Một công ty ít tiếng tăm đã hất Ocean Group ra khỏi HĐQT của PVR, liệu có sai luật?
Dù tỷ lệ sở hữu của MHD chỉ tương đương với nhóm Ocean Group nhưng công ty này được cho đã nắm giữ quyền chi phối đối với PVR.
- 26-06-2016"Hỗn chiến" của cổ đông nhỏ tại ĐHCĐ Công ty Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí (PVR)
- 20-06-2016PVR: Lên kế hoạch tái cơ cấu, xử lý công nợ, đổi tên, chuyển địa điểm
- 27-02-2016PVR thông qua phương án xử lý đối với dự án Văn Phú Building
Ngày 24/06/2016, CTCP Kinh doanh và Dịch vụ Cao cấp Dầu khí (mã: PVR) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên 2016 với 24 tờ trình bao gồm những nội dung về việc cơ cấu lại các dự án, công nợ, thanh lý tài sản và bầu, miễn nhiệm thành viên HĐQT. Đối với PVR, những tờ trình này thể hiện một cuộc “đại phẫu” quyết liệt, tuy nhiên lại có nhiều điểm chưa đúng quy định pháp luật.
Theo báo cáo quản trị mới nhất, tại PVR, CTCP Đầu tư MHD đang nắm 24,05%; tổng tỷ lệ sở hữu của Ocean Group (OGC) và Công ty TNHH VNT là 25,42%. MHD mới tham gia vào PVR từ năm 2015 sau khi mua lại từ một số cổ đông cá nhân. Theo như ông Bùi Văn Phú – Chủ tịch HĐQT hiện tại của PVR nói thì nhóm cổ đông có liên quan đến công ty MHD của ông đã chiếm tỷ lệ chi phối.
“Đại phẫu” doanh nghiệp, MHD gạt bỏ thành viên HĐQT đến từ Ocean Group
Tại ĐHCĐ, HĐQT của PVR đã trình nội dung miễn nhiệm vị trí thành viên HĐQT đối với người đại diện phần vốn cho Ocean Group với lý do gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của công ty.
Cụ thể, theo trình bày trong tài liệu gửi cổ đông, PVR viết, một số ngân hàng không cho công ty vay tiền để phục vụ các dự án công ty đang triển khai, khách hàng cung cấp vật liệu và nhà thầu thi công, khách hàng mua căn hộ đều đặt câu hỏi… khi thành viên HĐQT của công ty là người có liên quan đến Ocean Group – đơn vị đang bị cơ quan pháp luật truy cứu trách nhiệm.
Tuy nhiên, đại diện từ Ocean Group cho rằng, PVR chỉ căn cứ vào 1 văn bản duy nhất của Ocean Bank Chi nhánh Đông Đô về việc dừng cho vay do Công ty có 2 cổ đông có liên quan đến vụ án ông Hà Văn Thắm (VNT và Ocean Group) là không hợp lý. Đây là các cổ đông của Công ty và không liên quan đến cá nhân các thành viên HĐQT do các thành viên đại diện vốn của Tổ chức.
“Văn bản không phải của tất cả các Ngân hàng. PVR có thể vay vốn ở các Ngân hàng khác.” – đại diện từ Ocean Group phản bác.
Bên cạnh đó, việc chỉ có 2 khách hàng mua nhà ở DA CT10-11 phản ánh nội dung nói trên không đại diện cho tất cả các khách hàng ở Dự án CT10-11.
Theo Ocean Group, việc thay thế thành viên HĐQT, nếu vì quyền lợi cho Công ty phải thay cả 02 thành viên đại diện cho VNT và OGC, tuy nhiên chỉ thay người đại diện của Ocean Group là điều bất thường và cố tình. Nếu vì quyền lợi cho PVR, thì PVR phải thay thế được cả 2 cổ đông trên.
Nhập nhèm quy định điều lệ cũ – điều lệ mới
Đáng chú ý, tờ trình này có tỷ lệ đồng ý là 58,97% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội. Cũng giống như vậy, 06 tờ trình khác liên quan đến phương án kinh doanh tại dự án Văn Phú cùng với các khoản phải thu khó đòi đều chỉ có tỷ lệ đồng ý là 58,97%. Không khó để đoán rằng, nhóm cổ đông Ocean Group và VNT là những người không đồng ý.
6 tờ trình chỉ có tỷ lệ đồng ý là 58,97% bao gồm:
- Tờ trình về việc phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án CT10-11 Văn Phú;
- Phương án kinh doanh bán căn hộ xây thô Dự án CT10-11 Văn Phú;
- Thanh lý Hợp đồng hợp tác kinh doanh và ký Hợp đồng thi công, cung cấp thiết bị với MHD Hà Nội;
- Phương án xử lý công nợ phải thu khó đòi và nợ khó trả liên quan đến cổ phần PVCI;
- Phương án xử lý khoản phải thu khó đòi tại Công ty TNHH Nhà Vĩnh Hưng;
- Phương án xử lý khoản đầu tư kém hiệu quả tại CTCP Đầu tư và Phát triển Bình An.
Với tỷ lệ trên, biên bản ĐHCĐ ghi nhận Đại hội cổ đông đã thống nhất thông qua các tờ trình do đạt tỷ lệ trên 51%, đủ điều kiện theo quy định trong điều lệ mới.
Nhưng ngay tại đại hội này, nội dung sửa đổi điều lệ mới được đưa ra, đạt tỷ lệ đồng ý 68,98% và được ghi nhận đã thông qua. Tuy nhiên, nếu chiếu theo Điều lệ cũ của công ty thì việc sửa đổi điều lệ chỉ được thông qua khi đạt tỷ lệ đồng ý 75%.
Thậm chí nếu chiếu theo điều lệ cũ, các tờ trình nói trên cũng chưa thể thông qua bởi không đạt tỷ lệ đồng ý 65%.
Một luật sư cho biết, khi điều lệ công ty chưa được sửa đổi thì tỷ lệ đồng ý để thông qua các vấn đề phải căn cứ vào điều lệ cũ. Trong khi đó, biên bản ĐHCĐ của PVR ghi nhận các nội dung đều được thông qua nhưng căn cứ trên tỷ lệ quy định bởi điều lệ mới vừa được trình.
Thực tế điều này không chỉ diễn ra tại ĐHCĐ của PVR. Tại nhiều DN khác, dù điều lệ sửa đổi vừa mới được trình ngay tại đại hội nhưng các kết quả biểu quyết đều đã được quyết định dựa trên Điều lệ mới này. Tuy nhiên, nếu không có cuộc chiến giữa các cổ đông lớn thì thông thường vấn đề này ít được để ý.
Bên cạnh đó, đối với tờ trình về việc thanh lý Hợp đồng hợp tác đầu tư và ký Hợp đồng tổng thầu với MHD, nếu ông Bùi Văn Phú là chủ tịch HĐQT của PVR đồng thời là Chủ tịch của MHD và sở hữu cổ phần của PVR thì giao dịch này, ông Phú và các cổ đông sở hữu cổ phần PVR liên quan đến MHD không được biểu quyết theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 Điều lệ cũ và Khoản 3 Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2014 (quy định tỷ lệ thông qua là 65% của các cổ đông không liên quan tán thành).
MHD bán nợ, Ocean Group phản đối: Việc bán nợ có thể làm thất thoát tài sản của cổ đông
Oean Group phản đối, cho rằng việc bán các công nợ này với giá trị rất nhỏ sẽ bị thất thoát tài sản của các cổ đông (chuyển nhượng CP Bình An, bán công nợ PVCI và Nhà Vĩnh Hưng).
Dù sao, MHD đã trở thành chủ mới của PVR
Sau ĐHCĐ, CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí sẽ đổi tên thành CTCP Đầu tư Bất động sản PVR Hà Nội và chuyển trụ sở từ tòa nhà Fafilm số 19 Nguyễn Trãi (chung trụ sở với Ocean Group) về tòa nhà CT10-11 Văn Phú.
HĐQT cũng như Ban điều hành không còn bóng dáng cá nhân nào có liên quan đến Ocean Group nữa, chỉ có ông Vũ Xuân Dương là người được đơn vị này giới thiệu và trúng cử vào Ban kiểm soát của PVR. Như vậy tại đây, Ocean Group và VNT chỉ có vai trò là cổ đông lớn với tổng tỷ lệ sở hữu hơn 25%. Với những quy định tại Điều lệ mới, tỷ lệ 25% cũng không đủ để nhóm cổ đông này có quyền quyết định đến các vấn đề quan trọng của công ty.
Dù vậy, có thể thấy Ban lãnh đạo mới đến từ MHD không thể giấu nổi sự “ghét bỏ” đối với nhóm cổ đông này. Trong Điều lệ mới còn ghi rõ một khoản mục với nội dung như sau:
“Trường hợp Nghị quyết do ĐHCĐ thông qua được chứng minh tại Kết quả sản xuất kinh doanh của kỳ ĐHCĐ năm kế tiếp là mang lại lợi ích kinh tế cho Công ty thì các cổ đông phản đối thông qua Nghị quyết nói trên phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về Nghị quyết đó và phải đền bù thiệt hại cho Công ty bằng chính số lợi nhuận mà Nghị quyết đó đã được thông qua, đồng thời không được hưởng cổ tức của năm đó và những năm tiếp theo…”
Tuy nhiên theo pháp luật, cổ đông có quyền đồng ý hoặc không đồng ý với các tờ trình của HĐQT mà không phải chịu trách nhiệm “nặng nề” như trên.
Khi kết thúc ĐHCĐ, ông Bùi Văn Phú cũng kết luận nghiêm túc rằng sẽ có biện pháp rắn ngay lập tức, đó là triệu tập khách hàng của dự án CT 10-11 Văn Phú để thông báo cho họ biết những cổ đông lớn nào đã không đồng ý nội dung được trình và theo đó, sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của PVR.
MHD giờ đã là chủ mới của công ty Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí nổi tiếng một thời. Ocean Group cũng chủ trương thoái vốn hoàn toàn khỏi đây nhưng cuộc chiến giữa các cổ đông lớn chưa chắc đã dừng lại nếu một ngày, Ocean Group lật lại các vấn đề về tỷ lệ đồng ý được nhắc đến trên kia…
Trí Thức Trẻ
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>Sự kiện: Đại hội cổ đông 2016
Xem tất cả >>- Prosimex: Chủ tịch HĐQT hỗn chiến với cổ đông ngay giữa Đại hội
- ĐHCĐ Thép Nam Kim: Ước lãi 200 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm, tăng vốn lên gấp đôi
- "Hỗn chiến" của cổ đông nhỏ tại ĐHCĐ Công ty Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí (PVR)
- Bà Như Loan: "Nếu các cổ đông tiếp tục gây áp lực lớn, QCG sẽ huỷ niêm yết trên sàn"
- ĐHCĐ Petrolimex: Bao giờ lên sàn giao dịch?