Một công ty bảo hiểm có vốn Nhà nước sắp "lăn chốt" cổ tức tiền mặt, tỷ lệ 2 chữ số
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 40,36%, dự kiến nhận về gần 70 tỷ đồng cổ tức.
Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (mã: VNR) thông báo ngày 12/9 tới đây sẽ là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức bằng tiền năm 2023. Ngày thanh toán dự kiến vào 27/9. Tỷ lệ thực hiện là 10%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng).
Với gần 166 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp bảo hiểm này sẽ phải chi khoảng 166 tỷ đồng để thanh toán cổ tức đợt này cho cổ đông.
Tính đến ngày 30/6/2024, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là cổ đông lớn nhất của VNR với tỷ lệ sở hữu 40,36%, dự kiến nhận về gần 67 tỷ đồng cổ tức. Cổ đông lớn thứ 2 là Tập đoàn Tái bảo hiểm Swiss Reinsurance Company nắm giữ 25%, sẽ thu về hơn 41 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VNR) tiền thân là Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam được thành lập năm 1994. Năm 2005, Công ty chuyển đổi mô hình kinh doanh hoạt động là Công ty Cổ phần ngày 13/03/2006.
Lĩnh vực kinh doanh chính của Công ty là nhận và nhượng tái bảo hiểm đối với tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ và nhân thọ thị trường trong và ngoài nước; và đầu tư tài chính (trái phiếu Chính phủ, cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, góp vốn vào các doanh nghiệp khác).
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định VNR là một trong những công ty có vị thế vững mạnh nhất trên thị trường tái bảo hiểm. Thêm vào đó, VNR có cổ đông chiến lược là các công ty bảo hiểm lớn nhất Việt Nam trong đó có Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo hiểm BIDV giúp cho thị phần tái bảo hiểm của VNR là lớn nhất.
Về kết quả kinh doanh quý 2/2024, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 449 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tổng chi trực tiếp hoạt động kinh doanh bảo hiểm của VNR giảm 7,3% so với cùng kỳ chỉ còn 336 tỷ đồng do tỷ lệ bồi thường giảm từ 85,2% trong quý 2/2023 xuống chỉ còn 74,7% trong quý này.
Nhờ vậy, VNR ghi nhận mức lợi nhuận gộp từ kinh doanh bảo hiểm đạt tới 114 tỷ đồng, tăng +81% so với cùng kỳ 2023. Đây cũng là quý có lợi nhuận từ mảng này cao nhất trong lịch sử của doanh nghiệp.
Trừ các chi phí khác, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 156 tỷ đồng, tăng mạnh 44% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, lãi sau thuế công ty mẹ đạt 301 tỷ đồng, giảm nhẹ 5,2% so với cùng kỳ.
Theo ABS, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang trên xu hướng hồi phục khi niềm tin của công chúng về lĩnh vực này dần quay trở lại và nhu cầu bảo hiểm gia tăng từ các doanh nghiệp và cá nhân khi kinh tế phục hồi. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho VNR trong việc mở rộng hoạt động và gia tăng doanh thu từ tái bảo hiểm, đặc biệt khi các đối tác liên kết của VNR đều là các doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực bảo hiểm.
Nhóm phân tích ABS dự báo lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của VNR trong năm 2024 sẽ đạt 529 tỷ đồng, tăng trưởng 28% so với năm 2023.
Nhịp sống thị trường