Một doanh nghiệp nông sản kín tiếng đóng vai trò chủ chốt trong vụ Trương Huệ Vân chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng
Từ năm 2020, bà Trương Mỹ Lan Lan chỉ đạo Trương Huệ Vân cho thành lập các Công ty “ma”, thông đồng với Trần Thị Mỹ Dung lập phương án kinh doanh khống là mua bán nông sản với Lavifood để tạo lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền từ SCB.
- 16-12-2023Chủ tịch Vạn Thịnh Phát được ghi nhận tích cực hoạt động từ thiện
- 13-12-2023Sherwood Resident: Nơi bà Trương Mỹ Lan làm căn cứ bí mật tuồn hơn 109.000 tỷ đồng trong vụ án Vạn Thịnh Phát
- 04-12-202321 công ty bí hiểm trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, một loạt có vốn trên 10.000 tỷ hé mở cách thức rút tiền từ SCB?
Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan.
Đáng chú ý, trong cáo trạng của VKSND Tối cao có nhắc đến CTCP Lavifood trong hành vi phạm tội "Tham ô tài sản" của Trương Huệ Vân, cháu gái bà Trương Mỹ Lan.
Cụ thể, theo cáo trạng, năm 2021, bà Trương Mỹ Lan mua lại CTCP Lavifood từ ông Lê Thành để hoạt động trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp và giao cho Trương Huệ Vân quản lý, điều hành thông qua Nguyễn Phi Long, Tổng Giám đốc Lavifood (được cho đứng tên sở hữu 31% cổ phần) và Đặng Quang Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Lavifood.
Quá trình hoạt động, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo Trương Huệ Vân sử dụng pháp nhân Lavifood vay vốn tại Ngân hàng SCB để phục vụ mục đích kinh doanh và trả nợ vay tại các ngân hàng khác.
Từ năm 2020, bà Lan còn chỉ đạo Trương Huệ Vân cho thành lập các Công ty “ma”, thông đồng với Trần Thị Mỹ Dung lập phương án kinh doanh khống là mua bán nông sản với Lavifood để tạo lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền từ SCB để sử dụng cho các mục đích của Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân.
Do đó, Trương Huệ Vân đã chỉ đạo Nguyễn Phi Long và Đặng Quang Nguyên thành lập, sử dụng 52 Công ty “ma”; phối hợp với Trần Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB và nhân viên SCB để lập hồ sơ vay vốn trái quy định.
Trương Huệ Vân đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thành lập, sử dụng 52 Công ty “ma” và 4 Công ty có hoạt động thật, tạo lập 155 khoản vay khống để Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân rút tiền từ Ngân hàng SCB. Tính đến ngày 17/10/2022, 155 khoản vay này còn dư nợ hơn 2.834 tỷ đồng (gồm dư nợ gốc 2.809 tỷ đồng và dư nợ lãi 25 tỷ đồng). Tuy nhiên, các khoản vay này có tài sản đảm bảo nên xác định Trương Huệ Vân đồng phạm giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền hơn 1.088 tỷ đồng, gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh hơn 25 tỷ.
Cáo trạng cho biết ông Nguyễn Phi Long và ông Đặng Quang Nguyên làm việc tại Tập đoàn VTP từ năm 2019, được giao nhiều vị trí, nhiệm vụ khác nhau trong các Công ty Diamond Capital, Công ty Alpha King, trong đó Đặng Quang Nguyên làm việc dưới sự quản lý, chỉ đạo của Trương Huệ Vân.
Thực hiện chỉ đạo của Vân, Nguyễn Phi Long đã chỉ đạo Đặng Quang Nguyên thành lập, quản lý 26 Công ty “ma” (trong đó, Nguyên thành lập 22 công ty và sử dụng 4 Công ty do nhóm Nguyễn Phương Anh thành lập) để chuyển thủ tục sang Ngân hàng SCB lập hồ sơ vay vốn khống. Đồng thời, Nguyễn Phi Long đã chỉ đạo Lê Văn Nhân, là nhân viên Công ty Lavifood thành lập 26 công ty khác để Long sử dụng, lập hồ sơ vay khống tại Ngân hàng SCB. Long đã đại diện Công ty Cổ phần Lavifood ký thỏa thuận sẽ trả nợ cho các công ty do ông Nhân thành lập.
Lavifood là công ty chuyên sơ chế, sản xuất, chế biến các loại trái cây rau củ, nông sản chất lượng cao của Việt Nam phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.
CTCP Lavifood được thành lập vào tháng 6/2014 với vốn điều lệ 30 tỷ đồng; có 3 cổ đông sáng lập là: Công ty TNHH Thương mại Thiện Nhân (50%), ông Phạm Ngô Quốc Thắng (40%) và bà Phạm Ngô Hoàng Thùy Trang (10%).
Tại đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 2/10/2017, Lavifood có vốn điều lệ 450 tỷ đồng, trong đó, ông Phạm Ngô Quốc Thắng nắm 98,5% vốn điều lệ, bà Phạm Ngô Hoàng Thùy Trang nắm 1%, 2 cá nhân Phạm Ngô Quốc Trung và Phạm Ngô Quốc Trực mỗi người nắm 0,25%.
Đến ngày 20/1/2021, vị trí Tổng giám đốc công ty được chuyển cho ông Lê Thành, sau đó 5 ngày, đến ngày 25/1, ông Lê Thành lên giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT công ty.
Đồng thời trong ngày này, Lavifood tăng vốn từ 400 tỷ lên 1.030 tỷ sau đó 3 ngày tiếp tục tăng lên 2.880 tỷ đồng.
Thế nhưng ông Lê Thành chỉ làm Chủ tịch HĐQT Lavifood trong hơn 1 tháng. Đến tháng 2/2021, ông Nguyễn Phi Long, người có liên quan đến Vạn Thịnh Phát đồng thời kiêm nhiệm 2 chức vụ Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Lavifood thay thế ông Lê Thành và ông Phạm Ngô Quốc Thắng (Tổng giám đốc).
Đến tháng 6/2022 - trước khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt chỉ vài tháng (tháng 10/2022), ông Lê Thành lại quay lại làm Chủ tịch HĐQT Lavifood.
Ông Lê Thành xuất hiện nhiều trên truyền thông từ khi nắm ghế Viện trưởng Viện Kinh tế Xanh thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Ông xuất hiện tại một số pháp nhân như CTCP Codona Thế kỷ 21 (chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Sông Mây); Công ty TNHH Organic Life; CTCP Đầu tư Nông Trường Xanh; CTCP Đầu tư Kết nối xanh (Green Connection Invest) và CTCP Đầu tư Nhà quản lý (Manager Invest).
Ông Thành cũng từng được biết tới là cựu Thành viên HĐQT, từng sở hữu 12,8% vốn điều lệ của CTCP Tổng Công ty Xây dựng số 1 (Mã CK: CC1).
Theo chia sẻ của ông Lê Thành trên báo chí vào tháng 1/2021, năm 2019, Lavifood đã chính thức đưa vào hoạt động nhà máy Tanifood tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Đây là 1 trong 5 nhà máy hiện đại nhất Châu Á với tổng số vốn đầu tư lên đến 1.780 tỷ đồng.
"Lavifood đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ chế biến sâu hiện địa với những nhà máy quy mô lớn, tiên tiến như Lavifood, Tanifood… để có thể bao tiêu hết tất cả các loại trái cây của bà con. Với việc đưa vào hoạt động nhà máy Tanifood có công suất lên đến 60.000 tấn thành phẩm/năm sẽ không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam mà còn góp phần nâng cao thu nhập ổn định, bền vững cho bà con nông dân" - Ông Thành nói.