MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Argentina chỉ là "phần nổi của tảng băng", mối đe dọa với các thị trường mới nổi đang ngày càng hiện hữu

21-05-2018 - 11:39 AM | Tài chính quốc tế

Việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ đang là mối đe dọa cho một loạt các thị trường mới nổi.

Argentina chỉ là "phần nổi của tảng băng"

Các sự kiện đầy "kịch tính" ở Argentina có thể mới chỉ là "phần nổi của tảng băng", đằng sau đó là một cuộc khủng hoảng lan rộng sang cả châu Á, châu Mỹ Latin và châu Phi. Đây là cảnh báo vừa được cơ quan nghiên cứu hàng đầu về thị trường mới nổi đưa ra.

Viện Tài chính Quốc tế IIF cho rằng những áp lực lớn sẽ ập đến khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ, rút mòn thanh khoản đồng USD và làm tăng lãi suất đi vay tại phần lớn các nền kinh tế trên thế giới.

Robin Brooks, chuyên gia kinh tế trưởng của IIF nói rằng: "Lãi suất toàn cầu tăng cao làm dấy lên một câu hỏi là liệu Argentina có phải là một trường hợp riêng biệt hay chính là dấu hiệu của những sự kiện tồi tệ hơn trong tương lai. Chúng tôi e rằng câu trả lời là trường hợp thứ hai."

Tiếng chuông báo động của những gì đã diễn ra chính là việc chỉ số đồng USD (DXY) đã tăng 5,5% kể từ giữa tháng Hai, một động thái được cho là phản ứng có độ trễ trước động thái đảo chiều các chương trình nới lỏng định lượng của Fed. Đồng USD mạnh hơn sẽ tự động siết chặt hệ thống tài chính quốc tế, thường là thông qua các hợp đồng hedging rất phức tạp mà ít ai có thể hiểu.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế ước tính rằng nợ nước ngoài bằng USD đã "bùng nổ" lên tới 11,8 nghìn tỷ USD, với hơn 14 nghìn tỷ USD nợ "tương đương" ẩn trong các sản phẩm phái sinh. Đây là con số chưa từng có tiền lệ.

IIF cho rằng tình hình hiện tại có thể tồi tệ hơn hiện tượng "taper tantrum" năm 2013 khi 5 nền kinh tế mỏng manh là Ấn Độ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Indonesia buộc phải có những hành động quyết liệt để bảo vệ đồng tiền của mình.

Brooks cho hay: "Mặc dù cú sốc của hiện tại có phần ‘nhẹ nhàng’ hơn – việc tăng lợi suất dài hạn trong năm nay chỉ bằng một nửa vào giữa năm 2013 – nhưng nhiều đồng tiền trên thị trường mới nổi đã yếu đi nhiều so với năm 2013, một dấu hiệu cho chúng ta thấy mức độ nhạy cảm với lãi suất đang rất cao."

Argentina chỉ là phần nổi của tảng băng, mối đe dọa với các thị trường mới nổi đang ngày càng hiện hữu - Ảnh 1.

Đồng peso đã giảm 22% so với USD ngay trong tháng này. Đó là một sự thất bại đau đớn, thế nhưng lại có vẻ quen thuộc đối với người dân Argentina, họ đã phải chịu đựng điều này trong một thời gian dài. Ngân hàng trung ương đã phải tăng lãi suất lên đến 40% với mong muốn nhanh chóng "bảo vệ" đồng peso để không chạm mức 25 peso/USD.

Các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của Argentina tiếp tục tăng lên 450 điểm cơ bản bất chấp Tổng thống Mauricio Macri đã cầu cứu một khoản "hạn mức tín dụng linh hoạt" trị giá 30 tỷ USD từ IMF. Các cuộc đàm phán có thể mất đến vài tháng, và đó chính là thời gian để dòng vốn bị rút ra.

Theo William Jackson từ Capital Economics, sự phụ thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ vào nguồn tài trợ bên ngoài còn hơn cả trường hợp của Argentina.

Các ngân hàng đã và đang tập trung hơn vào các thị trường vốn bán buôn để tài trợ cho sự bùng nổ tín dụng, tạo ra "rủi ro đảo nợ" nếu dòng vốn đóng băng. Nợ nước ngoài đã vượt quá 50% GDP.

Tuần vừa rồi, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã trình bày một cách dứt khoát rằng ông sẽ tiếp tục yêu cầu các ngân hàng trung ương giữ nguyên mức lãi suất nếu ông tái đắc cử vào tháng Sáu tới. Việc này sẽ thúc đẩy nền kinh tế hiện đang quá nóng đến với kịch bản lạm phát bùng nổ . Đồng Lira hiện đã giảm thêm 2,4% chạm mức thấp kỷ lục 4,47 đổi 1USD.

Capital Economics cho biết Brazil, Nam Phi và một danh sách dài các quốc gia khác có thể phải duy trì mức lãi suất cao hơn họ mong muốn, bởi sự thắt chặt từ phía Mỹ, thậm chí cả Romania và Chile đều chịu ảnh hưởng tương tự. Các nhóm thị trường mới nổi đang phát triển chậm hơn. Trung Quốc thì đang cố gắng thoát khỏi "chảo lửa" này.  Khối lượng giao dịch toàn cầu đã giảm.

Số phận của các quốc gia hiện đang trông chờ vào đồng USD. Nếu đồng USD hạ nhiệt cũng sẽ giúp trút bỏ phần nào áp lực, mặc dù điều đó cũng không thể ngăn cản việc lãi suất vay tiếp tục tăng lên. Thế nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy khả năng này sẽ xảy ra.

Và nguy cơ từ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại

Nếu như các dữ liệu khảo sát kinh tế gần đây dự đoán đúng, chỉ số tăng trưởng xuất khẩu của thị trường mới nổi có thể sẽ giảm mạnh vào cuối năm nay.

Dựa trên 2 cuộc khảo sát mà công ty tư vấn Capital Economics cho rằng sẽ dự đoán chính xác nhất về các mô hình thương mại, tốc độ tăng trưởng khối lượng xuất khẩu của thị trường mới nổi đang giảm rõ rệt. Nếu như quý 1 năm nay tốc độ đang đạt 6%/năm thì đến quý 3 sẽ chỉ còn 1%.

Liam Carson, chuyên gia kinh tế của Capital Economics, cho biết: "Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy kết quả đã xấu đi khá rõ rệt và theo đó ngay từ đầu đã thấy được sự suy giảm trong tăng trưởng xuất khẩu của các thị trường này."

Mặc dù Capital Economics cho rằng tăng trưởng xuất khẩu khó có thể giảm xuống dưới mức 1%, nhưng bất kỳ nhà đầu tư nào cũng sẽ lo ngại về rủi ro của một số nền kinh tế thị trường mới nổi trong bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ đều tăng, thêm vào đó là giá năng lượng tăng tạo sức ép lên các quốc gia nhập khẩu dầu.

Argentina chỉ là phần nổi của tảng băng, mối đe dọa với các thị trường mới nổi đang ngày càng hiện hữu - Ảnh 2.

Chỉ số phụ "đơn hàng xuất khẩu mới" trong chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 16 tháng qua, đạt 49,6 điểm trong tháng 4. Chỉ số này ở mức dưới 50 điểm báo hiệu hoạt động xuất khẩu bị co hẹp.

"Có những dấu hiệu cho thấy các con số vẫn tiếp tục giảm", ông Carson cho biết, tính theo đồng USD, tăng trưởng xuất khẩu của các thị trường mới nổi đã giảm trong tháng 3 và theo số liệu tháng 4 từ các nước đưa ra báo cáo sớm như Trung Quốc, Brazil, Hàn Quốc, Chile, Việt Nam và Đài Loan, "cho thấy tháng 4 cũng tiếp tục giảm."

Goldman Sachs cũng nhận định xuất khẩu hàng hóa của 11 nước thuộc thị trường mới nổi mà nó đang theo dõi đã tăng trưởng chậm lại,  trái ngược với mức tăng trưởng mạnh mẽ trong doanh số bán lẻ của các nước này.

Ông Carson suy đoán rằng nếu các cuộc khảo sát phản ánh nỗi lo của các thị trường mới nổi về cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, sẽ là một lý do hoàn toàn hợp lý nếu châu Á là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đã bị gắn kết chặt chẽ vào các chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Bhanu Baweja, giám đốc về chiến lược tài sản chéo giữa các thị trường mới nổi của UBS, cho biết, tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm mạnh vào những tháng gần đây, ngược lại với Trung Quốc.

Ông cho rằng chỉ số này của Hàn Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi đàm phán thương mại tự do Mỹ - Hàn gần đây có vẻ không chắc chắn, nhưng theo dữ liệu "chi tiết", khối lượng xuất khẩu của Hàn Quốc "có thể thể hiện mối quan hệ mạnh mẽ hơn, mang tính lịch sử hơn với xu hướng thương mại toàn cầu so với Trung Quốc."

Ông Baweja nói thêm: "Sự yếu kém trong lĩnh vực xuất khẩu của Hàn Quốc là một điều rất đáng lo ngại bởi thị trường Hàn Quốc là thị trường dẫn đầu đà tăng trưởng xuất khẩu của các thị trường mới nổi."

Baweja vẫn lạc quan rằng khối lượng xuất khẩu của các thị trường mới nổi sẽ giữ vững trong 12 tháng tới, ông cũng lưu ý rằng việc này phụ thuộc vào nhu cầu nhập khẩu của cả thế giới.

Tuy nhiên, Carson có quan điểm ngược lại, dự đoán rằng xuất khẩu của các thị trường mới nổi sẽ phải chịu những áp lực bởi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có khả năng sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2018, với bất kỳ sự gia tăng nào trong bảo hộ mậu dịch toàn cầu cũng là một mối đe doạ khác.

Về lâu dài, ông tin rằng thế giới đang "bước vào một thời đại mà tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường mới nổi khó có thể vượt qua tốc độ tăng trưởng toàn cầu" như trong giai đoạn trước đó cho đến năm 2011, ngoại trừ thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu trầm trọng nhất.

"Sự ổn định mới sẽ là một kịch bản mà tăng trưởng xuất khẩu của thị trường mới nổi có lẽ đang ở tốc độ tương đương với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khoảng 3-4% có lẽ là con số bền vững."

Hương Giang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên