Một công ty quân đội lần đầu tiên cán mốc doanh thu tỷ đô năm 2022, trích lập dự phòng giảm giá hơn 600 tỷ khi giá than lao dốc
Mặc dù sản lượng tiêu thụ 2022 thấp hơn so với năm 2021 nhưng giá bán bình quân lên tới 2,3 triệu đồng/tấn, cao hơn mức 1,8 triệu/tấn của năm trước đã giúp cho TCT Đông Bắc tăng mạnh về doanh thu.
- 29-03-2023Công ty của nữ đại gia Phan Thị Phương Thảo bị mở thủ tục phá sản
- 29-03-2023"Đại gia" nuôi heo phát hành 600 tỷ trái phiếu với lãi suất 5,25%/năm
- 29-03-2023Chọn cạnh tranh thay vì “bán mình”, tương ớt Cholimex tiếp tục sống khỏe khi liên tục trả cổ tức 50%, EPS và thị giá cao top đầu thị trường
Được thành lập năm 1994 trên cơ sở sáp nhập các đơn vị khai thác than của quân đội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Tổng công ty Đông Bắc - trực thuộc Bộ Quốc phòng - là công ty than có quy mô lớn thứ 2 Việt Nam sau Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) với tổng tài sản 11.000 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2022).
Các sản phẩm của TCT Đông Bắc gồm có than cục, than cám, than bùn và than Đồng giao – Ninh Bình. Kể từ năm 2019, sản lượng sản xuất của TCT này bắt đầu vượt lên trên 6 triệu tấn/năm và sản lượng tiêu thụ vượt qua mốc 10 triệu tấn/năm.
Năm 2022, Tổng Công ty Đông Bắc lên kế hoạch 15.910 tỷ đồng doanh thu và 570 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, sản lượng tiêu thụ than kế hoạch là 8,6 triệu tấn (tương ứng mức giá bán bình quân theo kế hoạch là 1,8 triệu/tấn , nhỉnh hơn một chút so với giá bán bình quân trong năm 2021. Tuy nhiên, tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ 2022 diễn ra vào sáng 3/1/2023, Tổng công ty Đông Bắc cho biết đã tiêu thụ được 9.699.383 tấn than, tức giá bán than bình quân lên tới hơn 2,3 triệu/tấn .
Mặc dù sản lượng tiêu thụ 2022 thấp hơn so với năm 2021 nhưng giá bán bình quân tăng mạnh.
Đây là nguyên nhân giúp cho TCT có một năm kinh doanh bứt phá.
Theo báo cáo tài chính năm 2022 (đã kiểm toán) mới công bố, lần đầu tiên doanh thu hợp nhất của Tổng công ty Đông Bắc vượt lên trên 1 tỷ USD. Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 24.052 tỷ đồng – tăng 30% so với năm trước tương đương 5.609 tỷ đồng. Chiếm 95% là doanh thu từ sản phẩm than.
Biên lợi nhuận gộp đạt 8,9%, cải thiện nhẹ so với mức 8,75% của năm trước, nhưng chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý đều tăng. Đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 64% lên 993 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước thuế chỉ tăng nhẹ 5% lên 616 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại thời điểm cuối năm, Tổng công ty Đông Bắc đã trích lập gần 626 tỷ đồng để dự phòng giảm giá hàng tồn kho đối với thành phẩm. Con số này chiếm tới 25% giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp. Việc trích lập dự phòng được thực hiện khi giá than đã lao dốc kể từ cuối năm 2022.
Đến cuối năm, tiền và các khoản tương đương tiền của Tổng công ty Đông bắc tăng thêm tới 1.258 tỷ đồng so với đầu năm, đồng thời khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng thêm 890 tỷ đồng. Điều này khiến cho tài sản ngắn hạn tăng vọt lên 5.881 tỷ đồng, vượt qua tài sản dài hạn và nâng tổng tài sản của công ty lên 11.000 tỷ đồng.
Về phía nợ phải trả, ngoài việc tăng vay nợ ngân hàng để tài trợ cho hoạt động kinh doanh thì khoản phải trả cho người lao động và quỹ khen thưởng phúc lợi cũng đều tăng mạnh, lần lượt tăng thêm 267 tỷ đồng và 174 tỷ đồng.
Số liệu từ báo cáo tổng kết cho biết, thu nhập bình quân đầu người tại TCT Đông Bắc là 17,69 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2022, Doanh thu của các công ty ngành than đều "rực rỡ" trong bối cảnh giá than và nhu cầu với loại nhiên liệu này đi lên khi mà cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến giá khí đốt tự nhiên tăng vọt. Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) lần đầu tiên đạt sản lượng 42,2 triệu tấn than nguyên khai và kỷ lục doanh thu 7 tỷ USD.
Trên toàn cầu, lần đầu tiên khối lượng than tiêu thụ vượt qua 8 tỷ tấn. Một số khu vực trên thế giới quay trở lại sử dụng than như một lựa chọn cạnh tranh về giá. Tại Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ than lớn nhất thế giới, chiếm 53% lượng tiêu thụ than toàn cầu, đợt nắng nóng và hạn hán đã thúc đẩy sản xuất điện than trong mùa hè, bất chấp các hạn chế do Covid làm chậm nhu cầu.
Nhịp sống thị trường