Một DN "hàng hải" vay tiền CTCK, rót thêm hơn 250 tỷ mua cổ phiếu Eximbank, dồn 45% tài sản để đầu tư chứng khoán trong quý 1/2023
Trong 40 tỷ dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh có 19 tỷ dự phòng cho EIB và 15,5 tỷ dự phòng cho TBD.
- 27-05-2023Một công ty thép lỗ 3 năm liên tục lên kế hoạch lãi trở lại, cổ phiếu tăng 55% trong 1 tháng
- 25-05-2023Cổ phiếu vừa lên sàn chưa được nửa năm đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, điều gì đang xảy ra với "kỳ lân" VNG?
- 23-05-2023Rót 4.200 tỷ mua cổ phiếu bất động sản đúng đỉnh thị trường, 1 DN “lỗ” 2.500 tỷ chỉ sau 1 năm
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023, CTCP MHC (mã chứng khoán MHC) ghi nhận tổng tài sản tại thời điểm cuối quý là 1.342 tỷ đồng. Trong đó, giá trị chứng khoán kinh doanh là 604 tỷ đồng – bằng 45% tổng giá trị tài sản, dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh 40 tỷ đồng. Công ty đã chi thêm 344 tỷ đồng so với đầu năm để đầu tư chứng khoán kinh doanh. Trong danh mục tài sản của doanh nghiệp này, giá trị chứng khoán (sau dự phòng) đã tăng thêm 310 tỷ đồng.
Riêng khoản đầu tư dành cho cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán EIB) chiếm hơn một nửa với giá gốc 326 tỷ đồng – tăng thêm 256 tỷ đồng so với đầu năm, và đang dự phòng 19 tỷ đồng. Như vậy, khoản đầu tư cho EIB chiếm 24% tổng tài sản của MHC.
Khoản đầu tư vào cổ phiếu của TCT thiết bị điện Đông Anh (mã TBD) có giá gốc 122 tỷ đồng – không đổi so với đầu năm – đang dự phòng 15,5 tỷ đồng. Ngoài ra, MHC đã chi 155 tỷ đồng mua các cổ phiếu khác – tăng thêm 88 tỷ đồng so với đầu năm và đang dự phòng giảm giá 5 tỷ đồng.
Bên cạnh đầu tư chứng khoán, MHC đã bỏ ra gần 81 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào Công ty TNHH Vận tải Container Hải An, CTCP Thekla, Quỹ đầu tư hạ tầng Red One và quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng.
Để tài trợ cho các khoản đầu tư chứng khoán, tại thời điểm cuối quý, MHC có các khoản vay trị giá 116 tỷ đồng tại CTCP chứng khoán VIX, 61 tỷ đồng tại CTCP Chứng khoán Bản Việt và 45 tỷ đồng tại CTCP Chứng khoán Miraeasset (Việt Nam). Số tiền vay các CTCK đã tăng thêm 212 tỷ đồng so với đầu năm. Bên cạnh đó, MHC còn dư nợ gần 200 tỷ đồng trái phiếu (phát hành ngày 29/5/2020).
Trong quý này, MHC đạt 4 tỷ đồng doanh thu thuần – giảm 23% so với cùng kỳ năm trước và lỗ gộp 949 triệu đồng. Doanh thu tài chính – vốn là mảng đem lại doanh thu lớn nhất cho công ty này – đã giảm mạnh xuống còn 12,6 tỷ đồng (so với gần 40 tỷ đồng trong quý 1 năm trước). Trong khi đó, chi phí tài chính tăng vọt lên 44 tỷ đồng (do trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán), dẫn đến công ty lỗ trước thuế 36,5 tỷ đồng.
Theo tài liệu Đại hội cổ đông 2023 dự kiến tổ chức vào ngày 15/6 tới đây, CTCP MHC đưa tờ trình bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT do TVHĐQT Nguyễn Thị Thùy Linh đã xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.
Xuất phát điểm là một công ty hàng hải, MHC hiện giờ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính và vận tải – logistics. Năm 2022, doanh thu thuần của công ty đạt gần 51 tỷ đồng, tăng 112% so với năm trước. Doanh thu tài chính 141 tỷ đồng – giảm 62,44% và công ty lỗ gần 31 tỷ đồng trong khi năm trước lãi 49 tỷ đồng.
Trong đó, MHC Land (thành lập tháng 6/2020) hoạt động chính là kinh doanh bất động sản mang về doanh thu 34 tỷ đồng – tăng 370% so với năm trước. Mảng vận tải – logistics gồm hoạt động kinh doanh của đội xe Container và xe nâng của Công ty TNHH MTV Vận tải và Dịch vụ Hàng Hải Hải Phòng (Marina Hải Phòng) ghi nhận tổng doanh thu 19,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 751 triệu đồng.
Định hướng phát triển năm 2023 vẫn duy trì hoạt động trong 3 lĩnh vực nói trên và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những công ty có triển vọng. MHC đặt kế hoạch Tổng doanh thu hợp nhất 200 tỷ đồng (gồm cả doanh thu tài chính) và lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 40 tỷ đồng.
MHC trình cổ đông không chia cổ tức năm 2022.
Nhịp sống thị trường