Môi giới bất động sản thuộc nhóm đi tìm việc mới nhiều nhất
Thời gian qua, môi giới bất động sản chìm trong khó khăn, túng thiếu và thất nghiệp nên dẫn đầu trong nhóm nghề đi tìm việc làm nhiều nhất.
- 21-07-2023Một công ty bất động sản muốn vay Chủ tịch 10 tỷ đồng để hoạt động báo lãi vỏn vẹn 130 triệu đồng trong quý 2
- 21-07-2023Hiện tượng chủ đầu tư chiết khấu "khủng" từ 35 - 50% để giảm giá bất động sản hầu như không còn
- 20-07-2023Vì sao nhiều mặt bằng đắc địa tại tuyến phố lớn bỏ trống, đồng loạt treo biển bán, tìm khách thuê?
Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) về “Thực trạng sức khỏe thị trường BĐS” cho thấy, lượng giao dịch thời gian qua chưa đến 50% so với năm ngoái. Cả nguồn cung và cầu của thị trường đều sụt giảm nghiêm trọng khiến nhiều doanh nghiệp liên tục báo lỗ, môi giới bất động sản chìm trong khó khăn, túng thiếu và thất nghiệp.
Minh chứng là bản tin thị trường lao động Quý II/2023 vừa được Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội phát hành chỉ ra, trong quý thứ hai của năm, môi giới bất động sản dẫn đầu trong nhóm nghề đi tìm việc làm nhiều nhất , theo sau là nhóm nghề dệt may, thực phẩm và đồ uống, kho vận, bảo hiểm.
Anh K, một môi giới đất nền tại Bắc Giang cho biết, vài tháng nay, anh và nhiều môi giới bất động sản trên địa bàn tỉnh rơi vào tình cảnh không có giao dịch nên có ý định đi làm công nhân trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, ý định của anh K không thành vì năm nay các khu công nghiệp ít đơn hàng nên họ không những không tuyển công nhân mới mà còn đang sa thải bớt công nhân đang làm việc. Do đó hiện tại, anh K vẫn đang nhờ bạn bè và người quen tìm và giới thiệu việc làm giúp mình để trang trải cuộc sống.
Trước đó, dữ liệu của VARS cho thấy ước lượng số người môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30%-40% so với giai đoạn đầu năm 2022.
VARS cho rằng những khó khăn trên thị trường BĐS thể hiện rõ trên kết quả kinh doanh khi nhiều doanh nghiệp hoạt động môi giới đều báo lỗ trong hai quý vừa qua, ghi nhận giai đoạn kém nhất kể từ năm 2017 tới nay.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp môi giới hoặc chủ đầu tư có bố trí bộ phận môi giới bán hàng có tỉ trọng sa thải 50% nhân sự trở lên dưới nhiều hình thức như dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3-6 tháng, cho thôi việc, giữ chế độ cộng tác viên…
Tình trạng sa thải nhân sự không chỉ riêng với các doanh nghiệp đầu ngành mà thậm chí với các doanh nghiệp nhỏ khác còn mạnh mẽ hơn.
VARS cho rằng đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn.
Mặc dù vậy, VARS nhận định, triển vọng nghề nghiệp của môi giới BĐS vẫn lớn mặc dù đang trong giai đoạn thị trường khó khăn, nhiều thách thức do tính cạnh tranh cao. Vì vậy, các nhân viên môi giới phải luôn học hỏi, không ngừng nâng cao nghiệp vụ và giữ được đạo đức nghề nghiệp, uy tín với khách hàng.
Bởi lẽ câu chuyện làn sóng sa thải nhân viên chủ yếu chỉ tập trung ở nhân sự mới nhưng vẫn giữ lại nhân sự cứng, năng lực tốt . Bởi lẽ, dự thảo Luật Kinh doanh BĐS mới sẽ siết chặt hơn việc quản lý và giám sát với hoạt động môi giới bất động sản.
Tiền Phong