MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một bước sai lầm, 9 năm “ôm nợ” và hành trình kiếm 1 triệu USD đầu tiên của Founder Azfin Việt Nam

Một bước sai lầm, 9 năm “ôm nợ” và hành trình kiếm 1 triệu USD đầu tiên của Founder Azfin Việt Nam

Sau nhiều năm đầu tư từ bất động sản cho tới chứng khoán, anh Đặng Trần Phục - Chủ tịch HĐQT HĐQT CTCP AZfin Việt Nam hiện đã có 1 triệu USD đầu tiên.

Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, mức thu nhập "nghìn đô" (khoảng 23 triệu đồng) với nhân viên văn phòng được coi là thu nhập khá tốt. Nhưng với mức lương này, để có thể trở nên sung túc hay sở hữu nhà ở là điều không hề dễ dàng nếu không tham gia đầu tư hoặc có sự hỗ trợ từ gia đình.

Với Đặng Trần Phục, chứng khoán đã giúp anh thay đổi trong cuộc sống, kiếm được "triệu đô", số tiền mà những công việc khác khó có thể giúp anh có được trong cùng khoảng thời gian. Anh Đặng Trần Phục hiện là Chủ tịch HĐQT HĐQT CTCP AZfin Việt Nam – đơn vị chuyên về đào tạo, tư vấn đầu tư chứng khoán cho nhà đầu tư.

Một bước sai lầm, 9 năm “ôm nợ” và hành trình kiếm 1 triệu USD đầu tiên của Founder Azfin Việt Nam - Ảnh 1.

Anh đã đầu tư chứng khoán từ khi nào và thành quả những năm tháng tuổi trẻ ra sao?

Năm 2007, tôi học xong lớp 12 và "chân ướt chân ráo" bước vào thị trường chứng khoán ngay từ những ngày đầu tiên của năm nhất Đại học. Thành công nhanh chóng đến với tôi khi trở thành người đầu tiên dành giải nhất trong một cuộc thi về lĩnh vực đầu tư chứng khoán cho sinh viên tại đại học Ngoại Thương vào năm 2010.

Cũng vào thời điểm đó, nhờ gói kích thích kinh tế sau khủng hoảng của Chính Phủ, dòng vốn được bơm mạnh vào giúp thị trường chứng khoán trở nên vô cùng sôi động. Bằng kiến thức đã tích lũy và sự thuận lợi của thị trường, tôi dễ dàng kiếm được 3 tỷ đồng từ đầu tư chứng khoán khi chỉ đang là sinh viên năm cuối. Với lứa tuổi sinh viên, việc có trong tay hàng tỷ đồng khiến tôi khi đó có phần "ảo tưởng sức mạnh" và nghĩ rằng sẽ sớm trở thành triệu phú vào năm 25 tuổi.

Một bước sai lầm, 9 năm “ôm nợ” và hành trình kiếm 1 triệu USD đầu tiên của Founder Azfin Việt Nam - Ảnh 2.

Sự ngông cuồng và hiếu thắng của tuổi trẻ đã thôi thúc tôi nhanh chóng chốt lời chứng khoán để đầu tư bất động sản với kỳ vọng sẽ giàu nhanh hơn chứng khoán khi đó. Tôi không hề biết rằng chính quyết định này là một bước đi sai lầm khiến cuộc đời tôi rẽ nhánh sang một trang mới.

Thời điểm đó, khi rầm rộ thông tin chuyển Trung tâm Hành chính Quốc gia lên huyện Ba Vì (Hà Nội), tôi cùng một cộng sự dồn hết vốn liếng để mua đất tại Ba Vì. Ngoài số vốn 3 tỷ đồng bản thân có được nhờ "thắng lớn" từ chứng khoán, tôi nhờ gia đình và người quen nên vay thêm được khoảng 10 tỷ đồng để đầu tư.

Kết cục, những kỳ vọng về thị trường bất động sản không như kế hoạch, giá đất tụt nhanh chóng khiến số lỗ tôi "ôm" về là 8 tỷ đồng. Trừ đi số vốn sẵn có, tôi gánh trên vai khoản nợ 5 tỷ đồng. Cú ngã đầu tiên và cũng là đau đớn nhất kéo tôi trở về thực tại. Gia đình tôi ở nông thôn, khoản nợ này không khác gì "đòn chí mạng" giáng lên đầu. Tôi tuyệt vọng chôn chân trong phòng, giảm tới 10kg chỉ sau vài tuần.

Tuy nhiên, chính khoảng thời gian đó đã khiến tôi phải suy nghĩ lại, tự nhủ bản thân không thể đầu hàng trước khó khăn. Ngã ở đâu tôi quyết đứng dậy ở đó.

Một bước sai lầm, 9 năm “ôm nợ” và hành trình kiếm 1 triệu USD đầu tiên của Founder Azfin Việt Nam - Ảnh 3.

Anh đã "đứng dậy" sau cú vấp ngãhành trình 1 triệu USD đến với anh ra sao?

Quyết tâm đứng lên sau vấp ngã, năm 2014 tôi quyết định xin vào thử việc vị trí nhân viên môi giới tại Chứng khoán VNDIRECT với mức lương 2,7 triệu đồng/tháng. Với những kinh nghiệm đầu tư hàng tỷ đồng chứng khoán, tôi thực sự đã phải bỏ qua cái tôi cá nhân của mình để chấp nhận công việc với mức lương ít ỏi này.

Tuy nhiên, thực tế cho tôi hiểu vững về kiến thức không phải là tất cả. Mặc dù có đầy đủ chứng chỉ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp từ rất sớm, tôi lại gặp khó khăn trong vấn đề bán hàng. Tôi không biết cách tư vấn để nhà đầu tư lựa chọn dịch vụ của mình, chỉ cần nhấc điện thoại lên để gọi điện mời chào khách hàng là đã thấy ngại. Phải mất đến nửa năm tôi mới chính thức được nhận vào chính thức tại công ty.

Và từ đây, cuộc sống của tôi bắt đầu trở nên ổn định hơn. Cách thức tôi làm việc được vận dụng từ chính kinh nghiệm là nhà đầu tư cá nhân trước đó. Tôi chăm sóc tài khoản kỹ càng, những khoản đầu tư chỉ tính vài triệu đồng tôi cũng không từ chối. Chính sự hài lòng của khách hàng cũ đã mang lại thêm khách hàng mới cho tôi. Nhờ đó, cứ sau mỗi quý, tôi lại thăng chức một lần. Chỉ trong vòng 1 năm, tôi trở thành chuyên gia tư vấn cho khách hàng tổ chức trong nước. Thời gian sau này, tôi cũng góp sức cho sự phát triển của công ty với vai trò đào tạo nội bộ cho các môi giới.

Một bước sai lầm, 9 năm “ôm nợ” và hành trình kiếm 1 triệu USD đầu tiên của Founder Azfin Việt Nam - Ảnh 4.

Và thành quả đã tới sau 9 năm, cuối năm 2020, số nợ tôi gồng gánh đã được trả hết bằng chính sức lực của bản thân mình. Đây cũng là lúc tôi nghỉ việc tại VNDIRECT để tìm kiếm cơ hội phát triển mạnh hơn và xa hơn.

Cũng trong năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện, tôi hiểu rằng "trong nguy luôn có cơ" và nhận định rằng cơ hội mười năm mới có một lần đang đến. Chớp cơ hội khi thị trường lao dốc và giá cổ phiếu hạ xuống mức thấp kỷ lục vào cuối quý 1, tôi đã huy động các tối đa có thể dựa trên khả năng quản trị rủi ro của mình và mua vào hàng loạt cổ phiếu giá rẻ. Những cổ phiếu ORS, VND, MBB hay HPG là những khoản đầu tư thành công nhất khi giá mua vào chỉ vài nghìn đồng hoặc trên mệnh giá một chút. Tôi không bán ngay khi thị trường hồi phục mà nắm giữ dài hạn, và vào tháng 3/2021, tôi chính thức nắm trong tay 1 triệu USD đầu tiên – chậm hơn 7 năm so với dự tính trước đó là sẽ đạt được vào năm 25 tuổi. Tài sản đầu tư chứng khoán của tôi cũng nhân nhiều lần chỉ trong vòng một năm.

Trong Tam Quốc, tôi thích nhất câu nói của nhân vật Tư Mã Ý: "Nhất kiếm định giang sơn", có nghĩa rằng khi thời cơ chiến muồi, chỉ một lần khởi binh là có thể bình định, đoạt được cả giang sơn. Tôi đã nhận thấy dịch Covid-19 là cơ hội hiếm có nên đã đẩy mạnh mua vào và điều này đã mang lại thành quả lớn. Lúc này nói chuyện thì có vẻ việc mua cổ phiếu đúng thời điểm dịch Covid-19 cao trào và kiếm lợi lớn nghe có vẻ dễ dàng, nhưng thực sự lúc đó là cuộc đấu tranh tâm lý dữ dội, nhất là khi sử dụng tiền vay.

Một bước sai lầm, 9 năm “ôm nợ” và hành trình kiếm 1 triệu USD đầu tiên của Founder Azfin Việt Nam - Ảnh 5.

Đó là thành công, vậy còn lần "vấp ngã" đáng nhớ trong đầu tư chứng khoán của anh?

Vào năm 2014, sau sự kiện giàn khoan Hải dương 981 của Trung Quốc đặt tại Biển Đông, cơn sóng cổ phiếu dầu khí trỗi dậy. Dựa trên kỳ vọng về giá cổ phiếu tiếp tục bay cao,  tôi quyết định đi vay 600 triệu đồng rồi tiếp tục "full margin" vào cổ phiếu PVD của Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí.

Tuy nhiên, chắc hẳn ai cũng nhớ, giá cổ phiếu này sau đó là liên tục giảm sàn, tài khoản tôi "bay vèo" 450 triệu đồng chỉ trong vòng 3 ngày.

Bài học tôi rút ra được sau lần "cháy túi" này là đầu tư mạo hiểm quá sẽ không bao giờ có thành quả bền vững. Trong đầu tư tài chính, kiến thức và trình độ là yếu tố rất quan trọng. Tôi luôn quan niệm "tầm đủ tới thì tiền ắt tới".

Ngoài ra, trong hành trình tích luỹ kinh nghiệm, tôi cũng chiêm nghiệm ra công thức đầu tư chứng khoán thành công gồm 3 tiêu chí lựa chọn đúng cổ phiếu: (1) lợi thế cạnh tranh mạnh trong tương lai, (2) quản trị công ty tốt và (3) định giá rẻ.

Một bước sai lầm, 9 năm “ôm nợ” và hành trình kiếm 1 triệu USD đầu tiên của Founder Azfin Việt Nam - Ảnh 6.

Anh là người sáng lập nên AzFin, mục đích thành lập công ty là gì?

Trong thời gian làm công việc tư vấn tại VNDIRECT, tôi nhận thấy có tới 77% nhà đầu tư thua lỗ do không có kiến thức tài chính nền tảng. Điều này đã khiến tôi nảy sinh suy nghĩ về việc gây dựng một chương trình đào tạo trong lĩnh vực tài chính. Nghĩ là làm, tôi quyết định thành lập Công ty Cổ phần AzFin Việt Nam với mong muốn trang bị kiến thức tài chính toàn diện cho người Việt Nam.

AzFin Việt Nam tập trung vào mảng đào tạo đầu tư tài chính, chứng khoán từ cơ bản đến nâng cao cho tất cả các đối tượng, kể cả học sinh, sinh viên hay những nhà đầu tư trung niên. Bên cạnh việc đào tạo, mảng tư vấn tài chính cũng là một thế mạnh của AzFin. Hiện, lượng tài sản tư vấn của AzFin lên đến khoảng 12.000 tỷ đồng. Tôn chỉ của công ty là "Vì một Việt Nam hùng cường", có thể nghe qua sẽ hơi "đa cấp" nhưng nó phản ánh đúng mong muốn và mục tiêu của công ty.

Một bước sai lầm, 9 năm “ôm nợ” và hành trình kiếm 1 triệu USD đầu tiên của Founder Azfin Việt Nam - Ảnh 7.

Đối với Azfin, tôi không đặt mục tiêu là kiếm được bao nhiêu tiền mà quan trọng là trang bị kiến thức được cho bao nhiêu người. Khi giúp được nhiều người có thể tự chủ tài chính, Công ty mới có thể phát triển.

Mặt khác, khi thị trường chứng khoán đang dần khẳng định vai trò của mình trong nền kinh tế Việt Nam, thuật ngữ "tích sản" cũng được đề cập đến nhiều hơn. Đặc biệt, AzFin cũng là đơn vị đầu tiên xây dựng cộng đồng tích sản cổ phiếu ở Việt Nam với tên gọi "Tích sản cổ phiếu – Tự do tài chính". Hiện, cộng đồng này đã chạm mốc 5.400 thành viên.

Trong cộng đồng, AzFin sẽ chọn ra một danh mục gồm khoảng 30 cổ phiếu, đưa ra vùng giá hấp dẫn theo cơ bản kèm theo giá ngừng tích sản khi đã tăng cao cho thành viên tham gia. Hiệu quả được đánh giá là tăng trưởng gấp đôi so với thị trường.

Hiện tại, AzFin có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, dự kiến đầu năm 2023 sẽ thực hiện IPO để tiến tới năm 2024 sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE.

Một bước sai lầm, 9 năm “ôm nợ” và hành trình kiếm 1 triệu USD đầu tiên của Founder Azfin Việt Nam - Ảnh 8.

Hiện giờ, anh đang là người truyền cảm hứng cho nhà đầu tư mới. Có thay đổi gì khác trong quan điểm đầu tư so với trước đó khi ông chỉ là một nhà đầu tư cá nhân?

Phần lớn các nhà đầu tư cá nhân hiện nay đều thiếu kinh nghiệm và kỹ năng cũng chưa có nhiều. Khi trở thành người tư vấn cho các nhà đầu tư, đồng nghĩa rằng công việc đầu tư tài chính của tôi trở nên áp lực hơn rất nhiều. Bởi lẽ, trước đây với mỗi quyết định sẽ chỉ có thể khiến mình tôi bị ảnh hưởng. Nhưng bây giờ, những khuyến nghị của tôi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà đầu tư khác và tài khoản của họ. Nếu đưa ra những tư vấn sai, tạo lập giá cổ phiếu hay các hành vi thiếu đạo đức sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường tới cả bản thân nhà đầu tư và gia đình họ.

Quan điểm của tôi là khi mình giúp đỡ được nhiều người và khiến họ trở nên tốt hơn thì thành công và may mắn sẽ đến với mình.

Một bước sai lầm, 9 năm “ôm nợ” và hành trình kiếm 1 triệu USD đầu tiên của Founder Azfin Việt Nam - Ảnh 9.

Hiện có một bộ phần nhà đầu tư bỏ công việc chính để đầu tư chứng khoán vì mức sinh lời lớn, anh đánh giá điều này ra sao?

Thị trường chứng khoán đang có những đà tăng mạnh khiến nhiều nhà đầu tư lầm tưởng đây là mỏ vàng bất tận mà ai cũng có thể tham gia, nói cách khác là "cứ chơi là thắng". Tuy nhiên, có hai điều nhà đầu tư cần phải xác định rõ, thứ nhất thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng sôi động mà sẽ có thời điểm thăng trầm, thậm chí đi xuống. Thứ hai là phải xác định lợi thế của bản thân, nếu bỏ bê công việc chỉ tập trung vào đầu tư thì khi gặp biến cố có thể mất tất cả.

Vì vậy, mọi người cần tập trung vào thế mạnh của bản thân, đầu tư chứng khoán khi nào có đủ về cả vốn lẫn kiến thức thì mới nên tập trung thời gian, còn không sẽ rất ảnh hưởng tới hiệu quả công việc hàng ngày.

Một bước sai lầm, 9 năm “ôm nợ” và hành trình kiếm 1 triệu USD đầu tiên của Founder Azfin Việt Nam - Ảnh 10.

Là người có nhiều kinh nghiệm, anh có lời khuyên gì cho những bạn trẻ sinh viên mới ra trường và mong muốn tham gia thị trường chứng khoán?

Thị trường chứng khoán luôn rình rập nhiều rủi ro và không dành cho những người thiếu kinh nghiệm. Do đó tôi nghĩ sinh viên và sinh viên mới ra trường nên trau dồi kiến thức tài chính thông qua các khóa học, chuỗi đào tạo; tìm kiếm công việc ổn đinh, năng cao thu nhập, xây dựng mối quan hệ để có công cụ kiến tiền bền vững trong lâu dài.

Đến khi đã có đủ sự tích lũy về tiền bạc và kiến thức mới nên tham gia vào thị trường chứng khoán, áp dụng được điều đã có để làm chủ được trên thị trường tài chính. Phải nhớ rằng, tài chính không thể biến không thành có nhưng có thể biến có thành có rất nhiều.

Nếu muốn tham gia nhằm kiếm thêm kinh nghiệm, phương pháp đầu tư phù hợp nhất cho các bạn sinh viên là tích sản cổ phiếu, tức là mỗi tháng đều đặn mua vào cổ phiếu và nắm giữ. Khi nào tài khoản đầu tư đủ lớn thì hãy nên tập trung thời gian cho chứng khoán vì lúc đó mức lợi nhuận mới đủ lớn để có thể "hy sinh" công việc hàng ngày.

Phương Linh - Minh Minh
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Phương Linh - Minh Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên