Mối nhân duyên kỳ lạ của HLV Alfred Riedl với bóng đá Việt: Được CĐV Việt Nam hiến thận cứu mạng, bật khóc khi gặp lại ân nhân ở Indonesia
Đối với HLV Alfred Riedle, Việt Nam chính là quê hương thứ 2 của ông. Mảnh đất này đã giúp ông sống hết mình với bóng đá, cũng như trao cho ông cơ hội được sống.
- 30-06-2020Lật xe rơi xuống vực sâu 200 m, cầu thủ bóng đá thoát chết thần kỳ nhờ lái xế hộp xịn?
- 24-06-2020Góc nhìn: Sân cỏ và đời thực, bóng đá và nhân cách
- 08-06-2020Sau khi ra mắt thương hiệu cà phê Ông Bầu, Công Phượng tiếp tục khai trương quán bánh tráng: "Mọi công việc kinh doanh riêng không ảnh hưởng đến bóng đá"
Theo hãng tin AP tại thủ đô Vienna (Áo), HLV Alfred Riedl đã qua đời vào sáng ngày 8/9 tại nhà sau nhiều năm chống chọi với bệnh ung thư, hưởng thọ 70 tuổi. Ông là một trong những vị HLV quen mặt tại khu vực Đông Nam Á, từng dẫn dắt nhiều đội bóng như Việt Nam, Lào và Indonesia.
HLV Alfred Riedl từng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam 3 lần, gồm các giai đoạn 1998-2000, 2003-2004 và 2005-2007. Dưới sự dìu dắt của ông, bóng đá nam Việt Nam đã đạt những thành tích rất đáng khích lệ, trong đó có 3 huy chương bạc SEA Games và lọt đến vòng loại thứ 3 Olympic. Năm 1998, ông đưa tuyển Việt Nam vào đến chung kết Tiger Cup, nhưng lại để thua Singapore 0-1 trong sự tiếc nuối của người hâm mộ.
HLV Alfred Riedl từng nhiều lần dẫn dắt đội tuyển bóng đá nam Việt Nam và đem lại nhiều thành tích đáng nể.
Tuy nhiên, mối nhân duyên giữa HLV Alfred Riedl với bóng đá Việt Nam không dừng lại ở đó. Ít người biết rằng, cách đây 13 năm, vị HLV người Áo này đã từng được một người hâm mộ Việt Nam cứu mạng bằng cách hiến thận.
Vào năm 2006, HLV Alfred Riedl mới tiết lộ với báo giới rằng mình đã bị suy thận một thời gian dài. Cả hai quả thận của ông đều đã hỏng: một bên hỏng 80%, bên còn lại cũng hỏng 40%. Khi ấy, ông đứng trước 2 lựa chọn: ghép thận, hoặc chạy thận nhân tạo mỗi tuần 1 lần và từ bỏ bóng đá.
Ngay sau khi thông tin được đăng tải, khoảng 40-50 người đã liên lạc với mong muốn được hiến thận, trong đó thậm chí có cả 10 nhà sư. Người ở miền Nam cũng chịu khó ra Bắc để khám, người ở gần Hà Nội thì tự đi xe máy đến, tất cả đều vì lòng yêu mến với vị HLV này.
Sau mấy tháng ròng rã sàng lọc, chỉ còn lại 3 người phù hợp để hiến thận cho HLV Alfred Riedl. Trong số 3 người này, một người là giáo viên cấp 1, một người là công nhân, còn người kia đã không thể hiến vì gia đình không đồng ý. Cuối cùng, vị HLV chọn người thầy giáo quê Thanh Hóa, với một lý do hết sức cảm động.
Trong thời gian dẫn dắt đội tuyển bóng đá nam Việt Nam, HLV Alfred Riedl đã phải chống chọi với căn bệnh suy thận
"Riedl khẳng định những người hiến thận cho ông đều là những người tự nguyện, thậm chí có người sẵn sàng cho không. Nhưng người ta mất một quả thận, sức khỏe sẽ giảm đi 30% thì ông phải có trách nhiệm. Vì thế, Riedl buộc phải chọn người có học thức", ông Nguyễn Văn Dậu – lái xe riêng của HLV Alfred Riedl – kể lại.
Ông Dậu nói thêm, khi được hỏi về lý do hiến thận, người thầy giáo trẻ đã đáp: "Cháu thấy ông Riedl là một người tận tụy với bóng đá Việt Nam. Qua báo chí lại biết thêm về hoàn cảnh của ông ấy. Quả là rất tội! Sau nhiều đêm suy nghĩ, cháu đã đi đến quyết định này. Coi như một kỷ niệm và nó sẽ khiến ông ấy nhớ mãi tới Việt Nam".
Vào tháng 3/2007, ca phẫu thuật kéo dài 5 tiếng đồng hồ diễn ra thành công như mong đợi tại Vienna (Áo). Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền – người luôn sát cánh bên cạnh HLV Alfred Riedl trong quá trình tìm và ghép thận – cho biết: "Ông Riedl đã xem Việt Nam là quê hương thứ 2. Bởi ông ấy đang sống nhờ quả thận của người Việt Nam".
Sau này, HLV Alfred Riedl đã có dịp gặp lại ân nhân cứu mạng tại Indonesia, thông qua chương trình Satu Jam Lebih Dekat của kênh truyền hình TVOne. Khi gặp lại người đã không ngần ngại hiến một bên thận cho mình, ông đã vô cùng ngạc nhiên. Vị HLV cảm động tới mức bật khóc ngay giữa trường quay, phải lấy khăn để lau đi nước mắt.
HLV Alfred Riedl gặp lại ân nhân đã từng hiến thận cho mình trên chương trình Satu Jam Lebih Dekat của đài Indonesia. (Video: TVOne)
HLV Alfred Riedl liên tục nói với người thầy giáo cứu sống mình năm ấy: "Anh đã cứu mạng tôi!".
Nhiều tháng sau đó, ông đã quay trở lại Việt Nam và mời cả gia đình ân nhân ra Hà Nội gặp mặt, trò chuyện và cùng ăn uống.
Tờ Kompas của Indonesia viết rằng: "Sau kỷ niệm đó, HLV Alfred Riedl tuyến bố rằng ông sẽ không bao giờ ăn mừng bàn thắng của bất kỳ đội bóng nào ghi bàn vào lưới đội tuyển Việt Nam".
(Tổng hợp)