Một doanh nghiệp "hồi sinh" đặt kế hoạch lợi nhuận gấp 50 lần, cổ phiếu mới tăng 20%
Kế hoạch đó dựa trên cơ sở nào? Trong tờ trình ĐHCĐ, VRC có ý định chuyển nhượng Dự án tại Quận 7, Tp.Hồ Chí Minh. Dự án này được ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang là 126 tỷ đồng.
Giữa tháng 10/2016, cổ phiếu VRC của CTCP Xây lắp và Địa ốc Vũng Tàu – một cổ phiếu vốn không có gì đặc biệt trong nhiều năm qua, bỗng nhiên tăng vọt từ 9.000 đồng lên đến 20.000 đồng trong vòng 2 tháng dù vẫn đang ở trong diện cảnh báo.
Sau khi cổ phiếu tạo đỉnh tại 20.000 đồng và đi xuống, trong 2 tháng gần đây, VRC chuyển động trở lại khi có 2 đợt tăng ngắn để chinh phục mức giá đỉnh nói trên. Riêng từ cuối tháng 3 đến nay, VRC tăng khoảng 20%.
Sự tăng giá này bắt nguồn từ đâu?
Ngày 22/04 tới đây, VRC sẽ họp Đại hội cổ đông thường niên 2017 với tờ trình về kế hoạch rất “khủng”: Tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là 394 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 120 tỷ đồng – gấp 53 lần năm 2016.
Với 14,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, EPS kế hoạch năm 2017 của VRC lên tới hơn 8.300 đồng.
Nếu chỉ như vậy thì giá cổ phiếu VRC rất hấp dẫn. Nhưng VRC dường như muốn chứng tỏ một sự lột xác khi có tờ trình tăng vốn từ 145 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng bằng cách phát hành 10,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 70%) và 25,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, cùng với giá chào bán là 11.000 đồng/cp. 390 tỷ đồng thu được dự kiến để thực hiện đầu tư vào công ty cùng ngành (346 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động (44,5 tỷ).
Theo tính toán của VRC, giả sử đến ngày 31/07/2017 đợt phát hành sẽ kết thúc và công ty thu được toàn bộ số tiền phát hành trên, thì EPS pha loãng năm 2017 ước tính là 4.115 đồng.
VRC giả định, nếu mức giá cổ phiếu trước ngày giao dịch không hưởng quyền là 18.000 đồng thì giá điều chỉnh do phát hành thêm sẽ là 15.110 đồng/cp. Dù việc phát hành một lượng lớn cổ phiếu gây tâm lý e ngại nhưng nếu kế hoạch lợi nhuận năm 2017 thành công thì mức định giá cho VRC cũng không phải là đắt.
Vậy kế hoạch đó dựa trên cơ sở nào? Trong tờ trình ĐHCĐ, VRC có ý định chuyển nhượng Dự án tại Quận 7, Tp.Hồ Chí Minh. Tổng diện tích dự án này là 97.760 m2, hiện đã bồi thường, giải phóng mặt bằng 4,3ha, đang triển khai hạ tầng và giai đoạn 1 của dự án.
VCR đánh giá đây là dự án có vị trí đắc địa, được nhiều nhà đầu tư và khách hàng quan tâm nhưng sẽ cần thời gian hoàn tất các thủ tục pháp lý và nguồn tài chính lớn để triển khai trong khi doanh thu và lợi nhuận chỉ đến sau 2, 3 năm nữa. Vì vậy, công ty muốn bán dự án này để tạo ra doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền nhanh hơn, tập trung nguồn lực vào cơ hội đầu tư khác. Dự kiến thực hiện trong quý 3 – quý 4/2017.
Dự án này được ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang là 126 tỷ đồng.
Không những thế, VRC cũng dự kiến hoàn tất chuyển nhượng dự án 02 tầng khách sạn của tòa nhà Vũng Tàu Apartment Building tại 165 Thùy Vân (Vũng Tàu) vào quý 3/2017 và chuyển nhượng dự án trụ sở văn phòng tại 54 Võ Thị Sáu (Vũng Tàu) ngay trong quý 2/2017.
Như vậy, cơ sở để VRC đặt kế hoạch “táo bạo” như trên chính là việc chuyển nhượng 3 dự án này, đặc biệt là mảnh đất tại Quận 7.
Từ cuối năm trước, báo cáo tài chính đã được "làm sạch"
Đợt tăng giá của VRC hồi tháng 10/2016 được lý giải là từ cuộc “lột xác” khi các cổ đông cũ bán hết cổ phần, công ty thay đổi toàn bộ HĐQT và thay bằng những gương mặt mới. Ngày 3/3/2017 vừa qua SCIC cũng đã thoái thành công gần 1,2 triệu VRC.
Theo chúng tôi được biết, “chủ mới” của VRC là nhóm cổ đông đã từng ra tay mua lại công ty đầu tư bất động sản có mã cổ phiếu D. và một công ty khai thác đá trên sàn chứng khoán có mã K. từ SCIC. Cổ phiếu của các doanh nghiệp này đều đã gây sốt trong năm 2016.
Kết thúc năm 2016 với một Ban lãnh đạo mới, VRC công bố có lãi trở lại – một kết quả được đánh giá là khả quan so với con số lỗ 6 tỷ đồng của năm 2015. Lợi nhuận này đến chủ yếu từ hoạt động tài chính. Mặc dù lợi nhuận gộp giảm nhưng công ty có lãi 2,4 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán và lãi tiền vay giảm mạnh từ gần 5 tỷ xuống còn chưa đến 250 triệu đồng.
Việc VRC có lãi trở lại nhờ hoạt động tài chính có thể khiến nhiều người đánh giá thấp, nhưng thực tế với một doanh nghiệp đang tái cơ cấu thì điểm quan trọng là dòng tiền đã trở lại dồi dào. Dòng tiền thuần trong năm 2016 la 53 tỷ đồng, đến chủ yếu từ hoạt động kinh doanh chính. Với số dư tiền hơn 55 tỷ đồng vào cuối năm 2016 thì số lượng tiền/cổ phiếu của VRC lên tới gần 3.800 đồng.
Báo cáo HĐQT cho biết, công ty đã chuyển nhượng một số dự án như Trung tâm thương mại và Chợ Đông Thành, quyết toán và bàn giao một số dự án xây dựng cho chủ đầu tư nhằm giải phóng hàng tồn kho và tạo ra dòng tiền để tập trung các dự án khác trong năm 2017.
Trí Thức Trẻ