MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ vị trí gần 'bét bảng', một địa phương tăng 16 bậc trong xếp hạng thu nhập các tỉnh thành giai đoạn 5 năm

Từ vị trí gần 'bét bảng', một địa phương tăng 16 bậc trong xếp hạng thu nhập các tỉnh thành giai đoạn 5 năm

Chỉ trong 5 năm, từ vị trí gần "chót bảng", tỉnh này đã tăng 16 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số thu nhập của cả nước.

Tổng cục Thống kê vừa qua đã công bố báo cáo Chỉ số phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, theo đó chỉ ra một vài thay đổi về cách tính các chỉ số tổng hợp HDI. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, Chỉ số tổng hợp HDI vẫn tính từ 3 Chỉ số thành phần.

Tuy nhiên, các thay đổi về chỉ tiêu đầu vào sử dụng trong tính toán các Chỉ số thành phần và công thức tổng hợp HDI từ các Chỉ số thành phần bao gồm:

Thứ nhất, chỉ số giáo dục được tính thông qua 2 chỉ tiêu là số năm đi học bình quân của những người từ 25 tuổi trở lên và số năm đi học kỳ vọng của trẻ em trong độ tuổi đi học.

Thứ hai, chỉ số thu nhập được tính thông qua chỉ tiêu tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân đầu người theo sức mua tương đương, thay thế chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo sức mua tương đương.

Cuối cùng, công thức tính chỉ số tổng hợp HDI chuyển từ bình quân cộng giản đơn 3 Chỉ số thành phần sang bình quân nhân giản đơn như sau:

Từ vị trí gần bét bảng, một địa phương tăng 16 bậc trong xếp hạng thu nhập các tỉnh thành giai đoạn 5 năm - Ảnh 1.

Trong đó, chỉ số thu nhập sử dụng trong tính HDI được xác định bằng phép toán logarit tự nhiên Chỉ tiêu tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân đầu người theo sức mua tương đương (PPP); thường được quy về USD (USD - PPP).

Tương tự như tính chỉ số sức khỏechỉ số giáo dục, để HDI bảo đảm tính so sánh và phù hợp với trình độ phát triển chung của kinh tế thế giới trong giai đoạn hiện nay, UNDP đã cố định giá trị tối thiểu của chỉ tiêu GNI bình quân đầu người theo sức mua tương đương là 100 USD - PPP, tương ứng với mức thu nhập tự sản tự tiêu; giá trị tối đa ở mức 75000 USD - PPP, biểu đạt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người các quốc gia cần hướng tới.

Theo UNDP, 75000 USD - PPP biểu hiện cho mức đóng góp tối đa của chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người vào HDI. Quốc gia có thu nhập bình quân trên 75000 USD - PPP cũng không làm tăng thêm HDI. Điều này có nghĩa là, HDI không tăng vô hạn theo tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Muốn nâng cao HDI, các quốc gia, vùng lãnh thổ không thể chỉ tập trung theo đuổi các mục tiêu kinh tế, mà còn cần phải bảo đảm cả các mục tiêu xã hội như sức khỏe và giáo dục. Đến nay, trên thế giới, đã có 3 quốc gia đạt thu nhập bình quân vượt 75000 USD-PPP; đó là Liechtensteinm, Qatar và Singapore. Theo quy ước, các quốc gia này có Chỉ số thu nhập bằng 1.

Từ vị trí gần bét bảng, một địa phương tăng 16 bậc trong xếp hạng thu nhập các tỉnh thành giai đoạn 5 năm - Ảnh 2.

Xét theo các tỉnh thành, giai đoạn 2016-2020, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương duy nhất liên tục đứng "đầu bảng" về chỉ số thu nhập. Cụ thể, năm 2016, chỉ số thu nhập của Bà Rịa - Vũng Tàu là 0,871. Sang năm 2020, con số này đạt 0,883.

Trong khi đó, Bình Dương từng giữ vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng năm 2016, thì đến năm 2020, vị trí này đã bị thay thế bởi Quảng Ninh. Năm 2016, TP. HCM từng đứng thứ 3 về chỉ số thu nhập trên cả nước, thì năm 2020, TP. HCM lại "tụt hạng" xuống thứ 5.

Chỉ số thu nhập của Bình Dương năm 2016 ghi nhận ở mức 0,77, năm 2020 là 0,8. TP. HCM có chỉ số thu nhập năm 2016 là 0,76, năm 2020 là 0,792. Đặc biệt, chỉ số thu nhập của Quảng Ninh hồi 2016 là 0,74, sang năm 2020 lên đến 0,811.

Từ vị trí gần bét bảng, một địa phương tăng 16 bậc trong xếp hạng thu nhập các tỉnh thành giai đoạn 5 năm - Ảnh 3.

Đáng chú ý, năm 2016, Ninh Thuận ghi nhận mức chỉ số thu nhập là 0,581, đứng thứ 45 cả nước. Đến năm 2020, chỉ số thu nhập ở tỉnh này là 0,666, đứng thứ 29 cả nước. Giai đoạn 2016-2020, Ninh Thuận liên tục ghi nhận thăng hạng hàng năm trong bảng xếp hạng chỉ số thu nhập. Như vậy, chỉ trong 5 năm, từ một tỉnh đang ở vị trí gần "chót bảng", Ninh Thuận đã tăng 16 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số thu nhập của cả nước.

Cùng với đó, GRDP quy đổi bình quân đầu người năm 2020 của Ninh Thuận cũng tăng ở mức cao, gấp 1,7 lần so với năm 2016. Đến cuối năm 2021, GRDP bình quân đầu người trong tỉnh đạt 68,4 triệu đồng/người, gấp gần 50 lần so với năm 1992 (1,37 triệu đồng/người), rút ngắn nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước.

Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước của tỉnh duy trì ở mức tăng cao, tăng từ 33,3 tỷ đồng năm 1992 lên 4.343 tỷ đồng vào năm 2021, tăng trên 130 lần, bình quân tăng 19%/năm. Tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, từ 67,8 tỷ đồng năm 1992 lên 29.920 tỷ đồng năm 2021, tăng 441 lần, bình quân tăng 23,4%/năm.

Trong giai đoạn 2021-2030, Ninh Thuận đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,84%/năm. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 200 triệu đồng; kinh tế biển chiếm từ 45-46% GRDP; kinh tế đô thị chiếm 70% GRDP. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp và thủy sản chiếm 18-19% vào năm 2025 và 12-13% vào năm 2030.

Công nghiệp-xây dựng chiếm 42-43% vào năm 2025 và chiếm 47-48% vào năm 2030. Các ngành dịch vụ chiếm 39-40% vào năm 2025 và chiếm 40-41% vào năm 2030 trên tổng GRDP của tỉnh.

https://cafef.vn/mot-dia-phuong-tang-16-bac-trong-bang-xep-hang-thu-nhap-cua-cac-tinh-thanh-giai-doan-5-nam-20220401112323923.chn

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên