MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một cảnh báo về hàng không

Cuộc đua giành thị phần hàng không vốn nóng sẽ càng nóng hơn khi hãng hàng không non trẻ Bamboo Airways của tỉ phú Trịnh Văn Quyết vừa được Bộ Giao thông Vận tải "bật đèn xanh" cho tăng đội máy bay từ 10 chiếc hiện nay lên 30 chiếc.

"Miếng bánh" thị trường hàng không Việt Nam được xem khá "béo bở" khi là một trong những thị trường hàng không phát triển nhất toàn cầu trong thập kỷ qua với tăng trưởng doanh thu trung bình 17,4%. Thế nên, không ngạc nhiên thấy cuộc đua cạnh tranh giữa các hãng trong cuộc đua giành thị phần. Cuộc đua này vốn đã nóng giữa Vietnam Airlines và Vietjet, nay còn nóng hơn với sự gia nhập thị trường của Bamboo Airways. Cho dù các hãng hàng không nội địa nói nhắm tới đối tượng khách hàng khác nhau, song cái đích cuối là thị phần.

Tăng trưởng nhanh của hàng không thời gian qua đã bộc lộ những vấn đề cần cấp bách giải quyết. Đó là những bất cập về cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý, điều hành... Trong đó, nhân lực là "điểm nghẽn"... đau đầu nhất của các hãng hàng không nội địa. Thiếu hụt nhân lực đang tác động tới không chỉ năng lực và chất lượng phục vụ mà quan trọng hơn ảnh hưởng tới thương hiệu, uy tín của hãng hàng không.

Việc chậm, hủy chuyến hàng loạt xảy ra cách đây vài ngày của một hãng hàng không nội địa vừa qua gây phiền toái, bức xúc cho khách hàng được cơ quan quản lý nhà nước xác định là do thiếu phi công, chứ không phải các lý do khác như máy bay về trễ hay khai thác như giải thích của đại diện hãng hàng không này.

Tăng trưởng nóng gặp mùa cao điểm nên phi công của hãng phải bay quá thời gian được phép bay trong 28 ngày là 100 giờ bay. Cũng vì nhân lực mà xôn xao chuyện văn bản của hãng hàng không "tố" giành giật phi công của nhau.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một cuộc họp về hàng không mới đây đã lưu ý về điều mà ông cho là "bắt đầu có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh". Cạnh tranh thúc đẩy sự phát triển, song cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không, có thể mang lại những hệ lụy khôn lường chứ không chỉ sự triệt hạ lẫn nhau như các ngành nghề thông thường khác.

Hàng không là ngành nghề kinh doanh có điệu kiện, thậm chí có những điều kiện khắt khe bởi liên quan trực tiếp tới an ninh, an toàn, sinh mạng con người. Không ít vụ uy hiếp, mất an toàn hàng không, trong đó có vụ được đánh giá nghiêm trọng mức B, tức chỉ sau mức A là tai nạn, được xác định là do lỗi của con người gây ra.

Vì thế, lưu ý của người đứng đầu Chính phủ về "hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh" phải là được xem là một cánh báo nghiêm khắc với ngành hàng không. Hiện tượng này phải được ngăn chặn ngay từ trứng nước để có sự cạnh tranh lành mạnh, tăng trưởng ổn định và trên hết là an toàn hàng không.

Theo Phạm Dương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên