Moody's: Việt Nam tăng trưởng 8,5% năm 2022, cao nhất châu Á - Thái Bình Dương
Theo tờ The Business Times (Singapore), mặc dù tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 7, Công ty xếp hạng tín nhiệm Moody's Analytics vẫn đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.
- 20-08-2022Tỉnh liên tiếp được rót vốn từ Foxconn đang thu hút FDI, phát triển công nghiệp ra sao?
- 19-08-2022Những địa phương nào 'nhảy bậc' nhiều nhất trong bảng xếp hạng đắt đỏ năm 2021?
- 16-08-2022Thu nhập của lao động trong ngành nào tăng nhiều nhất trong 6 năm qua?
Các chuyên gia của Moody’s cho biết: “Kinh tế Việt Nam tái mở cửa có phần hơi chậm chạp từ đầu năm, nhưng hiện đã tăng tốc, đặc biệt ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Nền kinh tế còn được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào”.
Dựa vào số liệu tháng 7, dù xuất khẩu của Việt Nam giảm tốc nhưng các chuyên gia của Moody’s tin rằng nhu cầu sẽ ổn định ở thị trường Mỹ do thị trường lao động của nước này phát triển mạnh.
Moody’s cũng đưa ra cảnh báo về rủi ro liên quan tới việc lạm phát đến bất ngờ do gián đoạn chuỗi cung ứng. Điều này có thể làm giảm nhu cầu của người dân đối với hàng hóa và dịch vụ, bao gồm cả nhà ở.
Moody's nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 8,5%, mức cao nhất trong số các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam cũng là nền kinh tế duy nhất trong khu vực được Moody's điều chỉnh dự phóng tăng. Với mức dự báo này, đây cũng là tổ chức đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam cao nhất.
Nguồn: Tổng hợp từ Moody's, World Bank, UOB, HSBC, ADB, IMF
Ngoài ra, báo cáo mới công bố của Chứng khoán ACB (ACBS) cũng đưa ra kịch bản để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8,5% trong năm 2022.
Ở kịch bản lạc quan, ASBC cho rằng, GDP Việt Nam có thể tăng trưởng tới 8,5%. Kịch bản này giả định kinh tế vẫn tăng trưởng mạnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng tốc trong quý III và IV, hoạt động công nghiệp tiếp tục tăng tốc, lĩnh vực dịch vụ phục hồi hoàn toàn trong hai quý cuối năm. Lạm phát đạt đỉnh và duy trì ở mức này cho đến hết nửa cuối năm 2022.
Về mặt chính sách, giả định gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ ước tính khoảng 337.000 tỷ đồng, đặc biệt là gói phát triển cơ sở hạ tầng (113.850 tỷ đồng) sẽ sớm được giải ngân trong quý III và IV. NHNN sẽ cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng mới trong quý III.
Chính sách tiền tệ có xu hướng tiếp tục được mở rộng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế. NHNN có thể sẽ điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản từ đây cho đến hết năm 2022 tối đa 50 điểm phần trăm (tăng 0,5%). Ngoài ra, giả định COVID-19 không bùng phát.
Bên cạnh đó, tại phiên họp Chính phủ ngày 4/7, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trên cơ sở phục hồi kinh tế 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP cả năm nay có thể đạt 7%, vượt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đã đề ra là 6 - 6,5%.
Theo kịch bản tăng trưởng hai quý cuối năm do Bộ này xây dựng, với mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm, quý III cần tăng 7,9%. Ở kịch bản thứ hai, quý III phải tăng trưởng 9% để cả năm đạt mức tăng 7%.
Tổ quốc