'Món quà' đặc biệt 100 tỷ ông Phạm Nhật Vượng gửi thế giới: 2 kỷ lục, 2 đột phá
Giải thưởng VinFuture - một giải thưởng khoa học toàn cầu mới - hứa hẹn truyền cảm hứng cho các nhà khoa học nhằm tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa cho hàng triệu người trên thế giới.
- 18-01-2022Hé lộ đoạn tin nhắn thể hiện thái độ kiên quyết của mẹ bé gái bị "dì ghẻ" bạo hành: "Em không chấp nhận lý do vì con bé hư lì hay do ghen ghét với em... không thể bào chữa như thế"
- 18-01-2022Kiếm 5 triệu đồng một ngày với công việc nhẹ nhàng: Đứng xếp hàng hộ cho người cực nhiều tiền nhưng hiếm thời gian
- 18-01-2022Trong lương tháng bạn nhận được, luôn bao gồm một phần phí chịu đựng: Công việc nào cũng có ấm ức mà thôi!
Hôm nay đánh dấu ngày đầu tiên trong Tuần lễ Khoa học VinFuture diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam (từ 18 đến 21/1/2022). Tuần lễ Khoa học VinFuture là sự kiện quan trọng và quy mô của giới khoa học công nghệ toàn cầu, thu hút sự quan tâm của hàng ngàn nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và giới doanh nhân từ 6 châu lục.
Đặc biệt, lần đầu tiên, các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng bậc nhất thế giới sẽ hội tụ tại Việt Nam để tham gia 4 hoạt động chính của Tuần lễ Khoa học VinFuture gồm: Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo (diễn ra vào sáng 18/01/2022); Tọa đàm "Khoa học vì Cuộc sống" (diễn ra vào 19/01/2022); Lễ Trao giải VinFuture lần thứ nhất (Đây là tâm điểm của sự kiện, diễn ra vào tối 20/01/2022 tại Hà Nội); và Giao lưu cùng Chủ nhân giải thưởng VinFuture (ngày 21/01/2022).
Lễ Trao giải VinFuture lần thứ nhất sẽ diễn ra vào tối 20/01/2022 tại Hà Nội. Ảnh: VinFuture Prize
Riêng Lễ Trao giải sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam và livestream ra thế giới thông qua các kênh truyền thông quốc tế chuyên về khoa học công nghệ.
Giải thưởng VinFuture là hoạt động cốt lõi của Quỹ VinFuture. Quỹ VinFuture, ra mắt vào 20/12/2020, nhân ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại - là quỹ hoạt động độc lập, phi lợi nhuận do tỷ phú Phạm Nhật Vượng và phu nhân Phạm Thu Hương sáng lập.
Cùng với các giải thưởng khoa học nổi tiếng, Nobel, Turing và Fields, Giải thưởng VinFuture cam kết ghi nhận những nghiên cứu và đổi mới công nghệ mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, đồng thời tạo ra một thế giới bình đẳng và bền vững hơn, Tạp chí Nature nhận định.
Tầm nhìn và sứ mệnh của Quỹ là tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên thế giới.
VinFuture ghi nhận sự tham gia của 60 quốc gia ở 6 châu lục, trong đó số lượng dự án đến từ Bắc Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) chiếm một tỷ trọng lớn 52,6%. Việt Nam cũng có sự tham gia ấn tượng với 17 dự án. Đây là kết quả vượt xa kỳ vọng với một giải thưởng hoàn toàn mới như VinFuture.
2 KỶ LỤC - 2 ĐỘT PHÁ CỦA VINFUTURE
Hoạt động cốt lõi của Quỹ là trao Giải thưởng VinFuture hàng năm cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, đã, đang hoặc có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người.
Giải thưởng VinFuture trao 4,5 triệu đô la Mỹ cho những đột phá thay đổi thế giới về khoa học và công nghệ hàng năm.
1. Hai kỷ lục của Giải thưởng VinFuture
- Kỷ lục thứ nhất của Giải thưởng VinFuture có lẽ phải kể đến quy mô của Giải thưởng Chính và sự ghi nhận nhanh chóng của cộng đồng khoa học thế giới.
Giải thưởng VinFuture đã thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng các nhà khoa học thế giới với hơn 1.200 đăng ký đến từ 654 trường đại học hàng đầu, 51 Viện Nghiên cứu nổi tiếng, và 42 Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia uy tín toàn cầu.
Giải thưởng đã tiếp nhận 599 dự án tranh giải, trong đó, có gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Nhiều người trong số họ đã từng nhận được các giải thưởng cao quý như Giải thưởng Nobel, Giải thưởng Breakthrough, Giải thưởng Tang Prize, Giải thưởng Japan Prize…
599 dự án được đề cử năm nay được các Hội đồng đánh giá có chất lượng cao, vượt trội về tính khoa học, tiên phong về công nghệ, hứa hẹn mang lại tác động tích cực cho hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người trên thế giới. Những vấn đề mà các dự án này tập trung giải quyết bao gồm công nghệ y sinh để ứng phó với đại dịch, ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, sáng tạo vật liệu mới để lưu trữ và sản xuất năng lượng sạch và giá rẻ, nông nghiệp bền vững, công nghệ tiên tiến để tạo ra nguồn nước sạch cho các nước nghèo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, điều trị bệnh hiểm nghèo và tạo ra các cơ hội bình đẳng trong giáo dục.
Trong Hệ thống giải thưởng VinFuture với tổng giá trị là 4.500.000 đô la Mỹ, tương đương 102.285.000.000 VND, riêng Giải thưởng Chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3.000.000 đô la Mỹ, là giải thưởng khoa học - công nghệ thường niên có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trên toàn cầu.
- Kỷ lục thứ hai của Giải thưởng VinFuture đến từ việc VinFuture vinh danh những nhà khoa học nữ, âm thầm cống hiến công sức cho nhân loại.
Trong số đó phải kể đến Giáo sư Katalin Kariko - Người phụ nữ đứng sau vắc xin mRNA để làm nên các loại vắc xin thế hệ mới trong cuộc chiến chống Covid-19 - cũng tham dự Tuần lễ Khoa học VinFuture tại Việt Nam.
Giáo sư Katalin Kariko.
Hành trình đến với công nghệ mRNA là câu chuyện gây xúc động. Bà là con gái một người bán thịt ở thị trấn nhỏ Kisujszallas, Hungary. Năng lực và say mê nghiên cứu đưa bà cùng chồng và con đến Mỹ với tài sản duy nhất là 1 chiếc ô tô cũ. Nhiều thập kỉ trước, ý tưởng về việc chèn đoạn RNA thông tin (mRNA) vào tế bào đã được bà cùng cộng sự đưa ra nhưng bị cười nhạo. Đáng buồn là khi tất cả đang tiến triển, vị cộng sự của bà rời bỏ nghiên cứu khiến bà Kariko phải tự xoay sở trong điều kiện không phòng thí nghiệm, không hỗ trợ tài chính.
Kariko sau đó phải vượt qua những khó khăn lớn nhất của đời người khi bị chẩn đoán mắc ung thư, bị buộc phải rời khỏi Đại học Pennsylvania vì kết quả nghiên cứu không tốt.
Sau khi gặp được người đồng nghiệp có cùng hướng nghiên cứu là bác sĩ miễn dịch học Drew Weissman, cả hai đã cùng đi kêu gọi tài trợ nhưng liên tiếp thất bại. Chỉ tới năm 2005 khi nghiên cứu có đột phá, tất cả thế giới mới bắt đầu thừa nhận về mRNA. Đó là công nghệ đã được áp dụng với hàng tỉ liều vaccine cho tới hiện tại.
Giáo sư Katalin Kariko là Phó chủ tịch cấp cao của BioNTech. Bà được vinh danh với Giải thưởng Princess of Asturias, Giải thưởng Vilcek cho Sự xuất sắc trong Công nghệ Sinh học, Giải thưởng Breakthrough trong Khoa học Đời sống…
Nói thêm về các con số, trong 599 dự án tranh Giải thưởng VinFuture, các nhà khoa học nữ cũng có sự góp mặt ấn tượng với tỷ lệ 34,3% trong tổng số ứng viên.
Và đặc biệt, giải thưởng dành cho hạng mục nhà khoa học nữ là một trong 3 Giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 đô la Mỹ - đây cũng là một kỷ lục về số tiền trao thưởng thường niên cho các nhà khoa học nữ trên toàn cầu.
2. Hai đột phá của Giải thưởng VinFuture
Một điểm khác biệt nhân văn của Giải thưởng VinFuture so với nhiều giải thưởng khoa học khác trên thế giới đó là Giải thưởng VinFuture không chỉ dành để vinh danh các nhà khoa học nữ mà còn vinh danh các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.
Và đây cũng chính là 2 đột phá của Giải thưởng VinFuture.
- Đột phá thứ nhất: Tôn vinh các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển
Tiến sĩ Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và là đại diện được chỉ định của Quỹ VinFuture cho biết trên CNBC rằng: "Trong những năm qua, các nhà nghiên cứu và nhà phát minh đã có nhiều đóng góp cho khoa học và đời sống con người. Nhiều giải thưởng hơn sẽ giúp tôn vinh trí tuệ và trao cơ hội cho những người làm việc ở những nơi không được phục vụ trên thế giới, nhờ đó sẽ thúc đẩy nỗ lực của chúng tôi nhằm tạo ra một tương lai bền vững hơn cho tất cả mọi người".
Việc thúc đẩy nghiên cứu ở các nước đang phát triển có thể có tác động lớn đến tính bền vững. Đó là lý do tại sao những nỗ lực này tập trung vào việc giải quyết các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) năm 2030 của Liên Hợp Quốc, nhằm giải quyết một số vấn đề lớn nhất của thế giới, như nghèo đói và biến đổi khí hậu.
Tôn vinh khoa học cho nhân loại, Giải thưởng VinFuture phù hợp với các SDG trên toàn diện. Hơn bao giờ hết, thế giới cần sự đoàn kết - hành động tập thể nhằm giải quyết các mối đe dọa đối với tương lai thế giới và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các nhà đổi mới để đáp ứng các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc vào năm 2030.
Các đóng góp cho STEM (viết tắt của Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), như Giải thưởng VinFuture, giúp các nhà sản xuất vắc-xin tiếp tục các nghiên cứu của họ; giúp các nhà khoa học khí hậu chống lại tác động của môi trường đang thay đổi; và thế hệ nhà lãnh đạo và nhà tư tưởng tương lai giải quyết các vấn đề trong thế giới thực cho hơn 7 tỷ người trên Trái Đất.
Họ góp phần tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
- Đột phá thứ hai: Tôn vinh các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới
Tiến sĩ Lê Mai Lan trả lời phỏng vấn trên Tạp chí Nature rằng: Điểm khác biệt của Giải thưởng VinFuture nằm ở chỗ đây là quỹ đầu tiên mang tầm vóc quốc tế được thành lập ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Tiến sĩ Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và là đại diện được chỉ định của Quỹ VinFuture
Quỹ tôn vinh những công trình đã hoặc sẽ có tiềm năng mang đến những giải pháp có thể áp dụng vào cuộc sống đời thường của người dân bình thường chứ không chỉ là những nghiên cứu vĩ mô hay hàn lâm xa rời thực tế.
Được giới thiệu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan rộng toàn cầu, Giải thưởng VinFuture thu hút nhiều đề cử mang tính thời sự và nhân văn. Tiến sĩ Lê Mai Lan cho biết thêm, các đề cử năm nay đề cập đến nhiều vấn đề cấp bách về sức khỏe và sức khỏe con người, nổi bật là các phương pháp phòng ngừa và điều trị các bệnh truyền nhiễm trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, phát triển năng lượng sạch, nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, tái thiết thế giới sau đại dịch ... cũng được nhiều nhà khoa học chú trọng.
Điều này cho thấy, Quỹ VinFuture chú trọng đến nhiều lĩnh vực mới liên quan mật thiết đến cuộc sống của nhiều người và hợp thời hơn.
Điều này đúng với giá trị của Giải thưởng khi ghi nhận những đóng góp khoa học xuất sắc mang lại tác động tích cực cho nhân loại trên phạm vi toàn cầu. Hai giá trị đó phải song hành với nhau.
Với việc dành 03 Giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 đô la Mỹ, dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới, đã thể hiện điểm khác biệt nhân văn của VinFuture trong bối cảnh có rất ít giải thưởng tầm cỡ, giá trị lớn tôn vinh và cổ vũ cho các nhà khoa học ở những "vùng trũng" hoặc phải đối diện với nhiều rào cản trong nghiên cứu khoa học.
TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ NÓI GÌ VỀ VINFUTURE?
Việc Quỹ VinFuture ra đời và thành lập Giải thưởng VinFuture đã thu hút sự chú ý của cộng đồng khoa học quốc tế cũng như truyền thông nước ngoài.
Trên website của CNN, bài viết “Khoa học phụng sự nhân loại” nhấn mạnh, giải thưởng VinFuture là một trong những giải thưởng khoa học có quy mô toàn cầu nhằm tôn vinh những nghiên cứu khoa học công nghệ mang lại ảnh hướng tích cực tới cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới.
"Các nhà khoa học nhận thức sâu sắc về sự đa dạng và mức độ nghiêm trọng của các vấn đề mà xã hội chúng ta đang phải đối mặt ngày nay. Bất kỳ sáng kiến táo bạo nào như VinFuture Prize sẽ được cộng đồng nhiệt liệt chào đón" - Gérard Mourou, người đoạt giải Nobel Vật lý 2018 và thành viên hội đồng giải VinFuture cho biết trên Tạp chí Nature.
Ông Gérard Mourou, người đoạt giải Nobel Vật lý 2018 và thành viên hội đồng giải VinFuture.
"Tất cả chúng ta có thể không nói cùng một ngôn ngữ, nhưng chúng ta có thể tập hợp hầu hết các nhà khoa học có liên quan trên hành tinh để tiến bộ vì một mục tiêu chung, như Covid-19. Đây là một điều vô cùng đáng khích lệ và là một ví dụ tuyệt vời về tinh thần đoàn kết trên phạm vi toàn cầu" - Ông Gérard Mourou nói.
Kênh truyền hình CNBC (Mỹ) bình luận: Là giải thưởng đầu tiên thuộc loại hình này ở Châu Á - Thái Bình Dương, Giải thưởng VinFuture giúp các nhà nghiên cứu nữ, các nhà khoa học làm việc trong các lĩnh vực mới nổi và thế giới đang phát triển có cơ hội tiếp cận nguồn lực đầu tư.
VinFuture cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các nhà khoa học từ các trường Đại học, các Viện nghiên cứu hàng đầu thế giới như Đại học Harvard (Mỹ) – nơi quy tụ rất nhiều nhà khoa học danh giá; Viện Sức khoẻ Quốc gia Mỹ (NIH, Mỹ) - cơ quan đầu não của chính phủ Mỹ phụ trách sức khỏe cộng đồng; Đại học Cambridge-Đại học Oxford, nơi vốn nổi tiếng trong nghiên cứu về khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, cũng là nơi có nhiều nhà khoa học đã được trao giải Nobel; Hiệp hội Max Planck (Đức) - tổ chức nghiên cứu danh tiếng hàng đầu thế giới về khoa học và công nghệ; Đại học Tokyo - tổ chức giáo dục đại học uy tín hàng đầu của Nhật bản và Viện Hàn lâm khoa học Trung quốc, một trong những tổ chức khoa học có uy tín và quy mô lớn nhất toàn cầu.
Giáo sư Jennifer Tour Chayes, thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture và cũng là Phó hiệu trưởng Trường Máy tính, Khoa học Dữ liệu và Xã hội, Đại học California, Berkeley, Mỹ chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, theo thời gian, giải thưởng VinFuture sẽ vươn tới quy mô và có tầm vóc lớn. Tôi hi vọng VinFuture sẽ có vị thế và sánh vai với các giải thưởng lớn hiện nay như Giải Field Medal cho lĩnh vực Toán học hay Giải Turing trong lĩnh vực khoa học máy tính”.
Tiến sĩ Lê Mai Lan nói: "Chúng tôi tin tưởng rằng Quỹ VinFuture và Giải thưởng VinFuture sẽ thúc đẩy mạnh mẽ khả năng sáng tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đưa tri thức nhân loại vượt ra khỏi ranh giới thông thường, và đóng góp vào một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại".
Sứ mệnh giải thưởng của VinFuture đã tạo tiếng vang cộng hưởng với sự mệnh của tập đoàn Vingroup - “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người”.
Giá trị lớn nhất và cũng là sứ mệnh của Giải thưởng VinFuture chính là thúc đẩy khoa học phụng sự nhân loại, tôn vinh những công trình khoa học kiệt xuất có tính ứng dụng cao, có thể tạo ra sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới.
Với Việt Nam, Giải thưởng VinFuture không chỉ góp phần nâng tầm vị thế đất nước trên bản đồ khoa học và công nghệ toàn cầu; mà còn là cầu nối với cộng đồng khoa học trong nước với các nhà khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới, tạo động lực cho việc phát triển của khoa học công nghệ cao.
Với việc được tổ chức thường niên, Giải thưởng VinFuture sẽ định vị Việt Nam thành một điểm đến mới trên bản đồ khoa học - công nghệ toàn cầu, góp phần tạo bệ đỡ cho nền khoa học công nghệ trong nước hội nhập với thế giới.
Đặc biệt, VinFuture sẽ mở ra cơ hội kết nối trí tuệ đỉnh cao giữa giới khoa học, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp, hội tụ các nguồn lực để cùng chung tay thúc đẩy quá trình thương mại hóa, đưa các ý tưởng nghiên cứu vào phục vụ đời sống một cách thiết thực, hiệu quả đúng như sứ mệnh "Khoa học phụng sự nhân loại" mà giải thưởng đề ra.
Bài viết sử dụng nguồn: Vinfutureprize.org, Nature, CNBC
Pháp luật & Bạn đọc