MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Moody’s: Doanh nghiệp châu Á phải chấp nhận 'được mùa cau, đau mùa lúa' trong làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu

Trong báo cáo gần đây của Moody's, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của các quốc gia khu vực châu Á sẽ có lợi khi nhiều nước trên thế giới đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, việc gia tăng nội địa hoá trên toàn cầu cũng sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với các nhà sản xuất châu Á.

Theo báo cáo của Moody’s thứ 3 vừa qua, ngoại trừ Trung Quốc, nền kinh tế khu vực châu Á sẽ phải chấp nhận "được mùa cau, đau mùa lúa" khi đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, việc gia tăng tỷ lệ nội địa hoá sẽ khiến các doanh nghiệp đa quốc gia chuyển hoạt động sản xuất về Mỹ hoặc châu Âu.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, việc các quốc gia đang tìm cách giảm phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất sẽ có lợi cho các quốc gia có nền kinh tế định hướng theo xuất khẩu trong khu vực châu Á, ngoại trừ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc các nước ngoài khu vực gia tăng tỷ lệ nội địa hoá, đặc biệt trong các nhóm ngành mang tính chiến lược như dược phẩm sẽ tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất khu vực châu Á. 

Ông Michael Taylor, Giám đốc điều hành của Moody's Investors khu vực châu Á - Thái Bình Duơng cho biết: "Chính phủ và các doanh nghiệp cần đặt việc đảm bảo an ninh nguồn cung bằng cách nâng cao sức mạnh chuỗi cung ứng, lên trên việc cân nhắc chi phí và hiệu quả kinh doanh".

Ông nói thêm: "Các quốc gia khu vực châu Á được hưởng lợi từ đa dạng hóa là những quốc gia có nền tảng kinh tế vững chắc, cơ sở hạ tầng đáng tin cậy, nguồn nhân lực chất lượng, rủi ro địa chính trị thấp và  đảm bảo an ninh nguồn cung ứng".

Cũng theo báo cáo, nguyên nhân chính của sự thay đổi này là do chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Nền kinh tế châu Á là khu vực được hưởng lợi nhất trong giai đoạn này, đặc biệt trong việc gia tăng các đơn đặt hàng xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Báo cáo cũng chỉ ra, các quốc gia trong khu vực sẽ được hưởng lợi nhiều về tăng trưởng kinh tế nội địa cũng như tăng tỷ lệ việc làm, điển hình như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia,...

Mặt khác, các quốc gia cũng sẽ tập trung nội địa hoá trong các lĩnh vực sản xuất như dược phẩm, dụng cụ y tế, sản phẩm công nghệ cao, do vậy nhiều doanh nghiệp sẽ quay về thị trường trong nước. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. 

Các hiệp định thương mại tự do có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của vấn đề này đối với một số nền kinh tế khu vực châu Á. Báo cáo từ Moody’s chỉ ra rằng các quốc gia đang phát triển ở châu Á như Indonesia, Campuchia và Ấn Độ sẽ được hưởng lợi từ những ưu đãi khi tiếp cận vào thị trường EU và Hoa Kỳ đối với một số hàng hóa theo Hệ thống ưu đãi phổ cập (Generalized System of Preferences - GSP). 

Các doanh nghiệp cũng sẽ có nhiều cơ hội đa dạng hoá sản xuất đối với các sản phẩm mà trước đây phải phụ thuộc vào một nguồn cung cấp duy nhất. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng đối với các sản phẩm như sắt, thép và kim loại cơ bản, các doanh nghiệp cần phải lưu ý về yếu tố an ninh.

Tuy vậy, quá trình định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tốn rất nhiều thời gian và chi phí. Lý do là các doanh nghiệp sản xuất đã có mặt ở Trung Quốc trong hơn 20 năm, họ sẽ cần xem xét kỹ lưỡng về việc chuyển đổi năng lực sản xuất của mình từ Trung Quốc sang các nền kinh tế mới nổi. 

Q.L

India Times

Trở lên trên