Một công trình trọng điểm đặc biệt của Việt Nam vừa hoàn thành
Đây là dự án trọng điểm, và là đường dây độc đạo phục vụ giải tỏa công suất, kết nối Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 (công suất hơn 800MW) vào hệ thống điện quốc gia.
Tối ngày 27/12, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Ban QLDA các công trình điện miền Nam phối hợp với các đơn vị liên quan đóng điện Dự án đường dây 500kV Nhơn Trạch 4 - rẽ Phú Mỹ - Nhà Bè, kết nối Sân phân phối Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 với hệ thống điện quốc gia.
Đây là công trình năng lượng cấp đặc biệt, do EVNNPT làm chủ đầu tư, SPMB quản lý điều hành Dự án, Công ty Truyền tải điện 4 tiếp nhận vận hành.
Dự án đường dây 500kV Nhơn Trạch 4 - rẽ Phú Mỹ - Nhà Bè là dự án trọng điểm, và là đường dây độc đạo phục vụ giải tỏa công suất, kết nối Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 (công suất hơn 800MW) vào hệ thống điện Quốc gia .
Dự án giúp tăng cường liên kết lưới, truyền tải công suất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh khu vực phía Nam, trong đó có tỉnh Đồng Nai. Khi các nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.
Dự án có quy mô xây dựng mới đường dây 500kV (2 mạch) điểm đầu là cột cổng Sân phân phối 500kV Nhà máy điện Nhơn Trạch 4, điểm cuối đấu nối vào dây dẫn khoảng trụ 74-75 đường dây 500kV Phú Mỹ - Nhà Bè hiện hữu.
Quá trình thi công công trình gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến thủ tục đầu tư, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, tất cả các vị trí móng đều là vị trí móng cọc. Trong quá trình thi công hầu hết các vị trí móng của dự án nằm trong khu vực đầm lầy, điều kiện thi công chật hẹp, việc vận chuyển vật tư thiết bị phải dùng sà lan.
Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực chung của toàn thể cộng đồng, đến nay EVNNPT dự án đã hoàn thành đáp ứng được tiến độ, sẵn sàng phục vụ giải tỏa công suất Nhà máy điện Nhơn Trạch 4.
Được biết, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 1,4 tỉ USD , tổng công suất hai nhà máy là 1.624MW. Sau khi hoàn thành 2 nhà máy có thể cung cấp từ 9-12 tỷ kWh điện/năm. Đây là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên tại Việt Nam.
Theo thông tin từ Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương Vũ Quang Hùng, hiện Việt Nam có 15 nhà máy điện sử dụng khí với tổng công suất khoảng 8.000MW, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện quốc gia. Chính vì vậy, việc đưa vào sử dụng và phát triển điện khí thiên nhiên hóa lỏng tại Việt Nam đã và đang còn nhiều cơ hội cho ngành năng lượng Việt Nam.
LNG được coi là "nhiên liệu cầu nối" trong quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các loại nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường hơn.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã xác định nguồn LNG chiếm tỷ trọng khoảng hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia vào năm 2030 và là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia. Đến năm 2030, nguồn điện khí tăng từ 10,2% (7,08GW) năm 2020 lên 21,8% (32GW) năm 2030.
Nhịp sống thị trường