Mối đe dọa từ băng Nam Cực tan chảy nhanh
Theo một nghiên cứu vừa đăng trên tạp chí Nature hôm 29-3, sự tan chảy nhanh chóng của băng Nam Cực đang làm chậm lại đáng kể dòng chảy qua các đại dương trên thế giới và có thể gây hại đến khí hậu toàn cầu, chuỗi thức ăn biển, thậm chí là sự ổn định của các thềm băng.
- 18-02-2023Cảnh báo đáng lo từ Nam Cực
- 28-01-2023Tảng băng trôi có kích thước bằng London tách ra ở Nam Cực
- 07-07-2022Trái Đất "thủng lỗ" mới, lớn gấp 7 lần lỗ thủng tầng ozone Nam Cực
Quá trình "tuần hoàn đảo lộn" của đại dương - được thúc đẩy bởi chuyển động của nước đậm đặc hơn xuống đáy biển - giúp cung cấp nhiệt, carbon, ôxy và các chất dinh dưỡng quan trọng cho đại dương.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu, quá trình này đang bị đe dọa bởi sự tan chảy nhanh chóng của băng Nam Cực. Cụ thể, khi nhiệt độ tăng, nước ngọt từ băng tan chảy này đi vào đại dương, làm giảm độ mặn và mật độ của khối nước trên bề mặt và giảm dòng nước chuyển động xuống đáy biển.
Một tảng băng trôi ở Nam Cực hồi tháng 1-2022. Ảnh: REUTERS
Trong nghiên cứu nói trên, các nhà khoa học đã dựa vào khoảng 35 triệu giờ tính toán để tạo ra nhiều mô hình và mô phỏng khác nhau cho đến giữa thế kỷ này. Kết quả cho thấy nước biển sâu chảy từ Nam Cực có thể giảm tới 40% vào năm 2050.
Chuyên gia Mathew England của Trường ĐH New South Wales (Úc), một tác giả tham gia nghiên cứu, cho biết tác động của nước từ băng tan chảy đối với vòng tuần hoàn đại dương toàn cầu vẫn chưa được đưa vào các mô hình phức tạp của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC).
IPCC sử dụng các mô hình này nhằm mô tả những kịch bản biến đổi khí hậu trong tương lai. Theo ông England, vấn đề này sẽ được IPCC xem xét đưa vào mô hình của mình trong thời gian tới.
Người lao động