Món Huế - Huy Việt Nam đã dùng ‘bùa ngải’ gì khiến tất cả các nhà cung cấp đều cho nợ dài ngày, thậm chí có người vẫn tin mình sẽ được trả nợ dù hầu hết cửa hàng đã đóng cửa?
Chia sẻ với chúng tôi, nhiều nhà cung cấp cho biết, thật ra trong khoảng trên 6 tháng gần đây, Món Huế - Huy Việt Nam đã có vấn đề về thanh toán công nợ, nhưng hễ họ có ý định ngừng cung cấp, thì Huy Việt Nam lại trả 1 chút tiền, như kiểu ‘thả mồi câu’ và họ lại tiếp tục cung cấp với kỳ vọng sẽ được trả dứt điểm nợ nần.
Sau khi hệ thống cửa hàng của Huy Việt Nam đóng cửa khắp toàn quốc, trong đó đình đám nhất là thương hiệu Món Huế, thì các nhà cung cấp chính là những người cảm thấy sốc nhất. Chẳng ai ngờ một công ty bề thế như vậy, nói biến mất là biến mất như chưa từng tồn tại. Và họ càng sốc hơn khi đột nhiên biết, Huy Việt Nam không chỉ nợ mỗi mình họ, mà nợ tất cả các nhà cung cấp khác.
Trong buổi họp mặt sáng nay của các nhà cung cấp từng cung cấp hàng hóa các thương hiệu của Huy Việt Nam tại một quán cà phê ở Quận 1 để cùng làm đơn tố cáo Món Huế - Huy Việt Nam để nộp tới Bộ Công An trong ngày 24/10; chúng tôi nhận thấy dường như Huy Việt Nam nợ không chừa bất cứ nhà cung cấp và đối tác nào của mình, món nợ không chỉ phát sinh từ 2 đến 3 tháng gần đây, mà từ ít nhất 6 đến 8 tháng trước đó.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, danh sách nhà cung cấp trong lá đơn tố cáo chung có đơn vị cung cấp máy làm trà sữa cho TP Tea, nhà cung cấp thiết bị văn phòng phẩm cho Huy Việt Nam, đối tác làm quảng cáo cho các thương hiệu, nhà cung cấp khăn lạnh cho Món Huế, nhà cung cấp dừa tươi – nước cốt dừa – lá chuối cho Món Huế, nhà cung cấp hải sản cho Iki Sushi…
Trong những người tham gia ở buổi họp mặt hôm nay 24/10, nhà cung cấp bị nợ nhiều nhất lên đến hơn 2 tỷ đồng, tuy nhiên số nhà cung cấp bị nợ tới mức đó không nhiều mà chủ yếu nằm trong khoảng từ vài chục triệu đến trên 1 tỷ đồng. Theo giao ước thông thường, mức nợ đó sẽ nằm trong khoảng 2 đến 3 tháng gần nhất, khi đến hạn trả tiền cho nhà cung cấp mà Huy Việt Nam không trả. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết số tiền mà Món Huế hay Huy Việt Nam nợ nhà cung cấp là cộng dồn từ 8 tháng hoặc ít nhất 6 tháng, chứ không phải 2 hoặc 3 tháng.
Dừa mekong chính là nhà cung cấp được Món Huế tìm tới sau khi ngừng hợp tác với nhà cung cấp lá chuối.
"Lúc đầu, tôi cung cấp cho Món Huế cả dừa trái – nước cốt dừa – lá chuối, nhưng cách đây khoảng 8 tháng, khi thấy bên Món Huế trì hoãn chuyện thanh toán công nợ đúng hẹn, tôi đã thông báo với họ sẽ ngừng cung cấp hàng. Tuy nhiên, sau đó họ lại trả cho tôi một ít, khiến tôi nghĩ nếu mình tiếp tục đồng hành với họ, họ sẽ thanh toán hết công nợ của mình, còn nếu mình ngừng lại, có thể mất trắng khoảng nợ đó. Thêm nữa, tiền lá chuối cũng chẳng bao nhiều, có vài triệu đồng mỗi tháng thôi.
Do đó, tôi chỉ ngừng cung cấp hàng đắt tiền nhất là dừa trái, còn vẫn tiếp tục cung cấp nước cốt dừa và lá chuối. Tôi biết sau đó họ đã tìm được một nhà cung cấp dừa trái khác.
Sau đó, do bận việc, tôi không để ý nhiều đến chuyện công nợ của bên Món Huế, cho tới lúc sự việc vỡ lở, chúng tôi kiểm kê lại thì tổng số nợ mà họ nợ chúng tôi đã lên hơn 100 triệu đồng", một nhà cung cấp giấu tên chia sẻ.
Nhà cung cấp này còn cho biết thêm, công việc chính của anh là ở sân bay, cung cấp hàng cho Món Huế là gia đình làm, nhưng giờ xảy ra chuyện, anh trả tiền trước cho mẹ, còn bản thân xin nghỉ làm vài ngày để cùng những ‘nạn nhân’ khác đi đòi nợ. Anh nửa đùa nửa thật với chúng tôi, "có khi mình không đòi được nợ còn bị công ty đuổi việc".
Chiến thuật ‘thả mồi, câu nợ’ này của Món Huế hay Huy Việt Nam không chỉ áp dụng với nhà cung cấp lá chuối kể trên, mà cho tất cả những nhà cung cấp khác, ví dụ như công ty Bình Minh cung cấp các loại cá nhập khẩu như cá hồi – cá ngừ đại dương cho chuỗi Iki Sushi. Khi cảm thấy nhà cung cấp sắp ‘dứt áo ra đi’ họ lại bơm cho nhà cung cấp một chút tiền.
Thêm nữa, với sự phủ sóng của hệ thống nhà hàng Huy Việt Nam khắp Việt Nam, doanh nghiệp này gần như tạo ra được niềm tin tuyệt đối với nhà cung cấp, thậm chí có đơn vị còn thú nhận họ từng rất tự hào khi trở thành nhà cung cấp cho Món Huế. Huy Việt Nam khó khăn chỉ là nhất thời, họ có thể tốt lên ngày nào đó (?!)
Một Food Hall từng là của Huy Việt Nam ở đường Nguyễn Văn Cừ - Quận 1.
"Chúng tôi trở thành nhà cung cấp của Iki Sushi ngay từ thời gian đầu họ ra mắt vào năm ngoái, một anh đầu bếp trong đó quen chúng tôi đã giới thiệu chúng tôi với chị Hạnh (Ngô Thị Mỹ Hạnh – phụ trách nhà cung cấp chung của Huy Việt Nam).
Chúng tôi cung cấp 3 loại cá nhập khẩu cho hệ thống Iki Sushi. Trong thời gian đầu, chúng tôi hợp tác rất vui vẻ, cứ đúng 2 tháng là Iki Sushi trả tiền hàng cho chúng tôi 1 lần, họ cũng chẳng mấy khi ý kiến về chuyện giá cả của chúng tôi mắc hay rẻ, cũng có thể một phần chúng tôi cung cấp cho họ theo đúng giá thị trường, có biến động giá cả gì đều thông báo rõ ràng cho họ.
Nhưng cách đây khoảng hơn 6 tháng, Iki Sushi bắt đầu có dấu hiệu trì hoãn khi đến hạn thanh toán. Từ 2 tháng họ bắt đầu giãn ra 3 tháng, mỗi khi chúng tôi gọi điện hỏi về tiền thanh toán, nhân viên bên đó lại nói rằng, sếp của họ đã đi công tác và không có người đủ thẩm quyền để giải quyết chuyện đó. Và họ chỉ chịu trả một ít khi chúng tôi làm căng lên.
Trước khi họ chính thức đóng cửa, chị Hạnh từng hứa với chúng tôi cùng những nhà cung cấp khác sẽ trả dần tiền cho chúng tôi bắt đầu đầu từ 25 đến 28/10. Tuy nhiên, họ không nói với chúng tôi là họ sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng trên hệ thống. Sau khi thấy nhiều nhà cung cấp bắt đầu làm đơn tố cáo đi đòi tiền, tôi liền đến tham gia để xem có đòi được phần nào tiền hay không", đại diện công ty Bình Minh có trụ sở ở Phú Yên kể.
Số tiền hơn 1,4 tỷ đồng mà Iki Sushi nợ Bình Minh là tổng nợ trong ít nhất 6 tháng chứ không phải 2 hoặc 3 tháng gần đây. Với doanh số khoảng từ 300 đến 400 triệu đồng/tháng, số nợ này là một con số đáng kể với Bình Mình.
Bảng công nợ của một nhà cung cấp cá cho Món Huế.
Theo đó, hiện có không ít nhà cung cấp tin vào lời hứa sẽ trả tiền vào ngày từ 25 đến 28/10 của Huy Việt Nam, thế nên họ vẫn đang im lặng quan sát. Tất nhiên, không hiếm nhà cung cấp ‘sợ’ nếu mình ra mặt và Huy Việt Nam biết, doanh nghiệp này ‘ghét’ có thể không chịu trả tiền. Vì thế, không kể những nhà cung cấp ở xa, thì số lượng nhà cung cấp tham dự cuộc họp mặt vào sáng 24/10 không nhiều, chỉ khoảng vài chục người. Cộng thêm những người ủy quyền ở xa, tổng số tiền mà Huy Việt Nam nợ nhóm "tiên phong" này ước tính vào khoảng 50 tỷ đồng.
Ở khía cạnh khác, có một nhà cung cấp khăn ướt của Món Huế nói với chúng tôi, thay vì đi xem các nhà cung cấp làm đơn tố cáo hay đòi tiền như thế nào, giới truyền thông nên đi điều tra xem các quỹ đầu tư vào Món Huế - Huy Việt Nam hoặc chính doanh nghiệp này đã dùng tiền làm gì; hoặc đi hỏi các cơ quan chức năng xem khi nào mới chịu chính thức can thiệp vào vụ việc. Sở dĩ, Sở Thuế lên tiếng vì họ cũng là ‘nạn nhân’ như các nhà cung cấp.
Các nhà cung cấp trông có vẻ khá bức xúc với những phản ứng của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Theo họ thì không biết tại sao, chẳng cơ quan nào chịu nhận đơn của họ trong 2 ngày vừa qua, hơn nữa cũng chưa có bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào đứng ra phản hồi về vụ việc mặc dù thông tin tiêu cực về Huy Việt Nam đã tràn ngập trên các mặt báo.
Ngoài ra, mục tiêu của các nhà cung cấp nhóm họp trong ngày 24/10 là muốn lên tòa án hình sự chứ không phải dân sự. Vì đợi tòa dân sự xử sẽ rất lâu, có khi Huy Việt Nam đã tẩu tán hết tài sản, mà họ vẫn chưa được ra tòa, còn nếu thông qua tòa hình sự, mọi chuyện sẽ nhanh hơn và đặc biệt là tài sản của Huy Việt Nam sẽ bị cưỡng chế ngay lập tức khi công an nhận được đơn. Họ hy vọng có thể được trả nợ từ những tài sản mà Huy Việt Nam đang sở hữu.
Trí thức trẻ