Mỗi năm chi vài nghìn tỷ cho công nghệ thông tin: Đầu tư có hiệu quả?
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn, đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp muốn làm rõ hiệu quả của khoản chi đầu tư nghìn tỷ cho công nghệ thông tin, kết cấu hạ tầng khi xây dựng Chính phủ điện tử.
- 05-11-2017Phó TGĐ Tập đoàn Viettel: Chúng tôi đã hoàn tất công tác chuẩn bị công nghệ thông tin cho APEC 2017
- 02-10-2016Công nghệ thông tin là ngành có mức lương cạnh tranh nhất tại Việt Nam
- 29-11-2015Doanh nghiệp công nghệ thông tin Nhật tìm cơ hội tại Việt Nam
Cụ thể, theo đại biểu Lê Thị Nga, chi đầu tư cho công nghệ thông tin viễn thông, kết cấu hạ tầng năm 2014 là 6.894 tỷ; năm 2015 là 6.839 tỷ; năm 2016 là 6.613 tỷ, chiếm 0,6% tổng chi ngân sách nhà nước. Tỷ lệ máy tính được trang bị cho cán bộ, công chức, viên chức ở Trung ương 87,94%, cấp tỉnh 95,26%.
Về kết cấu kết nối internet ở Trung ương 94,49%, cấp tỉnh 97% và trong báo cáo thẩm tra về phòng, chống tham nhũng của Ủy ban Tư pháp có đánh giá việc đầu tư cho công nghệ thông tin viễn thông, kết cấu hạ tầng phục vụ quản lý hành chính chi phí lớn nhưng bộ máy và biên chế không giảm hoặc giảm chưa tương xứng với số tiền đã đầu tư.
"Chính vì vậy chúng tôi kiến nghị với Bộ trưởng là thứ nhất phải có đánh giá về hiệu quả đầu tư, bởi vì số tiền đầu tư này không phải nhỏ.
Thứ hai là chúng tôi cũng kiến nghị với Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng để có đánh giá là số tiền chúng ta đầu tư đấy với ngân sách hiện nay thì có phải là nhỏ không?", đại biểu Nga chất vấn .
Đồng tình với ý kiến đại biểu Nga, đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cũng cho rằng nguyên nhân thiếu kinh phí xây dựng Chính phủ điện tử là "chưa hoàn toàn thỏa đáng".
Theo đại biểu, hiện nay rất nhiều cơ quan, ngành đã và đang xây dựng rất nhiều cơ sở dữ liệu, như cơ sở dữ liệu về dân cư, cư trú, hộ tịch... Bộ trưởng cũng nói rằng Chính phủ đã có nghị định quy định rất rõ những yêu cầu xây dựng các cơ sở dữ liệu phải sử dụng dữ liệu hiện có và phải có kết nối liên thông.
"Nhưng rất lạ là rất nhiều cơ sở dữ liệu mà các cơ quan, ngành được xây dựng đều là xây dựng từ đầu, không trên một nền tảng công nghệ, không kết nối, không khai thác, không sử dụng chung được của nhau, điều này dẫn đến lãng phí tiền của, nhân lực ghê gớm mà hiệu quả không cao", đại biểu cho biết.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm bộ đã nhận diện ra vấn đề này từ bao giờ, nguyên nhân tại sao và Bộ đã có tính toán được số tiền lãng phí này không. Thời gian qua bộ đã làm gì để khắc phục được tình trạng này.
Làm rõ băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, ngân sách chi cho công nghệ thông tin, viễn thông, kết cấu hạ tầng bằng 0,6% ngân sách nhà nước, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Giai đoạn 2011-2015 tại Quyết định số 1605 của Thủ tướng phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015, kinh phí dành cho chương trình quốc gia giai đoạn này là 1.700 tỷ.
"Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên kinh phí thực hiện. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn, ngân sách eo hẹp cho nên kinh phí bố trí cho các dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin theo Quyết định rất hạn chế", Bộ trưởng nói.
Cụ thể, năm 2011 là 120 tỷ, năm 2012 là 100 tỷ, năm 2013 là 70 tỷ, năm 2014 là 100 tỷ và 2015 cũng chỉ khoảng 100 tỷ. Do mức vốn thực tế được bố trí thấp hơn nhiều so với nhu cầu, đạt khoảng 29% so với quyết định của Thủ tướng cho nên các dự án quy mô quốc gia được nêu trong Quyết định 1605 triển khai chậm hoặc chưa được triển khai, Bộ trưởng cho biết.
Còn giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 73 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020, trong đó Chương trình mục tiêu về công nghệ thông tin có tổng vốn thực hiện là 7.920 tỷ, trong đó vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương là 2.960 tỷ.
"Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, theo thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến kinh phí bố trí từ nguồn vốn ngân sách trung ương cho Chương trình chỉ khoảng 884 tỷ đồng, tức là bằng khoảng 35%.
Với mức vốn bố trí kinh phí cho Chương trình bị giảm lớn như trên cho nên trong giai đoạn 2020 khó có thể hoàn thành mục tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử như Thủ tướng đã chỉ đạo", Bộ trưởng nói.
Theo ông Trương Minh Tuấn, trong phạm vi quản lý của Bộ, đã nêu 2 chương trình công nghệ thông tin lớn như trên, còn số liệu đại biểu nêu bao gồm cả kinh phí kết cấu hạ tầng khác, như viễn thông.
"Bộ Thông tin Truyền thông cũng nhất trí ý kiến của đại biểu là cần có đánh giá hiệu quả đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính, tinh giản biên chế", Bộ trưởng nhấn mạnh.
BizLive