MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một bệnh viện ở Nghệ An công bố 3 trẻ nhiễm bệnh Whitmore "ăn thịt người": Cảnh báo dấu hiệu dễ nhầm lẫn với bệnh quai bị

14-09-2019 - 21:59 PM | Sống

Theo các bác sĩ, 3 bệnh nhân đều có bệnh cảnh áp xe viêm tuyến nước bọt màng tai. Gia đình tưởng là bệnh quai bị, tự điều trị tại nhà nên đến khi nhập viện bệnh đã nặng.

Cụ thể, đại diện phòng Quản lý chất lượng và Công tác xã hội của bệnh viện cho biết, trong khoảng từ tháng 7/2019-9/2019 bệnh viện đã phát hiện và điều trị cho 3 trường hợp mắc chứng bệnh Whitmore (hay Melioidosis).

Nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người" nhưng tưởng quai bị

Đó lần lượt là các bé N.T.T. (14 tuổi, quê Hà Tĩnh) và 2 bé H.V.C. (10 tuổi, quê Thanh Chương, Nghệ An), N.C.H. (11 tuổi, quê Yên Thành Nghệ An). Bé T. xuất viện sau 50 ngày điều trị còn 2 trường hợp còn lại được theo dõi và điều trị tại khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện. 

Ba trường hợp này ghi nhận khi đến viện đều trong tình trạng bệnh cảnh áp xe viêm tuyến nước bọt màng tai. Gia đình tưởng là bệnh quai bị, tự điều trị tại nhà nên đến khi nhập viện bệnh đã nặng. Kết quả cấy mủ, xét nghiệm máu của 3 bệnh nhi dương tính với bệnh Whitmore.

Một bệnh viện ở Nghệ An công bố 3 trẻ nhiễm bệnh Whitmore ăn thịt người: Cảnh báo dấu hiệu dễ nhầm lẫn với bệnh quai bị - Ảnh 1.
Một bệnh viện ở Nghệ An công bố 3 trẻ nhiễm bệnh Whitmore ăn thịt người: Cảnh báo dấu hiệu dễ nhầm lẫn với bệnh quai bị - Ảnh 2.

3 bệnh nhi nhiễm bệnh Whitmore. (Ảnh: BVCC)

Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Ngân, khoa Tai Mũi họng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, bệnh Whitmore (hay Melioidosis) là một bệnh lây nhiễm gây ra bởi vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei gây bệnh cảnh nhiễm trùng máu.

Bệnh không có triệu chứng rõ ràng và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác nhưng có thể gây tử vong nhanh chóng. Tỷ lệ tử vong của bệnh Whitmore có thể lên đến 50%-60%. Hiện tại đang mùa mưa, là thời điểm thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh phát triển.

Đáng lưu ý, các triệu chứng lâm sàng của bệnh cũng rất mơ hồ, chẩn đoán rất khó nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu...

Ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán bệnh Whitmore, việc điều trị cũng hết sức khó khăn. Bệnh nhân thường phải dùng kháng sinh tấn công liều cao tĩnh mạch kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2-4 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3-6 tháng.

Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng.

Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là một trong là những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỉ lệ tử vong do whitmore cao.

Chẩn đoán và điều trị bệnh

Việc chẩn đoán melioidosis được thực hiện dựa trên các xét nghiệm vi sinh học trong máu, mủ, nước tiểu, đờm, hoặc tại phần da bị tổn thương.

Xét nghiệm máu rất hữu ích để phát hiện sớm các trường hợp cấp tính của melioidosis, nhưng khi kết quả âm tính thì vẫn chưa thể hoàn toàn loại trừ.

Các xét nghiệm thường dùng là xét nghiệm kết dính hồng cầu gián tiếp, xét nghiệm cố định bổ thể và xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase.

Theo các bác sĩ, bệnh Whitmore không có vaccine và không phương pháp phòng bệnh đặc hiệu. Trong khi bệnh lại dễ bị lây nhiễm khi tiếp xúc với các vi khuẩn mang bệnh qua da trầy xước, đường hô hấp, ăn uống.

Một bệnh viện ở Nghệ An công bố 3 trẻ nhiễm bệnh Whitmore ăn thịt người: Cảnh báo dấu hiệu dễ nhầm lẫn với bệnh quai bị - Ảnh 3.

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore.

Việc điều trị hiện tại bao gồm dùng kháng sinh, phẫu thuật tuỳ thuộc vào vị trí và mức độ của bệnh.

Đối với những bệnh nhân nặng hơn, cần điều trị kết hợp hai trong số các loại kháng sinh  trong thời gian kéo dài đến 12 tháng.

Nếu có biểu hiện của melioidosis phổi, và nếu cấy vi khuẩn vẫn còn dương tính sau sáu tháng, cần xem xét đến việc phẫu thuật cắt bỏ thuỳ phổi để loại bỏ các áp-xe phổi.

BS Nguyễn Thị Huyền Ngân cảnh báo số ca bệnh Whitmore thường tập trung vào mùa mưa. Do đó, những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để.

Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này với các biểu hiện lâm sàng đa dạng như sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi... nên cần đến các cơ sở y tế để chẩn đoán sớm.

Ở những vùng có bệnh melioidosis lưu hành, những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch (như AIDS, ung thư, những bệnh nhân hóa trị...) nên tránh tiếp xúc với đất và nước bị ô nhiễm, đặc biệt là ở các khu vực trang trại.

Theo Thiên Kim - Nhã Hoàng

Trí thức trẻ

Trở lên trên