MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Môi giới nhà đất đang đối mặt với cạnh tranh lớn khi thị trường bước vào giai đoạn khó khăn

25-06-2019 - 21:45 PM | Bất động sản

Cùng với sự sôi động của thị trường bất động sản giai đoạn 2014-2017, các doanh nghiệp liên tục tăng cường tuyển dụng nhân sự ngành môi giới, khiến cho số lượng người hành nghề liên tục tăng cao trong các năm qua. Làn sóng nhân sự đổ xô chuyển sang hành nghề môi giới địa ốc vì thị trường nóng sốt, hàng hóa dồi dào, tuyển dụng đại trà, ồ ạt trong thời gian qua.

Các chuyên gia ước tính khoảng 20.000 môi giới đang hành nghề trên thị trường bất động sản TP HCM, thuộc các công ty hoạt động chính quy. Con số này chưa tính nhân sự tại các đơn vị môi giới tự do, quy mô nhỏ 5-7 người một công ty, cộng tác viên...

Đáng chú ý, tại hội thảo chuyên đề "Nhận diện nghề môi giới BĐS" do Báo Công thương phối hợp với Hội Môi giới BĐS Việt Nam tổ chức mới đây, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng thị trường đang diễn ra tình trạng "bất đối xứng thông tin" về BĐS. Người dân không thể biết được diễn biến một cách sát sườn giá cả thị trường BĐS do sự thiếu minh bạch dẫn đến nhiều trường hợp bị rơi vào bẫy "bất đối xứng thông tin" và phải trả giá đắt khi mua BĐS.

"Bất đối xứng thông tin dẫn đến rủi ro rất cao, thậm chí lừa đảo người mua BĐS. Vì thế, các công ty tư vấn góp phần cung cấp đầy đủ thông tin đáng tin cậy, được kiểm chứng để giảm bớt rủi ro cho người mua nhà, khắc phục tình trạng bất đối xứng thông tin", tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói.

Nhiều ý kiến cũng đã quan tâm và chia sẻ về khía cạnh đạo đức của người làm môi giới BĐS, bởi thời gian gần đây có nhiều người làm môi giới BĐS lệch chuẩn đạo đức đã tạo nên sốt đất, giá ảo và bong bóng BĐS. Lực lượng này cũng sẽ khiến thị trường BĐS không minh bạch, mang đến nhiều rủi ro cho khách hàng.

Vì thế, cần thiết phải đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến bộ quy tắc đạo đức nghề môi giới do Hiệp hội BĐS Việt Nam ban hành. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng người hoạt động môi giới BĐS phải bài bản… "Hành lang pháp lý trong lĩnh vực môi giới BĐS liên tục được cập nhật và chỉnh sửa cho phù hợp", ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng thông tin.

"Chúng ta phải tiếp tục "đấu tranh" với sự không chuyên nghiệp của chủ đầu tư, người môi giới cũng như việc không công khai về quy hoạch, tiến độ… của các dự án BĐS. Thị trường BĐS trên thế giới cũng như ở Việt Nam rất phức tạp. Những nhà môi giới BĐS phải cùng nhau xây dựng cộng đồng môi giới BĐS của Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ về số lượng lẫn trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp và có đạo đức nghề nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhấn mạnh.

Trong khi đó, giám đốc một số sàn môi giới cũng thừa nhận rằng Luật Kinh doanh BĐS năm 2006 quy định điều kiện các tổ chức, cá nhân được kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS. Điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS tương đối dễ dàng, lỏng lẻo, không quy định phải qua kiểm tra, sát hạch về trình độ hiểu biết pháp luật, về kỹ năng hoạt động môi giới BĐS.

Chính vì vậy, đội ngũ làm môi giới BĐS yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn "chụp giật", không chịu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng khi tư vấn không đúng, làm cho xong để kiếm tiền. Hiện nay, hành lang pháp lý trong lĩnh vực môi giới BĐS liên tục được cập nhật và chỉnh sửa cho phù hợp.

Môi giới nhà đất đang đối mặt với cạnh tranh lớn khi thị trường bước vào giai đoạn khó khăn - Ảnh 1.

Chia sẻ về lựa chọn nghề môi giới của nhiều bạn trẻ, ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cen Group, cho rằng có rất nhiều bạn trẻ chọn nghề môi giới bất động sản vì không tìm được việc làm hơn là quyết tâm theo đuổi nghề. Dường như xin việc làm vào nghề môi giới là dễ nhất vì các sàn, các công ty đều tuyển dụng ồ ạt. Nhưng tuyển dụng rồi có thích ứng được hay không, có thu nhập từ nghề môi giới hay không lại là câu chuyện khác.

Ông Phạm Thanh Hưng cho biết, có đến 50% các bạn vào nghề môi giới không thành công và thay đổi nghề nghiệp. Đây là vấn đề thực sự của nghề môi giới vì nhiều bạn bước chân vào nhưng không hiểu được nghề này phức tạp ra sao. Môi giới bất động sản đòi hỏi kiến thức tổng hợp về nhiều lĩnh vực. Bạn phải có kiến thức chuyên sâu về bất động sản, về tài chính, phong thủy, xây dựng,... thì mới có thể tư vấn và thuyết phục khách hàng. Bên cạnh đó, môi giới là một nghề vất vả, phải thức đêm thức hôm với nó, phải trải qua nắng mưa gió bão và phải rất kiên trì mới làm được nghề này.

Đánh giá về nghề môi giới trong dài hạn, ông Phạm Lâm - Tổng Giám đốc DKRA Vietnam cho rằng thời kỳ sales bất động sản hành nghề một cách dễ dãi có thể sẽ khép lại vào năm 2019, bởi lẽ khách hàng thận trọng và cân nhắc lâu hơn, khó thuyết phục hơn so với trước đây. Chính vì vậy, chất lượng nhà môi giới cần phải nâng cao hơn về năng lực cũng như các kỹ năng nghề nghiệp.

Theo ông Phạm Lâm, có ít nhất 3 dấu hiệu cho thấy ngành môi giới bất động sản sắp phải đón những cơn sóng lớn cùng với nhiều áp lực bủa vây trong thời gian tới. Thanh khoản bất động sản giảm tốc. Năm 2019 được dự báo thị trường sẽ xuất hiện làn sóng dịch chuyển và bỏ nghề môi giới địa ốc. Sàng lọc trong điều kiện bình thường, mỗi năm số lượng môi giới bỏ nghề khoảng 20%. "Nếu có sự tác động thêm từ chính sách và chiến lược của doanh nghiệp khi thị trường khó khăn, thì mức đào thải khoảng 25-30%, thậm chí nhiều hơn", ông cho biết thêm.

Mức thu nhập của môi giới 2019 sẽ giảm tỷ lệ thuận với việc tiếp cận rổ hàng ngày càng hạn chế do nguồn cung ít dần. Nhà môi giới trụ lại phải có kiến thức, có sự am hiểu về thị trường, có uy tín, có thương hiệu mới có thể đứng vững.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Lâm, dù có nhiều khó khăn và thách thức cho môi giới, thị trường vẫn còn đó nhiều cơ hội lớn cho những nhà môi giới chuyên nghiệp, uy tín tỏa sáng. Được biết, DKRA Vietnam đã đưa mã số chứng chỉ môi giới vào các hoạt động giao dịch. Cụ thể, mã số sẽ được thể hiện ngay trên danh thiếp của mỗi chuyên viên tư vấn, giúp khách hàng an tâm về năng lực và kinh nghiệm làm việc của chuyên viên.

Hiện tại, 70% chuyên viên tư vấn tại DKRA Vietnam đều có chứng chỉ môi giới BĐS và trong nỗ lực dài hạn, tất cả môi giới làm việc tại DKRA Vietnam đều phải có chứng chỉ hành nghề. Kỳ vọng từ bước đi này, thị trường BĐS sẽ dần tiến đến sự minh bạch mã số trong hồ sơ hành nghề của môi giới để tất cả các bên bao gồm khách hàng, công ty, các cơ quan chức năng có thể dễ dàng theo dõi và có các biện pháp chế tài cần thiết để đảm bảo chất lượng giao dịch và quyền lợi cho khách hàng, nâng cao chất lượng hoạt động môi giới.

Thị trường BĐS đang dần phát triển ngày một cạnh tranh hơn, theo đó những nhân tố kém năng lực hoặc chưa được công nhận chính quy cũng sẽ dần bị đào thải. Đây là một bước tiến khách quan và tất yếu để cộng đồng môi giới BĐS của Việt Nam tự sàng lọc và hoàn thiện trình độ chuyên môn, sự chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


Nam Phong

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên