Mong sớm gỡ khó cho "3 tại chỗ"
Công ty CP APT ở KCN Tân Tạo (TP HCM) thực hiện “3 tại chỗ” cho người lao động tại doanh nghiệp. Ảnh: HỒNG ĐÀO - NLĐ
Các hiệp hội và doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị Chính phủ, TP HCM xem xét thay đổi cách thực hiện "3 tại chỗ" linh hoạt hơn theo hướng phù hợp với thực tế và điều kiện cụ thể
Một ngày sau hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều DN, hiệp hội đã thông qua Báo Người Lao Động tiếp tục gửi đến Thủ tướng, nêu những khó khăn mà họ đang gặp phải.
Khó duy trì " 3 tại chỗ "
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Công ty CP Saigon Food, phản ánh quy định "3 tại chỗ" tại các nơi không đồng bộ, gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của DN. "Một DN không thể ngồi một chỗ làm việc mà không làm việc với chuỗi cung ứng đầu vào, đầu ra của mình. Chúng tôi chưa hết vướng chuyện cung cấp nguyên vật liệu đầu vào thì lại vướng ở đầu ra đến các hệ thống phân phối. Thực tế quá khó khăn nên DN chỉ cố gắng bảo đảm đưa hàng vào siêu thị ở mức tối thiểu, không bảo đảm được tối đa nữa" - đại diện Saigon Food bày tỏ.
Chưa hết, chi phí "3 tại chỗ" rất lớn, đặc biệt là chi phí xét nghiệm Covid-19 cứ 5 ngày/lần đối với nhân sự làm việc "3 tại chỗ" cũng khiến DN đuối sức. "Những khoản tiền này không nằm trong chi phí chung của công ty, nay muốn đưa vào chi phí cũng không được bởi sẽ khiến chi phí đội lên, kéo theo giá thành sản phẩm tăng lên. Trong bối cảnh này, dù rất khó khăn nhưng DN cũng không tăng giá được, nếu tăng giá thì không khách hàng, người tiêu dùng nào chấp nhận cả" - đại diện Saigon Food nói thêm.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cũng phản ánh tại các DN còn hoạt động, sản xuất gặp khó khăn do phải giảm 50%-60% số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, nguồn cung nguyên phụ liệu đứt gãy, phát sinh nhiều chi phí để thiết lập các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, xét nghiệm cho người lao động. Chưa kể, các quy định chống dịch được thực hiện thiếu đồng loạt tại các địa phương đang gây khó cho DN, trong đó có ngành dệt may.
Ông Giang nhấn mạnh phương án "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường 2 điểm đến" chỉ có thể là giải pháp tình thế trong ngắn hạn. "Một số DN phát hiện có F0 phải đóng cửa và rất lúng túng trong cách xử lý. Đến ngày 5-8, một số tỉnh yêu cầu DN đóng cửa ngay cả khi chưa có ca F0. VITAS đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế có hướng dẫn theo từng kịch bản cụ thể để các DN và địa phương cùng thống nhất phối hợp thực hiện" - Chủ tịch VITAS nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), cho biết đã có nhiều vấn đề phát sinh sau hơn 3 tuần TP HCM thực hiện "3 tại chỗ" trong DN sản xuất. Rất nhiều DN ở tất cả các ngành nghề gồm chế biến lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng, dệt may, cơ khí, nhựa… phản ánh đang gặp khó khăn trong việc duy trì "3 tại chỗ", bao gồm cả khó khăn về việc bảo đảm môi trường ăn, ngủ, sinh hoạt, làm việc lẫn ổn định tâm lý của người lao động trong DN. Ban Quản lý các KCX-KCN cũng thường xuyên cập nhật tình hình các DN đang thực hiện "3 tại chỗ" trong khu, kèm theo đó là dự báo tình huống tiêu cực nếu kéo dài "3 tại chỗ"quá lâu.
Kiến nghị nới lỏng điều kiện
Trước những khó khăn của phương án "3 tại chỗ", Saigon Food kiến nghị ngừng thực hiện "3 tại chỗ" để tạo điều kiện cho DN hoạt động. DN cam kết với thành phố về việc xem xét, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân viên trong trường hợp được chấp nhận hoạt động bình thường trở lại, như xét nghiệm Covid-19, bố trí khu lưu trú thích hợp, khuyến khích công nhân khai báo hành trình, khuyến khích lập tổ đi chợ hộ… "Vắc-xin là vũ khí quan trọng nhất để DN hoạt động bình thường trở lại. Hiện chỉ 50% công nhân của DN được tiêm vắc-xin từ đợt trước và chưa được bố trí thêm trong đợt tiêm thứ 6 của thành phố. Do vậy, chúng tôi kiến nghị thành phố sớm bố trí cho công nhân được tiêm vắc-xin đầy đủ" - đại diện Saigon Food kiến nghị.
Còn theo ông Chu Tiến Dũng, giải pháp khả thi nhất để bảo đảm được sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh hiện tại là phải từng bước đi đến nới lỏng điều kiện "3 tại chỗ" và điều kiện tiên quyết để làm được việc đó là phải có vắc-xin và tiến hành tiêm vắc-xin cho 100% DN sản xuất đang thực hiện "3 tại chỗ" trong thời gian nhanh nhất.
"Thống kê của các KCX-KCN tại TP HCM cho thấy đa số người lao động đã tiêm mũi 1 vắc-xin, bị nhiễm bệnh đều nhanh phục hồi và ít xảy ra diễn biến nặng. Các khu này đã tiêm mũi 1 cho 86% người lao động, cần sớm triển khai tiêm vét mũi 1 và tiêm tiếp mũi 2" - ông Dũng nêu dẫn chứng, đồng thời khẳng định quan điểm của HUBA là phải thực hiện 5K, 7K và tiêm vắc-xin cho các DN. Chỉ khi nào các DN được phủ vắc-xin thì thành phố mới có thể mạnh dạn nới lỏng điều kiện "3 tại chỗ", chấp nhận sống chung với dịch bệnh. Dĩ nhiên, trong chính sách tiêm chủng lẫn hỗ trợ DN luôn cần sự nhất quán, bình đẳng giữa các DN bên trong lẫn bên ngoài KCX-KCN.
Ông Chu Tiến Dũng cho hay các DN, hội ngành nghề lẫn HUBA đều đã phản ánh tình hình thực tế, đồng thời kiến nghị Chính phủ, TP HCM cần xem xét thay đổi cách thực hiện "3 tại chỗ" linh hoạt hơn theo hướng phù hợp với thực tế và điều kiện cụ thể của từng DN, ngành nghề. Nếu DN nào đang thực hiện tốt "3 tại chỗ" có thể tiếp tục duy trì, nếu DN nào đang gặp khó khăn có thể linh động áp dụng các phương án tổ chức sản xuất an toàn, bảo đảm phòng chống dịch mà không nhất thiết phải "3 tại chỗ".
"TP HCM đang rất quyết liệt, lãnh đạo thành phố đang cùng các chuyên gia bàn giải pháp. Phương châm là "3 tại chỗ" làm sao cho hợp lý và giữ được thành trì phòng chống dịch. Diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, còn nhiều khó khăn nhưng đã bắt đầu ghi nhận kết quả tích cực. Vì vậy, cần những quyết sách đúng để bảo toàn kết quả, đẩy lùi dịch bệnh" - ông Dũng bày tỏ.
Sau kiến nghị của các hiệp hội, DN về việc giảm giá điện nhằm hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về vấn đề này, sớm có giải quyết kiến nghị của DN. Ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh đến việc xem xét giảm giá điện cho nhóm ngành chế biến nông - thủy sản theo đề xuất của các DN. Về vấn đề lưu thông hàng hóa, bên cạnh các giải pháp Bộ Công Thương đang triển khai, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trên tinh thần hàng hóa nào cũng là thiết yếu, chỉ trừ hàng cấm. Đặc biệt, không đặt ra các điều kiện, yêu cầu khác biệt, gây ách tắc lưu thông hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản.
M.Chiến
Người lao động