MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mối lo của phương Tây: Khi ứng viên Tổng thống Pháp muốn viết lại quan hệ với Điện Kremlin

17-04-2022 - 12:13 PM | Tài chính quốc tế

Mối lo của phương Tây: Khi ứng viên Tổng thống Pháp muốn viết lại quan hệ với Điện Kremlin

Một chiến thắng của nữ ứng viên cực hữu Marine Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào ngày 24/4 tới sẽ khiến phương Tây lo lắng về đường hướng tương lai của Paris.

Mối lo của phương Tây: Khi ứng viên Tổng thống Pháp muốn viết lại quan hệ với Điện Kremlin - Ảnh 1.

Ứng viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen. Ảnh: Reuters

Theo France24, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cả Liên minh châu Âu (EU) đang thực sự đứng ngồi không yên khi bà Marine Le Pen, ứng viên cực hữu của Pháp được dự đoán có thể trở thành chủ nhân mới của Điện Elysee, đã thay đổi quan điểm trong mối quan hệ với Nga kể từ khi bùng nổ chiến sự ở Ukraine.

Trong một tuyên bố mới nhất, bà Le Pen nhấn mạnh về quan điểm sẽ "độc lập" với bất kỳ quốc gia bên ngoài nào nếu đắc cử tổng thống Pháp.

Bà Le Pen cũng tuyên bố ủng hộ quan hệ chặt chẽ hơn giữa NATO với Nga và nói thêm rằng, nếu bà đắc cử tổng thống, Paris sẽ một lần nữa sẽ rút khỏi Bộ chỉ huy quân sự của liên minh do Mỹ dẫn đầu này.

Cuộc đua gay cấn

Bà Marine Le Pen, 53 tuổi, sẽ đối mặt với Tổng thống Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử vòng 2 vào ngày 24/4 tới.

Tỷ lệ cách biệt hẹp trong cuộc bầu cử vòng 1 đang khiến phương Tây dồn mọi chú ý vào những diễn biến tiếp theo trong cuộc đua tới chiếc ghế tổng thống Pháp, với mối lo bà Le Pen sẽ lên nắm quyền và từ bỏ nỗ lực gây sức ép nhằm vào Nga.

Hôm 6/4, nữ ứng viên này đã khiến phương Tây thấp thỏm lo âu khi tuyên bố rằng, NATO cần có "mối quan hệ hợp tác chiến lược" với Nga sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine kết thúc.

"Ngay khi cuộc chiến Nga - Ukraine kết thúc và được giải quyết bằng một hiệp ước hòa bình, tôi sẽ kêu gọi thực hiện quan hệ hợp tác chiến lược giữa NATO và Nga", bà Le Pen phát biểu trong một cuộc họp báo với sự tham gia của các phóng viên quốc tế.

Cuộc họp báo diễn ra vào hôm 6/4, chỉ 11 ngày trước bầu cử vòng 2, và được xem là một cơ hội để ứng viên cựu hữu này đưa ra quan điểm về chính sách đối ngoại quan trọng.

Vì vậy, giới quan sát cho rằng, nếu bà Le Pen chiến thắng trong cuộc đua ngày 24/4, thành tích này sẽ vang dội khắp châu Âu và xuyên Đại Tây Dương; đồng thời khiến phương Tây cực kỳ lo lắng, bởi nữ ứng viên này từ lâu đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thay đổi đường lối với Nga

5 năm trước, khi bà Le Pen đối mặt với ông Macron trong cuộc đua vào Điện Elysee hồi 2017 (mà kết quả là bà đã thua đậm), chính Tổng thống Nga Putin đã tiếp đón bà tại Điện Kremlin.

Vào thời điểm đó, bà Le Pen đã bày tỏ rằng bà cảm thấy bản thân cùng chia sẻ những giá trị tương đồng với ông Putin.

Mối lo của phương Tây: Khi ứng viên Tổng thống Pháp muốn viết lại quan hệ với Điện Kremlin - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp bà Marine Le Pen tại Điện Kremlin ở Moscow vào ngày 24/3/2017. Ảnh: Reuters

Bà Le Pen đã thay đổi quan điểm về Nga kể từ sau khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine và nói rằng, bà "độc lập" với bất kỳ quốc gia bên ngoài nào.

Chính trị gia người Pháp cũng nhấn mạnh, quan hệ tốt đẹp hơn với Nga sẽ ngăn Moscow trở nên quá thân thiết với Trung Quốc - quan điểm mà bà Le Pen nhấn mạnh là "của ông Macron trước đó".

"Điều này là vì lợi ích của nước Pháp và châu Âu nhưng tôi nghĩ là cả Mỹ nữa - Mỹ vốn không muốn chứng kiến một mối quan hệ thân thiết nảy nở giữa Nga và Trung Quốc", bà Le Pen nói.

Bà Le Pen cũng tái khẳng định kế hoạch khôi phục chính sách của Pháp vào năm 1966 về việc rút Paris khỏi bộ chỉ huy NATO, trong khi vẫn tuân thủ Điều 5 quan trọng của khối này về bảo vệ lẫn nhau, nếu đắc cử tổng thống Pháp.

"Tôi sẽ không đặt quân đội của chúng ta dưới sự chỉ huy phức hợp của NATO cũng như dưới sự chỉ huy của châu Âu trong tương lai", bà Le Pen nói và nhấn mạnh rằng, "sẽ không phục tùng trước một thực thể do Mỹ bảo hộ".

Việc Pháp rút khỏi bộ chỉ huy quân sự sẽ là một đòn giáng nặng nề đối với NATO khi quốc gia này - vốn gia nhập lại các cấu trúc quân sự của khối vào năm 2009 - là lực lượng quân sự lớn thứ ba và ngân sách quốc phòng lớn thứ tư trong NATO.

Cải tổ EU từ bên trong

Ứng viên Tổng thống Pháp Le Pen bày tỏ mong muốn giữ mối quan hệ thân thiết với Đức, nhưng cảnh báo về những khác biệt chiến lược giữa hai bên. Theo bà, điều này đồng nghĩa với việc hai bên sẽ phải chấm dứt một loạt chương trình quân sự chung.

Về châu Âu, bà Le Pen nói rõ rằng, bất kỳ kịch bản "Frexit" (Pháp rời khỏi EU) nào theo cách Anh rời khỏi EU đều không nằm trong chương trình nghị sự của bà.

"Anh đã loại bỏ được bộ máy cồng kềnh của Brussels, điều mà họ không bao giờ có thể chịu đựng được, để chuyển sang một dự án đầy tham vọng của nước Anh toàn cầu", bà Le Pen tuyên bố.

Nhưng bà cũng nói thêm: "Đây không phải là chiến lược của chúng tôi. Chúng tôi muốn cải tổ EU từ bên trong".

Điều gây bất ngờ trong chiến dịch tranh cử lần này là bà Le Pen cũng đã từ bỏ các đề xuất gây tranh cãi trước đây, như từ bỏ đồng Euro hoặc rời khỏi EU.

"Không ai chống lại châu Âu. Nước Pháp sẽ tiếp tục đóng góp cho EU, nhưng tôi muốn giảm bớt mức đóng góp đó", bà Le Pen nói.

https://soha.vn/moi-lo-cua-phuong-tay-khi-ung-vien-tong-thong-phap-muon-viet-lai-quan-he-voi-dien-kremlin-20220414130944611.htm

Theo Nam Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên