Món quà đầu năm học mới dành cho cậu bé hằng đêm nhặt ve chai đến 3 giờ sáng ở Sài Gòn
Người ta thường nói những đứa trẻ ngoan thì sẽ có quà, và câu chuyện của cậu nhóc 9 tuổi hằng đêm đi nhặt ve chai ở Sài Gòn đã một lần nữa tiếp vẽ nên những bức tranh hạnh phúc của tình người ở thành phố này.
9 tuổi, ở cái tuổi mà những đứa trẻ ở thị thành này chỉ cần ăn đủ bữa, học đúng giờ là ba mẹ đã mừng thì thằng Nhí đã biết phụ mẹ giặt đồ, nấu cơm, rửa chén và hằng đêm theo mẹ đi nhặt ve chai kiếm tiền trang trải cuộc sống. Hình ảnh thằng nhóc hồn nhiên đạp xe lộc cộc trong đêm nhặt nhạnh từng chai nhựa, hộp giấy đã khiến không ít người cảm động lẫn thán phục. Mỗi đêm Nhí ra đường làm việc từ 7h và trở về nhà lúc 3h sáng, vất vả là thế nhưng thằng nhóc lúc nào cũng cười, chẳng bao giờ than vãn, chỉ hôm nào quá mệt nó mới mè nheo với mẹ:
- Mẹ ơi! Nay con bị cấn thai, con nghỉ một bữa nghen! (Nhí chỉ vào cái bụng tròn ủm của nó)
Cuộc đời của Yến
Cuộc đời của Yến là tên của một bộ phim điện ảnh kể về thân phận người phụ nữ xưa, những người dành trọn cuộc đời mình để sống vì chồng vì con, dẫu đôi khi hạnh phúc với họ không hề trọn vẹn. Có đôi nét tương đồng với nội dung của bộ phim, cuộc đời của chị Yến (mẹ của Nhí) cũng lắm thăng trầm từ lúc mới sinh ra.
Chị Yến tên thật là Trần Hồng Tâm, sinh ra ở Sóc Trăng. Lớn lên nhờ sự bảo bọc của ông ngoại, chị chưa một lần được gặp ba mẹ ruột của mình. Những năm tháng tuổi thơ cơ cực đã đưa cô bé Tâm đến một quyết định táo bạo - bỏ nhà lên thành phố. 10 tuổi lần đầu tiên cô gái nhỏ, không người thân, không tiền bạc bước chân vào cái thế giới xô bồ của thành thị.
Chị Yến lên thành phố từ năm 10 tuổi.
Yến là cái tên mà chị đổi sau khi lên Sài Gòn, một cách để lảng tránh những ký ức không đẹp và bắt đầu một cuộc đời mới. Sống lay lắt ngoài góc đường xó chợ, lúc thì đi bán vé số khi thì đi nhặt ve chai, mọi thứ vậy rồi cũng qua. Lớn lên chị thương một người con trai nhưng không được gia đình anh chấp nhận.
Ngày biết tin chị mang thai, anh bỏ đi, một lần nữa chị bơ vơ không điểm tựa, không niềm tin. Nhí chào đời, chị ẵm con bỏ trốn khỏi bệnh viện vì không có tiền trả viện phí. Hai mẹ con đùm bọc nhau ở góc chợ Cây Gõ, mãi tới khi Nhí lên 3 tuổi 2 mẹ con mới có tiền để thuê phòng trọ tử tế để ở.
Nhí tên thật là gì? - tôi hỏi.
Thằng nhóc nhanh nhẩu: Dạ, con tên Trần Hoàng Anh, chú có thể gọi con là Hoàng Anh đẹp trai (không quên lấy tay vuốt vuốt tóc).
Mỗi ngày đạp xe xa như vậy có thấy mệt không?
- Dạ không! Con đi làm thấy vui, nhưng mà sợ ma (hihi) - trước những câu trả lời của Nhí đều rất lễ phép dạ thưa. Mới đầu tôi có hơi bất ngờ vì những đứa trẻ lớn lên trên đường phố như Nhí thường không được bố mẹ dạy nhiều về lễ nghĩa, phần vì chúng phải luôn ngang bướng để tồn tại giữa những bon chen của đời. Nhưng Nhí thì không, nó tròn trịa, trắng trẻo và lễ phép với tất cả mọi người. Hẳn là chị Yến đã mất khá nhiều thời gian để dạy ông tướng này.
Nhí lanh lợi và luôn lễ phép với mọi người.
Đang trò chuyện rôm rả, thì Nhí đứng dậy bảo: "Xí, con đi ra đây chút xíu". Cậu nhanh chóng chạy vào tolet 30 giây rồi chạy vào lại. Chị Yến cười: Nó đi xì hơi đó. Cả nhà cười to: "Trời đất, Nhí lịch sự quá!". Nhí cười hè hè: "Phải lịch sự chứ, không là cây vào đít, hết đẹp trai".
Người mẹ "keo kiệt" và cậu con trai lém lỉnh
Lên 6 tuổi Nhí đã theo chân mẹ đi khắp nẻo đường thành phố để nhặt ve chai. Những túi rác, thùng rác là cả một thế giới kho báu to lớn mà ở đó chị Yến có thể kiếm được tiền để nuôi con, và để Nhí có chút tiền phụ mẹ.
Mỗi đêm hai mẹ con chia ra hai ngã đường, rồi đến 12h đêm thì gặp nhau tại 1 điểm hẹn để cùng nhau chạy về nhà. Mấy tháng trước chị Yến gặp tai nạn, chị bị một chú xe ôm đụng phải, ban đầu tưởng không nặng nhưng sau khi về đến nhà thì toàn thân đau nhức khiến chị phải nghỉ làm tận 10 ngày trời. Mấy ngày đó Nhí đi làm một mình, không có mẹ.
Cậu nhóc và chiếc xe đạp nhỏ cùng nhau đồng hành mỗi đêm.
"Con đi trên đường gặp nhiều cô chú dễ thương lắm, có cô dẫn con đi siêu thị mua kem ăn, có chú dẫn cho con bánh... có cô Trang làm tặng con một chú heo đất để con để tiền tiết kiệm nữa" - Nhí đem con heo đất có dòng chữ "Tặng bé nhí" ra khoe với mọi người.
Chị Yến nói: "Chị là bà mẹ keo kiệt nhứt cái Sài Gòn này đó em. Người ta mua bánh, mua kem cho Nhí ăn chứ chị không có mua đâu, phải để dành tiền để đóng tiền trọ mỗi tháng, rồi phòng mỗi khi bệnh thì có tiền mà mua thuốc. Mọi thứ trong nhà này đều là người ta cho, hoặc là lượm từ bãi rác, như cái điện thoại di động này chị cũng lượm từ túi rác rồi đem đi sửa lại để xài".
Chú heo đất mà Nhí được tặng.
Có người biết hoàn cảnh của hai mẹ con nên ngỏ lời với chị Yến rằng khi nào gặp khó khăn thì gọi để chị giúp, nhưng chị Yến cười bảo: Ngại lắm, sợ mang nợ rồi người ta nói mình đem con ra để lợi dụng tình thương. Nên thôi hai mẹ con có rau ăn rau, có cá ăn cá.
Vậy chứ ông trời cũng dễ thương lắm! Thấy hai mẹ con đơn chiếc nên cũng gặp được nhiều quý nhân. Là cô gái trẻ hàng xóm thường xuyên chạy qua chơi với Nhí, mua tập vở cho cu cậu. Là anh công an khu vực (ấp 4, xã Vĩnh Lộc B) vẫn đều đặn mỗi tháng chở qua nhà cho hai mẹ con 5kg gạo để đỡ lo cái ăn. "Hồi mới về đây làm anh công an khu vực có hỏi hai mẹ con ở đây làm gì, chị nói là đi lượm ve chai sống. Nghe vậy nên ảnh thương, cứ mỗi tháng lại chở 5 ký gạo qua cho. Mọi người ở đây quý mẹ con chỉ, giúp đỡ rất nhiều" - chị Yến kể.
Hai mẹ con được rất nhiều người giúp đỡ.
Nhí đi học chữ
Hồi trước chưa đăng ký được tạm trú, nên Nhí không thể xin vào trường học, thấy con ham học chị Yến nhờ ông thầy gần nhà mỗi ngày đến dạy kèm để biết mặt chữ. Người ta thường nói những đứa trẻ ngoan thì sẽ có quà, và Nhí cũng vậy, đầu năm nay nhờ sự giúp đỡ của mọi người, cậu đã được đến trường học như bao đứa trẻ khác.
Thằng nhóc hớn hở kể: "Trường gần xịch hà, mỗi ngày con đạp xe cái vèo là tới. Đi học trên lớp nhiều bạn vui lắm. Từ hồi bắt đầu đi học con không đi lượm ve chai nữa, bữa nào vui vui thì đi với mẹ cho vui thôi".
Nhí đã không còn vất vả đi nhặt ve chai mỗi đêm cùng mẹ.
Nghe đâu có người hỗ trợ cho Nhí tiền ăn học đến năm 18 tuổi, nên gánh nặng của chị Yến cũng đỡ đi phần nào. Cuộc sống của hai mẹ con cứ vậy bình yên trôi qua. Mỗi ngày tiếng cười của hai mẹ con vẫn rộn vang khắp khu trọ nghèo này. Có bữa mẹ hỏi Nhí: "Nhí có muốn mẹ cưới chồng, sinh thêm em bé cho Nhí có em không?"
Nhí lắc đầu: "Cần gì phải lấy chồng, chỉ cần mẹ ăn nhiều cơm là có bầu rồi!". Nói rồi Nhí đứng dậy đi bới tô cơm to đùng vừa ăn, vừa tấm tắc khen: "Cơm Nhí nấu ngon quá hà!".
Ừ, thì chỉ cần có hai mẹ con là đủ, trong căn trọ nhỏ xíu này, bão táp cuộc đời luôn dừng bên hiên cửa.
Trí thức trẻ