MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỗi nhà thuốc kiếm được bao nhiêu tiền cho Long Châu, Pharmacity, An Khang?

29-09-2022 - 13:34 PM | Doanh nghiệp

Long Châu có doanh thu trung bình trên mỗi nhà thuốc cao gấp đôi so với hai đối thủ.

Theo ước tính của Economist Intelligence Unit, doanh thu ngành dược Việt Nam đã tăng trưởng rất tích cực, tỷ lệ 9,6% trong năm 2021, giá trị thị trường đạt 5,9 tỷ USD . Tính cả giai đoạn 2017-2021, doanh thu ngành dược tăng trưởng với tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 7,4%.

Đơn vị này dự báo tốc độ CAGR là 9,5% giai đoạn 5 năm tiếp theo, do chi tiêu cho các sản phẩm liên quan đến sức khỏe sẽ tăng cùng với thu nhập người dân tăng lên.

Hồi năm 2016, Việt Nam có hơn 55.000 nhà thuốc, trong số đó chưa đến 200 nhà thuốc thuộc các chuỗi hiện đại. Đến năm ngoái, số lượng nhà thuốc giảm nhưng các nhà thuốc hiện đại thuộc chuỗi lại tăng lên. Điều này diễn ra do một phần tham vọng từ các nhà đầu tư chuỗi nhà thuốc hiện đại.

Mỗi nhà thuốc kiếm được bao nhiêu tiền cho Long Châu, Pharmacity, An Khang? - Ảnh 1.

Mỗi nhà thuốc Long Châu kiếm được 1,4-1,5 tỷ đồng/ tháng.

Tính đến cuối tháng 9 năm nay, chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu (thành viên FPT Retail, đơn vị cũng sở hữu chuỗi FPT Shop) đã mở mới 379 địa điểm, nâng tổng số nhà thuốc của chuỗi trên toàn quốc thành 779. Trước đó, trong tháng 6, với nhà thuốc mở tại tỉnh Cao Bằng, FPT Long Châu đã hoàn thành mục tiêu góp mặt khắp 63 tỉnh, thành Việt Nam sau hơn 4 năm gia nhập thị trường bán lẻ dược phẩm. "Với việc đạt được cột mốc quan trọng này, FPT Long Châu trở thành một trong những chuỗi nhà thuốc đầu tiên và nhanh nhất có độ bao phủ rộng toàn quốc", trang tin nội bộ của Tập đoàn FPT nhận định như vậy.

FPT Retail dự kiến tiếp tục mở rộng thị phần với ít nhất khoảng 800 nhà thuốc Long Châu vào cuối năm nay, đóng góp lợi nhuận khoảng 50-100 tỷ đồng và nâng lên 3.000 cửa hàng trong 5 năm tới. Tổng kết 6 tháng đầu năm nay, hệ thống nhà thuốc Long Châu mang về doanh thu trên 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng 200% và đóng góp 29% tổng nguồn thu của FPT Retail.

Mỗi nhà thuốc kiếm được bao nhiêu tiền cho Long Châu, Pharmacity, An Khang? - Ảnh 2.

Pharmacity đang có tham vọng mở tới 5.000 cửa hàng vào năm 2025.

Trong năm ngoái, Pharmacity mở mới 200 nhà thuốc, nâng tổng số lên 700. Con số này vẫn khiêm tốn so với kế hoạch 1.000 cửa hàng đặt ra từ trước. Vào tháng 3 năm nay, Pharmacity đạt mốc 1.000 cửa hàng Còn tính đến 25/9, họ đang có 1.093 nhà thuốc. Chuỗi này đang được hậu thuẫn bởi Mekong Capital, đặt mục tiêu khá tham vọng có 5.000 cửa hàng vào năm 2025. Như vậy, nếu tính về điểm bán, Pharmacity có số nhà thuốc lớn hơn Long Châu.

Long Châu có định hướng giống nhà thuốc nhất

Tuy nhiên, Long Châu được đánh giá có định hướng giống nhà thuốc nhất so với các đối thủ khác, khi sở hữu tỷ trọng thuốc và thực phẩm chức năng chiếm đến 70-80% trong cấu trúc danh mục sản phẩm. Trong khi đó, Pharmacity thiên về tính tiện lợi hơn với tỷ trọng thuốc dưới 40%.

Theo SSI Research, Long Châu có khoảng 12.000 loại sản phẩm, cao hơn 1.000-2.000 sản phẩm so với hiệu thuốc nhỏ, cho phép đáp ứng nhiều hơn cho các nhu cầu về chữa bệnh mãn tính. Điều này cho phép công ty đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chữa bệnh mãn tính (tiểu đường, tim mạch và ung thư) vốn tăng lên cùng với tuổi thọ và thu nhập khả dụng của người dân.

Cũng theo báo cáo của SSI Research, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng của Long Châu đạt 1,4-1,5 tỷ đồng/tháng, gấp đôi các đối thủ chính như Pharmacity (0,6 tỷ đồng/tháng và An Khang 0,7 tỷ đồng/tháng). Biên lãi gộp năm 2021 của Long Châu đạt 21%.

Chuỗi An Khang đang có 549 cửa hàng điểm bán hàng, đặt mục tiêu sớm đạt cột mốc 800 cửa hàng vào cuối năm và xa hơn là 2.000 địa điểm vào cuối năm 2023. Mục tiêu hiện tại của chuỗi này là tập trung cho vấn đề mở rộng, sử dụng các nguồn tài chính để mở rộng nhanh nhất và tiếp cận khách hàng nhiều nhất. Tỷ trọng thuốc và thực phẩm chức năng của An Khang hiện là thấp hơn 50-60%.

Mỗi nhà thuốc kiếm được bao nhiêu tiền cho Long Châu, Pharmacity, An Khang? - Ảnh 3.

An Khang đang tập trung đầu tư mở rộng, hiện mỗi cửa hàng kiếm khoảng 700 triệu đồng/tháng.

Doanh thu trung bình hằng tháng của mỗi nhà thuốc An Khang đang dao động 400-450 triệu đồng, số liệu tự cung cấp đến tháng 7. Còn SSI Research cho rằng chuỗi An Khang thu 700 triệu đồng/cửa hàng/tháng; thấp hơn một nửa so với nhà Long Châu. Hồi tháng 7, lãnh đạo An Khang cho biết chuỗi này đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng và đạt điểm hòa vốn vào cuối năm nay.

An Khang có kế hoạch nâng doanh số bình quân mỗi nhà thuốc lên 600 triệu đồng một tháng và tăng số lượng nhà thuốc lên 800 để hoàn thành mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng vào cuối năm nay.

Long Châu và An Khang đều có tiền thân là nhà thuốc truyền thống. Sau đó, FPT Retail mua Long Châu. Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) mua lại Phúc An Khang năm 2017. Tuy nhiên, FPT Retail đầu tư ngay khi mua. Còn trong 4 năm mua Phúc An Khang, Thế Giới Di Động không phát triển mạnh mảng dược phẩm vì tập trung cho nhiều mảng kinh doanh khác. Đến cuối năm ngoái, nhà bán lẻ điện thoại và điện máy lớn nhất cả nước mới thực sự dồn lực cho dược phẩm.

Theo Dy Khoa

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên