MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mông Cổ - mảnh đất của những cơ hội bị bỏ lỡ

13-06-2016 - 07:34 AM | Tài chính quốc tế

Phụ thuộc vào nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc, nền kinh tế đang chững lại của Mông Cổ đối mặt với thách thức to lớn như suy giảm đầu tư nước ngoài và nợ tăng.

Sáu năm trước, người du mục Ankhbayar Garamdagva theo đoàn tới thành phố Ulaanbaatar nằm ở rìa sa mạc Gobi với hi vọng có được một phần sự giàu có mà cơn sốt bùng nổ hàng hóa toàn cầu hứa hẹn sẽ mang đến cho Mông Cổ.

Thủ đô của Mông Cổ, Ulaanbaatar, ngôi nhà của hơn một nửa dân số đất nước, bước vào thời kỳ bùng nổ xây dựng khi nền kinh tế Mông Cổ trỗi dậy. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2011, ngành xây dựng tăng hơn 65% một quý. Tuy nhiên đến nay, các dự án như những vết sẹo hằn sâu vào thành phố này.

Người cha 29 tuổi của 2 đứa con bán đi toàn bộ vật nuôi đồng thời vay tiền từ một ngân hàng địa phương để mở một cửa hàng bán quần jean tại ngôi chợ phía nam thành phố. Cửa hàng này chỉ được che bởi những mảnh nhựa cách nhiệt mà đôi khi vỡ vụn dưới nhiệt độ âm 30 độ F (khoảng âm 36 độ C).

Phụ thuộc vào nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc, nền kinh tế đang chững lại của Mông Cổ đối mặt với thách thức to lớn như suy giảm đầu tư nước ngoài và nợ tăng.

Ông Garamdagva mỗi tháng cùng vợ đến khu chợ bán buôn trong thị trấn ngay bên kia biên giới phía nam với Trung Quốc một lần để nhập hàng, sau đó bán mỗi chiếc quần jeans với giá có thể lên đến 10 USD. Nhưng ngày nay, khách hàng đang trở nên khan hiếm. Quãng thời gian bùng nổ ở Ulaanbaatar đã đến và đi cùng với sự thăng trầm của giá hàng hóa.

Giờ đây, khi đã trung tuổi 30, ông cùng với rất nhiều đồng hương của mình hối tiếc những gì họ đã bỏ lại để rồi phải đối diện với một tương lai vô định đầy ắp nợ nần.

Ông nói: “Những con cừu, con dê, bò, ngựa của tôi, tôi đã bán tất cả, tôi không có đường lui. Tôi đến đây để có được cuộc sống tốt hơn, nhưng, năm nay, chúng tôi thấy không hề có tương lai.”

Sẽ có rất ít quốc gia chứng kiến hi vọng tiêu tan theo khủng hoảng giá hàng hóa toàn cầu nhiều hơn Mông Cổ, đất nước có dân số 3 triệu người và diện tích lớn gấp gần 4 lần California.

Với trữ lượng khổng lồ đồng, than và khoáng sản khác chưa được khai thác ước tính trị giá hơn 1 nghìn tỉ USD và người láng giềng Trung Quốc mới trải qua một cuộc cách mạng công nghiệp, Mông Cổ dường như dành được tấm vé tiến thẳng tới thế giới hiện đại.

Hàng nghìn công trường mỏ đầy hứa hẹn được thành lập. Các công ty toàn cầu bao gồm Rio Tinto PLC và ngân hàng như Goldman Sachs tới đây tìm kiếm cơ hội những cơ hội kinh doanh như quyền khai mỏ và mua cổ phần ở những ngân hàng địa phương. Chính phủ Mông Cổ cũng nhiệt tình chào đón họ.

Năm 2011, Mông Cổ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới với mức hơn 17%. Nguyên lãnh đạo Sukhbaatar Batbold đã dự báo vào năm 2012 rằng quốc gia này có thể tiếp tục tăng trưởng với mức độ đó trong cả thập kỷ.

Tuy nhiên, triển vọng của Mông Cổ cũng tiêu tan theo giá hàng hóa khi cơn sốt lắng xuống. Giá đồng giảm từ mức 10.000 USD/mét tấn xuống chỉ còn 5.000 USD, tương đương với mức của năm 2005.

Nền kinh tế Mông Cổ vẫn đang tăng trưởng, không rơi vào cảnh suy thoái như Canada và Brazil. , nơi tập trung cắt giảm khi sự bùng nổ khai mỏ đang phai nhạt dần. Nhưng trong giai đoạn từ 2013 đến 2015, chỉ những nơi bị tàn phá bởi xung đột hay dịch bệnh như Nam Sudan, Sierra Leone và Ukraine mới có mức sụt giảm tệ hơn Mông Cổ. Trong tháng 1, Ngân hàng Thế giới cắt giảm dự báo tăng trưởng của Mông Cổ trong năm nay xuống còn 0.8%. Hai năm trước, họ dự báo tăng trưởng của năm 2016 là 7.7%.

Trên thảo nguyên rìa Ulaanbaatar sừng sững một bức tượng chiến binh Genghis Khan khổng lồ cao 131 feet (khoảng 40 mét) trên lưng ngựa, xây bởi một trong những người đàn ông giàu nhất đất nước trong suốt những năm khai mỏ bùng nổ, biểu trưng cho sự trở lại vĩ đại của người cai trị đế chế trải dài từ Thái Bình Dương đến Thổ Nhĩ Kỳ 800 năm trước.Tuy nhiên đó là một biểu tượng tương phản với tình trạng hiện tại của thành phố, nơi mà cơ sở hạ tầng cần thiết không bao giờ được xây dựng hay chỉ được phát triển một cách nghèo nàn.

Ví dụ, trong những bệnh viện quận, các gia đình phải ngủ trong sảnh và hành lang. Một buổi trưa gần đây, Purevsuren Sergelen đã phải trưng dụng một hành lang trong bệnh viện để chăm sóc đứa con trai 6 tháng tuổi mới phát hiện bị cúm cách đây 3 hôm.

“Có 9 giường trong phòng tôi, 18 đứa trẻ cùng 18 bà mẹ của chúng, tổng cộng 36 người đang chia sẻ 9 giường đó trong một phòng. Không khí trong phòng không được tốt nên hầu hết thời gian tôi cho con mình ra hành lang.” Bà mẹ 21 tuổi cho hay.

Cô nói cô ước các cơ sở y tế mới được xây dựng, hay chí ít cung cấp thêm giường cho các bệnh viện như thế này. Các kế hoạch từ lâu về bệnh viện mới ở khu trung tâm Ulaanbaastar vẫn chỉ nằm yên trên giấy.

Ở Ulaanbaatar có một nơi được gọi là quận lều - nhà của gần 800.000 người mà trong đó chỉ có rất ít người được tiếp cận với các tiện nghi cơ bản như nước máy.

Lều mọc lên trên một khu vực ngoại ô một thời là cánh đồng cỏ của Ulaanbaatar. Quận lều này phát triển không ngừng trong hai thập kỷ qua khi những dân du mục đầu tiên rời đến thành phố. Khu vực này giờ đây là nhà của gần 800.000 người, hơn một nửa dân số của thành phố.

Rất nhiều người Mông Cổ có nguy cơ quay lại dưới mức nghèo đói khi kinh tế suy thoái, theo Ngân hàng thế giới. Tỉ lệ thất nghiệp của Mông Cổ tăng từ 6.3% quý trước đến 8.3% vào quý cuối năm 2015.

Ngoài ngành tài nguyên, Mông Cổ có rất ít ngành công nghiệp khác: không khai thác đường biển và thiếu cơ sở hạ tầng vận tải thiết yếu, các thợ mỏ ở đây không thể tìm kiếm người mua ở các thị trường mới như Ấn Độ và các thành viên của ASEAN như các quốc gia giàu tài nguyên khác.

Đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Mông Cổ cũng biến mất.

Người nông dân Garamdagya sợ hãi khi mùa đông dài khắc nghiệt còn chưa kết thúc với Mông Cổ và gia đình ông. Ông đã phải vay mượn từ người đồng sở hữu mỏ than để trả nợ hàng tháng.

Nhấp một ngụm trà với sữa và nhiều muối, ông nói: “Chúng tôi không trả được nợ, chắc chắn sẽ phải mượn thêm, nhưng người dân ở đây không còn tiền nữa rồi. Tôi không biết lần sau sẽ vay mượn ở đâu được đây.”

Phương Anh

WSJ

Trở lên trên