MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỗi tháng có gần 20.000 doanh nghiệp thành lập mới

Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 11 tháng năm 2024 là hơn 218.500 đơn vị, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2024, cả nước có hơn 147,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.450,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 905,7 nghìn người.

Kết quả này giảm 0,5% về số doanh nghiệp, 0,5% về vốn đăng ký và giảm 8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, cả nước có gần 71,3 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động (tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 11 tháng năm 2024 lên hơn 218,5 nghìn đơn vị, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, bình quân một tháng có gần 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động.

Lũy kế 11 tháng năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 96,2 nghìn đơn vị, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, có gần 57,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,9% và gần 19,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 19,8%. Bình quân một tháng có hơn 15,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 11, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài khá lớn so với các tháng trong năm với gần 4,12 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 11 tháng.

Có 1.350 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 12,9% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 9,93 tỷ USD, tăng 40,7% so với cùng kỳ.

Có 3.029 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 7% so với cùng kỳ với tổng giá trị vốn góp đạt gần 4,06 tỷ USD, giảm 39,7% so với cùng kỳ.

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 20,2 tỷ USD, chiếm gần 64,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 8,7% so với cùng kỳ.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,63 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 89,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,37 tỷ USD và hơn 1,12 tỷ USD.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 11 tháng.

Xét về số lượng dự án, bán buôn, bán lẻ là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 35,3%) và số lượt giao dịch góp vốn mua cổ phần (chiếm 42,4%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 64,4%).

Trong 55 tỉnh, thành phố trên cả nước nhận vốn đầu tư nước ngoài trong 11 tháng, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,04 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3 lần cùng kỳ.

Tiếp theo là Quảng Ninh với hơn 2,29 tỷ USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 26,3% so với cùng kỳ. TP Hồ Chí Minh đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỷ USD, chiếm gần 7,3% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương…

Theo L.T

vtv.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên