Mòn mỏi chờ sửa đổi Nghị định 20, doanh nghiệp lo chờ được mạ thì má đã sưng
Chỉ còn hơn tháng 1 nữa là kết thúc năm và chuẩn bị cho kỳ quyết toán thuế, điều mà hàng loạt doanh nghiệp mong chờ lúc này là việc sửa đổi khoản 3 điều 8 của Nghị định 20 quy định về lãi vay được khấu trừ của doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Kể từ khi được ban hành vào đầu năm 2017, Nghị định 20 về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, vốn có nhiều quy định về thuế ảnh hưởng nhiều nhất đến doanh nghiệp, đã gây ra nhiều vướng mắc trong việc triển khai kinh doanh.
Cụ thể, khoản 3, điều 8 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế" - tức 20% EBITDA. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.
Rất nhiều trường hợp đặc thù được các doanh nghiệp đưa ra nhưng phía cơ quan thuế cũng chưa đưa ra được câu trả lời cụ thể ngoài việc áp dụng đúng như nội dung của thông tư.
Tại hội nghị sơ kết ngành tài chính tháng 7/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhận định công tác xây dựng thể chế, ban hành văn bản của ngành Tài chính vẫn còn chậm, có văn bản không rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ngành cũng chưa kịp thời trình Thủ tướng, Chính phủ bãi bỏ hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi bổ sung các văn bản đang có vướng mắc.
Phó Thủ tướng đã dẫn ra vấn đề khống chế lãi vay đối với các doanh nghiệp liên kết quy định tại Nghị định số 20 như là một ví dụ.
"Thủ tướng 3 lần đều nhắc đến chuyện này rồi", Phó Thủ tướng cho biết. Ông cũng thông tin rằng Bộ Tài chính đã có văn bản gửi lên và Văn phòng Chính phủ sắp tới sẽ cho ý kiến thẩm định thêm về nội dung khống chế lãi vay.
"Nếu chờ sửa đổi bổ sung theo Luật quản lý thuế thì chậm, nên chăng vướng đâu gỡ đó", Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh các doanh nghiệp "kêu" rất nhiều.
Ban đầu, quy định trần lãi vay được đưa ra với mục tiêu hạn chế việc chuyển thu nhập của các Doanh nghiệp có FDI tại Việt Nam đến một doanh nghiệp khác (trong cùng Tập đoàn đa quốc gia) tại vùng lãnh thổ/quốc gia có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn so với Việt Nam để tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia lại chỉ ra thực tế ngược lại: Đối tượng bị ảnh hưởng nặng nền nhất theo quy định này là các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp đang đầu tư vào những ngành trọng điểm cần số vốn rất lớn.
Từ khi được ban hành đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn như EVN, Vinacomin, Vicem, Lilama, hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã liên tục gửi đơn kiến nghị. Nếu không sớm sửa đổi quy định tính lãi vay theo quy định tại Nghị định 20, doanh nghiệp sẽ lâm vào phá sản. Và có sửa thì phải làm tận gốc nghĩa là kể cả khoản thuế từ năm 2017 cũng không phải nộp. Do văn bản không hợp lý này, nếu vẫn nộp thì doanh nghiệp vẫn khó sống được do khoản thuế lên đến hàng nghìn tỷ đồng, được vạ thì má đã sưng.
Như trường hợp của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai mới đây cũng cho biết về khả năng có thể lỗ thêm gần 500 tỷ đồng tiền thuế nếu thực hiện theo quy định của Nghị định 20 dù rằng doanh nghiệp này đã gặp khó khăn và hầu như không có lợi nhuận từ nhiều năm nay.
Với việc chưa phân bổ khoản thuế TNDN theo như quy định tại Nghị định 20 cho thấy Ban lãnh đạo HAGL kỳ vọng Nghị định 20 sẽ không chỉ được sửa đổi mà sẽ còn được hồi tố (miễn trừ thực hiện) do hàng loạt bất cập của quy định đã được mổ xẻ.
Đây cũng là mong ước chung của mọi doanh nghiệp chịu tác động lớn từ quy định này, bởi rõ ràng, khoản 3 điều 8 Nghị định 20 đang không phù hợp với Luật doanh nghiệp về nguyên tắc tự do kinh doanh, cũng như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp về cách xác định chi phí.
Cụ thể, điều 7 Luật doanh nghiệp qui định quyền của doanh nghiệp là được "tự do kinh doanh trong các ngành nghề mà pháp luật không cấm", tuy nhiên, qui định giới hạn về chi phí lãi vay của Nghị định 20 lại không tôn trọng quyền tự do kinh doanh, đồng thời triệt tiêu sự đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc quy định khống chế chi phí được trừ đối với lãi vay không vượt quá 20% lợi nhuận trước chi phí lãi, khấu hao áp dụng cho toàn bộ các khoản vay (từ bên liên kết và bên độc lập, ngân hàng thương mại) cũng là một quy định hoàn toàn mới không được quy định tại Luật Thuế TNDN. Đặc biệt, Nghị định 20 là văn bản Qui định về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, tuy nhiên khoản 3 Điều 8 lại không có hướng dẫn cụ thể về giao dịch liên kết đặc thù dẫn đến việc áp dụng khống chế chi phí lãi vay theo Nghị định 20 cho tất cả các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, kể cả trường hợp không có giao dịch vay vốn từ các bên liên kết.
Do vậy, nếu không sớm có quyết định sửa đổi và miễn trừ thực hiện cho khoản thuế phát sinh từ khi Nghị định có hiệu lực đến nay, các doanh nghiệp sẽ khó có thể yên tâm đầu tư phát triển kinh doanh. Thậm chí, các chuyên gia cho rằng cần xem xét bãi bỏ ngay Nghị định 20 bởi văn bản này đang đi ngược với Quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế TNDN cũng như thông lệ quốc tế.
Những bất cập của nghị định 20
Gây áp lực lên các mô hình tập đoàn
Mục tiêu ban đầu của quy định trong Nghị định 20 là nhằm hạn chế việc chuyển thu nhập của các Doanh nghiệp có FDI tại Việt Nam đến một doanh nghiệp khác (trong cùng Tập đoàn đa quốc gia) tại vùng lãnh thổ/quốc gia có thuế suất thuế TNDN thấp hơn so với Việt Nam để tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp tại Việt Nam.
Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia thì đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc khống chế chi phí lãi vay lại là các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt những doanh nghiệp đang đầu tư vào những ngành trọng điểm cần số vốn rất lớn, như vậy là hoàn toàn trái với mục tiêu ban đầu khi ban hành Nghị định.
Bên cạnh đó, trong nền kinh tế hiện nay thì việc hình thành mô hình các Công ty holding (hay còn gọi là Công ty quản lý vốn) trong Mô hình Kinh tế tập đoàn là xu thế tất yếu trong kinh doanh để hỗ trợ về vốn cho các Công ty thành viên khi mới thành lập và chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay.
Quy định khống chế lãi tiền vay được trừ thu nhập chịu thuế tại Nghị định này còn phát sinh việc đánh thuế trùng đối với cùng một giao dịch kinh doanh – lãi tiền vay (bên cho vay phải nộp thuế TNDN đối với thu nhập từ lãi tiền vay, bên đi vay phải nộp thuế TNDN đối với phần Chi phí tiền vay vượt mức khống chế).
Một trong những bất cập nhất của việc khống chế trần lãi vay là tác động lên hoạt động đi vay và cho vay lại giữa công ty mẹ và các công ty thành viên - vốn rất phổ biến trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng như tư nhân mà EVN là một điển hình.
EVN cho biết: Bản chất các giao dịch liên kết có tính chất "cho vay lại" giữa EVN và các đơn vị thành viên được thực hiện theo quy định của Chính phủ và tuân thủ nguyên tắc giá thị trường.
Đối với các khoản vay mà công ty mẹ vay về và cho công ty con vay lại thì chi phí lãi vay phát sinh tại cả công ty mẹ và công ty con tính trên cùng một khoản vay và sẽ bị áp trần 2 lần. Phần chi phí lãi vay vượt trần sẽ bị tính thuế 2 lần tại 2 công ty. Theo tính toán của chúng tôi, bản thân công ty mẹ EVN cũng phải nộp thêm 762 tỷ đồng thuế TNDN năm 2017 nếu khống chế trần chi phí lãi vay ở mức 20% EBITDA. Tương tự các công ty con của EVN cũng phát sinh thêm cả trăm tỷ tiền thuế phải nộp.
Sự thiếu tương thích với thông lệ quốc tế
Thực tế thì quy định về khống chế tỷ lệ lãi vay cũng được nhiều nước áp dụng. Nghị định 20 được xây dựng dựa trên những khuyến nghị tại Hành động 4 "Hạn chế xói mòn cơ sở thuế thông qua các khoản khấu trừ lãi tiền vay quá mức và các thanh toán tài chính khác" trong 15 nhóm Hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận của Tổ chức OECD.
OECD đưa ra gợi ý về tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay từ 10% đến 30% nhưng cũng nhấn mạnh rằng các nước cần cân nhắc nhiều yếu tố khi thiết lập tỷ lệ như:
+ Cho phép một công ty vượt quá giới hạn này trong những hoàn cảnh nhất định
+ Cần lưu ý rằng một số tập đoàn vay nợ nhiều từ bên thứ 3 không phải vì mục đích thuế
+ Một đặc điểm quan trọng của quy tắc tỷ lệ cố định là quy tắc này chỉ hạn chế khấu trừ lãi vay thuần của công ty (tức là chi phí lãi vay vượt quá doanh thu hoạt động tài chính) của một công ty.