có thể đã giữ lãi suất quá cao trong thời gian quá dài, dẫn đến thị trường lao động bị suy yếu một cách không cần thiết.
Kể từ lần họp gần nhất, những lo ngại đã phần nào lắng xuống, nhưng chưa hoàn toàn biến mất. Tăng trưởng việc làm phục hồi vào tháng 9 nhưng lại rất yếu vào tháng 10. Nguyên nhân có thể do ảnh hưởng của bão và đình công. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 4,1% vào tháng 9 và giữ nguyên trong tháng 10.
Các yếu tố như thời tiết, đình công và cuộc bầu cử sẽ khiến các quan chức khó có thể nêu rõ các kế hoạch sắp tới của họ.
Thứ ba , lạm phát sẽ đi về đâu? Thước đo lạm phát ưa thích của Fed vào tháng 9 đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát lõi, loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng biến động, tăng 2,7%.
Lạm phát lõi đã giảm đáng kể so với năm 2023. Đó là lý do tại sao Fed cảm thấy thoải mái khi bắt đầu cắt giảm lãi suất. Nhưng một số quan chức có thể muốn tốc độ cắt hạ lãi suất chậm đi nếu tiến độ giảm lạm phát có dấu hiệu trì trệ.
Thứ tư , vậy mức lãi suất phù hợp là bao nhiêu? Các quan chức đang cố gắng đưa lãi suất trở lại mức “bình thường” hơn sau hai năm tăng cao để chống lạm phát. Nhưng họ lại không biết lãi suất ở mức nào là bình thường.
Trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, nhiều người nghĩ rằng mức lãi suất trung lập sẽ là khoảng 4%. Hiện tại, lãi suất quỹ liên bang trong khoảng từ 4,75% -5%. Nhưng sau cuộc khủng hoảng và sự phục hồi cực kỳ chậm chạp, các nhà kinh tế kết luận rằng mức bình thường này có thể đã giảm xuống còn khoảng 2%.
Tại cuộc họp báo vào tháng 9, ông Powell cho rằng mức lãi suất trung lập của Mỹ sẽ không trở lại mức thấp như vậy. “Tôi cảm thấy rằng lãi suất trung lập có lẽ tăng cao đáng kể”, ông nói.
Khi Fed hạ lãi suất, câu hỏi về đích đến cuối cùng sẽ trở nên cấp bách hơn. Nếu nền kinh tế khoẻ mạnh, những người mà cho rằng lãi suất trung lập cao hơn sẽ muốn giảm tốc độ hạ lãi suất để tránh vượt qua mức đó.
Theo WSJ
Nhịp Sống Thị Trường