Morgan Stanley: FED hạ lãi suất nhưng có thể đã quá muộn để cứu nền kinh tế Mỹ khỏi suy thoái
Theo các chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED giảm lãi suất có thể là động thái diễn ra quá muộn nhằm cứu một nền kinh tế đang cận kề suy thoái như Mỹ.
- 20-07-2019Tổng thống Mỹ lên tiếng yêu cầu Fed hạ lãi suất
- 20-07-2019Nhà đầu tư thất vọng về kỳ vọng hạ lãi suất của Fed, chứng khoán Mỹ chứng kiến đà giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 5
- 19-07-2019Hy vọng Fed sẽ hạ lãi suất được thúc đẩy, chứng khoán Mỹ khởi sắc sau khi giảm 3 phiên liên tiếp
- 17-07-2019Những kẻ không vui khi FED giảm lãi suất
- 11-07-2019Kỳ vọng về việc Fed hạ lãi suất được thúc đẩy, Dow Jones lần đầu tiên trong lịch sử bứt phá vượt mốc 27.000 điểm
Cảnh báo nguy cơ suy thoái
Một nhóm các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Morgan Stanley nhận định: "Hiện tại, con đường dẫn đến suy thoái của kinh tế Mỹ vẫn còn hẹp nhưng không phải không thể xảy ra". Một phân tích dài của Morgan Stanley cảnh báo khả năng tăng trưởng âm trong vòng 12 tháng tới của kinh tế Mỹ đồng thời đưa ra những lời khuyên cho các nhà đầu tư nếu điều đó xảy ra.
Căng thẳng thương mại có thể dẫn đến những sự suy giảm và việc người tiêu dùng ngừng chi tiền có thể là trung tâm của suy thoái. Ellen Zentner, người dẫn đầu nhóm chuyên gia của Morgan Stanley, cho biết xác suất kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái hiện nay là 20% nhưng nó có thể thay đổi rất nhanh chóng.
"Nếu căng thẳng thương mại leo thang hơn nữa, các nhà kinh tế của chúng ta sẽ thấy những tác động trực tiếp của thuế quan kết hợp với những tác động gián tiếp từ việc thắt chặt các điều kiện tài khóa và các ngoại lực khác, điều làm người tiêu dùng chùn tay. Các công ty có thể sẽ bắt đầu sa thải nhân công và cắt giảm vốn vì lợi nhuận bị ảnh hưởng nhiều trong khi tăng trưởng không chắc chắn", Zentner cho hay.
Ảnh hưởng của vấn đề này sẽ là một cú sốc lớn về mặt nhu cầu, vốn được dự báo tăng 2,2% trong năm 2019 xuống còn -0,1% vào năm 2020. Một cuộc suy thoái chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, vốn đạt 2,9% trong năm 2018.
Trên quan điểm về đầu tư, đó có thể là một cú huých vào thị trường chứng khoán. Trong trường hợp này, cách tốt nhất là đặt cược vào các lĩnh vực nằm trong khu vực phòng thủ như chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng. Trong khi đó, ô tô, công nghệ phần cứng là những lĩnh vực có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Những khu vực cần tránh khác là cổ phiếu theo chu kỳ và trái phiếu lợi tức cao.
"Các cuộc suy thoái đã chuyển sang hướng đột ngột ập đến mà không hề báo trước, ngay cả khi thị trường đang tăng trưởng. Trong trường hợp này, lịch sử cho thấy các nhà đầu tư không nên chờ đợi suy thoái được xác nhận mà cần có những động thái phòng thủ hơn trong việc phân bổ tài sản", Zentner nhận định.
Theo đó, sự kiên nhẫn sẽ không mang lại tiền khi suy thoái diễn ra. Một nhà đầu tư chỉ chuyển từ mua cổ phiếu sang mua trái phiếu sau khi duy thoái đã được Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ (National Bureau of Economic Research) xác nhận sẽ gần như chẳng thể thu lại được thứ gì cho khoản đầu tư của mình, thậm chí còn chịu thua lỗ.
Thay vào đó, theo Zentner, khi NBER tuyên bố suy thoái, đây là lúc tốt nhất để bắt đầu mua vào vì đó là lúc thị trường giá đã bắt đầu phục hồi.
Chờ đợi động thái từ FED
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất sau cuộc họp vào tuần tới và mức lãi suất được giảm sẽ tối thiểu đạt 25 điểm cơ bản. Việc cắt giảm lãi suất được đưa ra để ngăn chặn kinh tế tăng trưởng chậm lại mà căng thẳng thương mại là một trong những tác nhân gây ra điều đó.
Hiện tại, thị trường vẫn bỏ ngỏ khả năng FED có thể cắt giảm tới 50 điểm cơ bản. Tuy nhiên, một động thái mạnh mẽ hơn dự báo sẽ báo hiệu những vấn đề sâu xa hơn.
Tuy nhiên, Zentner cho rằng những nỗ lực của FED có thể bị xóa sạch bởi những căng thẳng trong mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các khoản thuế quan có thể kéo nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung rơi vào suy thoái.
Nếu việc cắt giảm lãi suất không đủ để ngăn chặn suy thoái kinh tế, các tài sản rủi ro sẽ không hiệu quả. Ví dụ, cổ phiếu Mỹ đã giảm khoảng 15-50% so với mức đỉnh trước suy thoái vào cuối chu kỳ trước mặc dù FED đã tiến hành cắt giảm lãi suất.
Các manh mối về suy thoái sẽ bắt đầu đến từ nhiều biện pháp khác nhau. Hiện tại, chúng vẫn ở mức tiệm cận vùng nguy hiểm nhưng có thể suy giảm một cách nhanh chóng và xu hướng giảm tốc hiện tại có thể làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.
Morgan Stanley không đơn độc trong việc dự báo suy thoái. FED New York cũng cảnh báo nguy cơ này là 33% và suy thoái có thể diễn ra trong 12 tháng tới. Đây được coi là mức cao nhất kể từ thời điểm Đại suy thoái kết thúc vào giữa năm 2019.