Một "chiến địa" mới giá trị hơn 12.000 tỷ USD, Việt Nam sẽ tham gia như thế nào?
IHS Markit cho thấy, công nghệ 5G sẽ tạo ra khoảng 12.300 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2035. Tại Việt Nam, công nghệ này sẽ thử nghiệm trong năm 2019 và triển khai thương mại vào năm 2020.
5G được xem là công nghệ vô cùng quan trọng, được so sánh ngang với việc phát minh ra điện hay ô tô, theo bà Julie Welch, Phó Chủ tịch Phụ trách quan hệ Chính phủ của Qualcomm Khu vực Đông Nam Á, Đài Loan, Thái Bình Dương.
Bởi chỉ có công nghệ 5G với có thể đáp ứng được việc kết nối vạn vật – là nền tảng cho công nghiệp 4.0 và những công nghệ trong tương lai. "5G chính là điều kiện thiết yếu của nền kinh tế 4.0", ông Jim Cathey, một lãnh đạo cũng đến từ Qualcomm nhận xét.
Dự báo IHS Markit cho thấy, công nghệ 5G sẽ tạo ra khoảng 12.300 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2035. Con số này gần bằng với tổng giá trị chi tiêu của Mỹ hiện tại và lớn hơn tổng giá trị chi tiêu cộng lại của Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh và Pháp.
Một nghiên cứu khác do Qualcomm tài trợ lại cho thấy công nghệ này sẽ mang lại 22 triệu việc làm mới – là điều có ý nghĩa kinh tế, xã hội rất lớn.
Nhiều phân tích cũng chỉ ra rằng các quốc gia nhỏ và đang phát triển sẽ được hưởng lợi rất lớn từ công nghệ 5G này, Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Nếu nhìn lại lịch sử ngành công nghệ thông tin, Việt Nam đã từng được hưởng rất nhiều lợi ích từ việc nhanh chóng triển khai công nghệ 2G. Tuy nhiên, điều này không xảy đến khi thế giới tiến lên công nghệ 3G, 4G, dẫn đến sự tụt hậu khi viễn thông Việt Nam hiện xếp thứ 100 thay vì 20 của thời điểm thực hiện 2G.
Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh điều này không được lặp lại. Theo đó, Việt Nam phải nắm bắt cơ hội chuyển mình từ công nghệ 5G. Bộ Thông tin & Truyền thông chủ trương cấp tần số từ năm 2019 để thử nghiệp 5G và sẽ thương mại hoá vào năm 2020, đồng thời với thế giới. Như vậy, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm những nước đi đầu.
Kế hoạch triển khai của Việt Nam là không hề tham vọng, theo bà Susie Armstrong, Phó chủ tịch cấp cao về Công nghệ của Qualcomm. Bà nói rằng bản thân nhận thấy Việt Nam đã hội tụ được các yếu tố tiên quyết như quyết tâm, tài năng, các phân bổ cần thiết về hạ tầng, thiết bị...
"Tốc độ tiếp cận công nghệ nói chung và 5G nói riêng của Việt Nam đang vượt xa so với rất nhiều quốc gia khác" - bà Susie nói bên lề hội về công nghệ vừa diễn ra.
Một số chính sách đã được đề ra nhằm hỗ trợ triển khai công nghệ 5G tại Việt Nam, theo ông Lê Văn Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Vô tuyến điện.
Băng tần là vấn đề đầu tiên cần xem xét khi là một điểm nghẽn hớn. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết 5G, các cơ quan chức năng đã có chính sách cho doanh nghiệp được tiến hành sử dụng ngay các băng tầng hiện tại (2G,3G,4G) để triển khai. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đang tính toán đến việc bổ sung thêm băng tầng cho công nghệ 5G.
Về hạ tầng, công nghệ mới cần các mạng cáp quang để kết nối, do vậy, nhiệm vụ là phải phát triển rộng khắp hệ thống cáp quang. Mặt khác, ông Tuấn đề cập đến câu chuyện chia sẻ cơ sở hạ tầng giữa các ngành, các doanh nghiệp với nhau.
Điểm quan trọng nữa, theo ông Tuấn, là phải xây dựng được hệ sinh thái, bao gồm ngành sản xuất công nghệ, thiết bị, ngành phát triển ứng dụng, ngành công nghiệp an ninh mạng...
Đơn cử như ngành sản xuất công nghệ, ông cho biết Việt Nam sẽ có thiết bị 5G do chính người Việt làm ra.
"Đây là một thị trường rộng lớn, là cơ hội cho ngành công nghiệp Việt Nam tận dụng", ông nói.
Dù vậy, tương tự bất cứ lĩnh vực nào, cửa luôn hẹp ở thời điểm bắt đầu. Bước đầu, để khai thông dòng chảy, cần có bàn tay của Nhà nước. "Ở đây có vể là vai trò là những khách hàng đầu tiên", theo ông Tuấn.
Những đơn đặt hàng của Nhà nước phục vụ cho phát triển thành phố thông minh, giao thông thông minh... sẽ giúp kích cầu thị trường ban đầu.
Bên cạnh vai trò của Nhà nước, quyền Cục trưởng Cục Vô tuyến điện cũng nhấn mạnh đến sự đi đầu của các doanh nghiệp lớn trong việc đi đầu, dẫn dắt thị trường.