Một doanh nghiệp thép vốn hóa 770 tỷ đồng nhưng muốn bán cổ phiếu cho cổ đông lấy hơn 1.100 tỷ đồng
Sau năm 2022 khó khăn với lợi nhuận chỉ 8 tỷ đồng, Thép Tiến Lên đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 tăng mạnh lên 100 tỷ đồng khi dự báo giá thép sẽ hồi phục. Công ty sẽ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong khi thị giá trên sàn chứng khoán là 6.860 đồng/cổ phiếu.
- 27-03-2023Vẫn thu về 700 triệu USD mỗi năm từ bán tôm dù xuất sang Mỹ giảm mạnh, Minh Phú kiếm tiền từ những thị trường nào?
- 27-03-2023FPT Shop sẽ bán thêm xe máy, xe đạp, phụ tùng, bảo dưỡng và sửa chữa mô tô bên cạnh đồng hồ, đồ gia dụng...
- 27-03-2023Quy định mới về đăng kiểm ô tô: Doanh nghiệp taxi, vận tải 'mở cờ trong bụng'
Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Đại hội dự kiến tổ chức ngày 15/4 tại Đồng Nai.
Báo cáo kết quả năm 2022, Thép Tiến Lên cho biết, doanh thu đạt 5.324 tỷ đồng, gần hoàn thành kế hoạch cả năm và tăng trưởng 14,6% so với năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ là 8 tỷ đồng, giảm 98% so với năm trước và chỉ đạt 3% kế hoạch.
Theo Hội đồng quản trị, nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm sâu là do khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu khi các quốc gia phải đối mặt với lạm phát tăng cao và buộc phải ưu tiên các chính sách thắt chặt tài chính, nâng lãi suất nhằm giảm lạm phát. Việt Nam cũng không ngoại lệ, đặc biệt đối với những doanh nghiệp nằm trong ngành vật liệu xây dựng như bất động sản, sắt thép, gỗ...
Đối với ngành thép, từ quý 2/2022, xung đột Nga - Ukraine nổ ra cũng như các quốc gia đều mở cửa quay trở lại với hoạt động kinh doanh bình thường sau 2 năm phong tỏa chống dịch đã gây ảnh hưởng tới nguồn cung cấp hàng hóa dẫn với việc lạm phát tăng cao.
Tại Trung Quốc, chính phủ nước này đặt trọng tâm năm 2022 vào việc chống dịch, nên tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy giảm nghiêm trọng. Do vậy, thị trường ngành vật liệu xây dựng thép của Trung Quốc liên tục phải giảm giá rất sâu với mức độ giảm lên tới hơn 50% so với đỉnh điểm giá đầu năm 2021.
Về thị trường trong nước, lãi suất tăng từ 5-7% lên 10-15% năm và việc điều tiết dòng tiền vào thị trường bất động sản khiến doanh nghiệp ngành thép cũng gặp nhiều thách thức, khi lượng tồn kho ở mức cao nhưng tiêu thụ lại chậm.
Mảng xuất khẩu thép vốn là chủ lực của ngành thép năm 2021 và đầu năm 2022 đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ quý 2 cho tới cuối năm khi các quốc gia trên thế giới đều hạn chế nhập khẩu. Những khó khăn này đã gây ra lỗ nặng cho các nhà máy thép và nhà thương mại trong nước năm qua.
Sang năm 2023, Thép Tiến Lên đặt mục tiêu doanh thu 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng. Doanh thu giảm nhẹ so với 2022 nhưng lợi nhuận lớn gấp 12 lần.
Công ty cho biết giá thép đầu năm nay đã tăng 15-20% và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy vậy, nguồn cầu vẫn chưa thực sự hồi phục, do đó giá sẽ không tăng đột biến và được dự đoán sẽ biến động lên xuống cho tới ít nhất cuối quý 2, quý 3.
Về mặt tích cực, giá thép sẽ không giảm sâu như trong năm 2022 vì các nhà máy không còn nhiều áp lực về việc giảm tồn kho và có thể tập trung định lại giá để không phải gặp tình trạng giá bán ra thấp hơn giá nguyên vật liệu đầu vào.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm nay, Thép Tiến Lên sẽ trình phương án phát hành 10,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021, tương ứng tỷ lệ 10%.
Bên cạnh đó, công ty chào bán 112,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1, giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu chào bán thành công, số tiền thu về là 1.123 tỷ đồng.
Khi đó, Thép Tiến Lên sẽ dùng 500 tỷ đồng tài trợ cho dự án Khu dân cư thương mại An Phước tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với quy mô hơn 60.000m2; 26 tỷ đòng tài trợ cho dự án xây dựng chi nhánh Đà Nẵng đặt tại Quốc lộ 1A, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang và 597 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.
Trên sàn chứng khoán hiện nay, cổ phiếu TLH của công ty có giá thấp hơn 31% so với giá chào bán, ở mức 6.860 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị vốn hóa 770 tỷ đồng.
Nhịp sống thị trường