Mọi thứ đang ủng hộ thị trường chứng khoán
So với 10 năm trước, thời điểm hiện nay thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang phát triển mạnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Doanh nghiệp niêm yết nhiều, Nhà nước bán vốn ra mạnh, giao dịch tăng là những cơ sở để thuyết phục nhà đầu tư về triển vọng tốt của TTCK thời gian tới. Trao đổi với ĐTTC, ông TRẦN THANH TÂN (ảnh), Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ VFM, cho rằng điều quan trọng nhất với TTCK Việt Nam là nhà đầu tư đã tin tưởng vào thị trường.
PHÓNG VIÊN: - Ông so sánh thế nào về TTCK thời điểm này với cách đây 10 năm?
Ông TRẦN THANH TÂN: - TTCK tăng điểm không chỉ bởi tâm lý như tôi đã so sánh TTCK 2007 và 2017. Đó là TTCK năm 2007 đi lên chúng ta nhìn mừng như “mẹ đi chợ về và mua”, còn TTCK năm 2017 chúng ta đã nhìn một cách bình tĩnh và tập trung hơn vào vấn đề quản trị doanh nghiệp.
Trong buổi gặp gỡ với Quỹ Dragon Capital vừa qua, khi chúng tôi hỏi ai là những nhà đầu tư đã đi qua giai đoạn của TTCK năm 2007, chỉ 10 trong số 100 người dự giơ tay. Nhiều người đã ra đi, còn những người giơ tay là lãnh đạo và chốt chặn cuối cùng của công ty. Cách đây 10 năm, bảng điện tử chỉ có 1 bên hoặc xanh, đỏ và trống trơn, cái gì cũng mua. Tuy nhiên, năm 2017 có tốt, có xấu, thị trường có lên, có xuống. Điều đó chứng tỏ thị trường đã trưởng thành, nhà đầu tư không mua bán bất cứ thứ gì.
Điểm đáng chú ý nữa là hiện nay tỷ lệ các nhà đầu tư có tổ chức tham gia trên thị trường tăng lên rõ rệt so với nhà đầu tư cá nhân. Thông thường, nhà đầu tư có tổ chức có quan điểm đầu tư lâu dài hơn và cách đánh giá, phân tích cũng chuyên nghiệp hơn.
Những nhìn nhận đánh giá, đầu tư hiện nay, theo tôi có thể khẳng định sau Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng cuối năm 2017, thế giới đã nhìn thấy một Việt Nam đổi mới và được ghi nhận. Năm 2017, chúng ta cũng đã thấy nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng tốt. Việc kiểm soát lạm phát tốt, dự trữ ngoại hối tăng lên nhiều. Điều đó giống như nền móng của nền kinh tế. Còn nếu nhìn vào những doanh nghiệp niêm yết trên TTCK cũng sẽ thấy kết quả kinh doanh của họ rất tuyệt vời.
Những diễn biến và kết quả đạt được trong năm qua, cũng như thực tế thị trường trong tháng đầu năm 2018, cho thấy tất cả mọi thứ đang ủng hộ cho tăng trưởng kinh tế và TTCK đi lên là có cơ sở. |
- Các nhà quản trị quỹ lớn trên thế giới đã khẳng định năm 2018 kinh tế, TTCK sẽ tăng trưởng tốt hơn năm 2017. Các nhà đầu tư châu Á, châu Mỹ đều cho rằng 2018 sẽ là năm “fully invest” - đầu tư hết sức có thể. Nghĩa là với người quản lý quỹ như chúng tôi, nếu quản lý 10 đồng thì 10 đồng đó phải nằm trong chứng khoán.
Cùng với những nhận định và quan sát các xu hướng của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn lạc quan cho năm 2018 khi cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII) từ nước ngoài đang có cơ hội tăng trưởng trong năm nay và trong 10 năm nữa.
Cũng cần nhắc lại rằng, Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng cao nhất năm vừa qua và xứng đáng để nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền vào. Tuy vậy, đối với năm 2018, chúng tôi có chung nhận định “cái gì lên cũng sẽ xuống, nhưng lên xuống thế nào, tốt ra sao mới quan trọng, bởi không bao giờ thị trường lên mãi”.
Chúng ta không dám tin thị trường tăng trưởng đến 50% như năm 2017, nhưng chắc chắn sẽ tiếp tục tăng và điều đó rất tốt. Điều quan trọng, trong bối cảnh đó chúng ta nhìn thị trường một cách bình tĩnh và suy nghĩ trong đầu những kế hoạch 2 để đối phó tốt nhất với thị trường khi lên và xuống. Còn tăng trưởng bao nhiêu điểm, vượt qua mốc nào, theo tôi nghĩ cũng giống như “dự báo thời tiết” và phần lớn dự báo thời tiết đều sai. Thực tế, điều đó cũng không quan trọng bằng việc nhà đầu tư tin tưởng vào thị trường.
Hiện nay chúng ta thấy cả đầu tư trong nước lẫn ngoài nước có con số rất thú vị, là 2 tuần đầu của năm 2018 vốn FII được các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam gần 200 triệu USD. Con số này gấp gần 2 lần năm 2015. Trong đó có khoảng 50 triệu USD đổ vào quỹ ETF do VFM quản lý.
Tuy nhiên, để nhìn rõ hơn, như tôi đã nói trong 2-3 tuần đầu năm 2018 huy động được hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó 1.000 tỷ đồng từ nhà đầu tư nước ngoài và số còn lại từ các nhà đầu tư cá nhân. Điều đó cho thấy nhà đầu tư cá nhân đang ngày càng quan tâm đến TTCK qua kênh đầu tư chuyên nghiệp hơn là tự đầu tư. Thực tế này cũng cho thấy nhà đầu tư trên thị trường đã trưởng thành hơn rất nhiều.
- Hàng loạt thương vụ thoái vốn đã diễn ra, nhiều vụ IPO lớn cũng đang được triển khai, nhiều doanh nghiệp lớn sẽ lên niêm yết sau khi bán cổ phần. Dưới góc độ nhà đầu tư, ông nhìn nhận gì về điều này?
- Chúng ta hình dung thế này: hàng hóa đang được chuyển từ chợ tỉnh lẻ lên chợ Bến Thành của TPHCM hay chợ Đồng Xuân ở Hà Nội. Điều đó có nghĩa chúng ta làm việc, giao dịch ở quy mô chợ tỉnh nên chỉ có người mua bán ở tỉnh. Còn nếu chúng ta giao dịch ở chợ Bến Thành hay Đồng Xuân sẽ có những người mua lớn hơn.
Thực sự chúng tôi phải cảm ơn Chính phủ trong việc quyết liệt quá trình tư nhân hóa doanh nghiệp vừa rồi với các thương vụ bán vốn, thoái vốn. Riêng vụ thoái vốn tại Sabeco đã thu được gần 5 tỷ USD. Nhờ có những chương trình đó, năm 2018 chắc chắn quy mô thị trường sẽ tăng lên và tỷ lệ bằng 100% GDP chúng ta có thể nhìn thấy được.
Nhiều người lo ngại rằng tiền nước ngoài vào ra đều nóng, nhưng chúng ta không nên lo lắng. Thí dụ, tiền từ thoái vốn Sabeco vừa qua nằm ở Việt Nam và sẽ được đầu tư phát triển. Cần hiều rằng hàng hóa lên sàn sẽ khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm, tham gia hơn, vì thế dù hàng có đưa ra nhiều hơn thị trường vẫn có thể đáp ứng được. Vấn đề là hàng hóa đó chất lượng thế nào.
- Ông nghĩ sao về khả năng hấp thụ của thị trường khi hàng hóa ra nhiều?
- Chúng tôi rất mong muốn điều đó. Năm vừa qua một phần hiệu quả của các quỹ đầu tư cũng nhờ những khoản đầu tư như vậy. Cung hàng hóa chất lượng nhiều cũng đồng nghĩa có thể lấy ra được nguồn tiền trong dân cho đầu tư phát triển.
Sài Gòn đầu tư Tài chính