Một khối băng rộng hơn thành phố Paris vừa vỡ ra khỏi Bắc Cực, các nhà khoa học lo sợ đó là một phản ứng dây chuyền
Cơ chế "khuyếch đại Bắc Cực" giải thích tại sao trong suốt 4 thập kỷ qua, khu vực này luôn có tốc độ ấm lên nhanh gấp đôi so với phần còn lại của thế giới.
- 25-05-2020Cảnh báo đáng sợ: Con người đang chết dần vì biến đổi khí hậu, với những con số nằm ngoài sức tưởng tượng từ trước tới nay của khoa học
- 15-03-2020Chuyên gia biến đổi khí hậu: Chúng ta chỉ còn 10 năm để cứu Trái Đất, thập kỷ tới là thời điểm quyết định vận mệnh nhân loại
- 15-03-2020Cuộc sống khắc nghiệt ở Norilsk, nơi tách biệt với thế giới: Không chỉ có khí hậu lạnh giá mà còn là nơi ô nhiễm nhất hành tinh
Tin không tốt đầu tuần được gửi về từ Bắc Cực, một khối băng khổng lồ - có kích thước lớn hơn cả thành phố Paris - đã vỡ ra khỏi thềm băng lớn nhất Greenland do nhiệt độ ở khu vực này ngày một tăng lên.
Khối băng rộng tới 113 km vuông đã sụp đổ khỏi Nioghalvfjerdsfjorden, một vịnh băng dài 80 km và rộng 20 km ở phía Đông Bắc đảo Greenland.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Quốc gia Đan Mạch và Greenland cho biết họ đã dự đoán được sự nứt vỡ này từ trước. Thế nhưng, khi khối băng ấy vỡ ra, nó đã làm dậy sóng cả Bắc Băng Dương lẫn các mặt báo phương tây.
Sự tan chảy của các thềm băng ở Bắc Cực những năm gần đây được cho là minh chứng rõ nhất của quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra trên hành tinh. Nó thậm chí còn đóng góp vào sự gia tăng của mực nước biển trên toàn thế giới.
Một khối băng rộng hơn Paris tách khỏi Greenland
Tin xấu lần này đến từ một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Climate Change của Cơ quan Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland (GEUS). Hằng năm vào cuối mùa băng tan, GEUS đều thực hiện các cuộc khảo sát thềm băng lớn nhất Bắc Cực để theo dõi tốc độ tan chảy của nó.
Theo dữ liệu thu được từ năm 1999, diện tích thềm băng ở Greenland đã bị suy giảm 160 km vuông – gần gấp đôi so với đảo Manhattan ở New York. Tình hình thậm chí ngày một tệ dần đi khi chỉ trong vòng hai năm trở lại đây, mỗi năm có khoảng 50 km vuông băng tiếp tục tan chảy.
"Chúng tôi đang quan sát tốc độ tan chảy đang gia tăng trên thềm băng lớn nhất còn lại này", giáo sư Jason Box tại GEUS cho biết.
Hình ảnh vệ tinh mà Cơ quan Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland cung cấp cho thấy chỏm băng ở cửa sông Spalte, Greenland đã phá vỡ kết cấu của vịnh Nioghalvfjerdsfjorden nơi nước chảy từ đất liền vào Bắc Băng Dương:
Mặc dù các mảnh băng vỡ ra khỏi sông băng là điều bình thường - một quá trình chia tách được ví như thềm băng sinh con – nhưng kích thước của các tảng băng con bị vỡ ra thường không lớn như vậy. Tảng băng bị tách ra lần này ở vịnh Nioghalvfjerdsfjorden có kích thước lên tới 113 km vuông – rộng hơn cả thành phố Paris.
Từ boong của một con tàu săn băng thuộc đội GEUS, các nhà nghiên cứu có thể nhìn thấy khu vực từng là một khối băng dày giờ bị biến thành những lớp băng mềm xốp trượt xuống biển và nhấp nhô trên những đỉnh sóng.
Theo Jenny Turton, một nhà nghiên cứu tại Đại học Friedrich-Alexander Erlangen-Nurnberg của Đức, những đợt nắng nóng trong những năm gần đây chính là nguyên nhân gây khiến thềm băng ở Greenland bị chia tách mạnh.
"Vào mỗi mùa hè, nước từ thềm băng Greenland đổ xuống lưỡi của sông băng [Spalte] sẽ tạo thành dòng chảy sông và những miệng hố trên bề mặt của nó. Sau đó tới mùa đông, lượng nước bổ sung đóng băng lại sẽ tạo thêm áp lực lên lưỡi băng nổi, có thể dẫn đến hiện tượng chia tách", Turston giải thích trong nghiên cứu.
Các nhà khoa học cho biết sự kiện chia tách mới này cũng phản ánh sự phát triển của Zachariae, một dòng sông băng lân cận đó cũng đã sụp đổ xuống đại dương vào năm 2015.
Những kỷ lục tan chảy liên tục bị phá vỡ, nước biển sẽ dâng lên 10 cm vào cuối thế kỷ
Biến đổi khí hậu đang làm tăng nhiệt độ tại Bắc Cực trong những gần đây, khiến lớp băng rắn chắc bao phủ Bắc Băng Dương bị co hẹp đến mức thấp nghiêm trọng.
Theo các dữ liệu thu thập được, mùa hè năm 2020 sẽ là khoảng thời gian diện tích băng ở Bắc Cực bị thu hẹp đến mức thấp thứ hai trong vòng 4 thập kỷ. Nó cách không xa mức thấp kỷ lục 3,41 triệu km vuông vào tháng 9 năm 2012, sau khi thềm băng ở đây bị ảnh hưởng cơ học bởi một cơn bão xoáy vào cuối mùa.
Thế nhưng, nguyên nhân chính của hiện tượng tan chảy vẫn đến từ mức nhiệt độ liên tục tăng cao. Từ năm 1980, nhiệt độ trung bình ở Bắc Cực đã tăng lên khoảng 3 độ C và dự kiến đạt kỷ lục vào năm 2020. Các nhà khoa học dự đoán thậm chí nó có thể dẫn đến những mùa hè không có băng ở Bắc Cực.
"Cách đây không lâu, tôi nghe nói chúng ta sẽ có 100 năm để làm gì đó trước khi Bắc Cực không có băng vào mùa hè", nhà nghiên cứu Paul Ruzycki tại GEUS nói. "Sau đó, tôi nghe thấy con số 75 năm, 25 năm, và gần đây tôi nghe thì đã là 15 năm. Nó đang tăng tốc".
Giáo sư Jason Box cho biết thêm: "Nếu chúng ta tiếp tục phải chứng kiến nhiều mùa hè ấm áp hơn như chúng ta từng trải qua trong hai năm gần đây, nó sẽ góp phần nhiều hơn vào sự gia tăng nhanh chóng của mực nước biển toàn cầu".
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature vào tháng 12, sự tan chảy của lớp băng ở Greenland từ năm 1992 đến năm 2018 đã góp phần làm mực nước biển dâng thêm 1,1 cm.
Một nghiên cứu gần đây hơn của Đại học Lincoln ở Anh đã dự đoán băng tan ở Greenland có thể nâng mực nước biển từ 10 đến 12 cm vào năm 2100.
Phản ứng dây chuyền không thể dừng lại, Bắc Cực có mưa nhiều hơn tuyết
Kể từ năm 1980, khi công nghệ vệ tinh lần đầu tiên được ứng dụng để quan sát băng ở Bắc Cực, độ bao phủ tối thiểu của nó đã giảm 31%. Thềm băng ở đây cũng đã mất đi khoảng 2/3 khối lượng, vì phần lớn lớp băng dày tích tụ trong nhiều năm đã tan chảy từ lâu.
Sự biến mất của băng biển cũng hình thành một vòng xoáy không thể đảo ngược. Băng tan khiến những khu vực màu trắng phản xạ ánh mặt trời bị thay thế bằng nước biển sẫm màu. Chúng hấp thụ nhiều bức xạ mặt trời hơn, tiếp tục đẩy tốc độ ấm lên nhanh hơn.
Quá trình này được gọi là "khuyếch đại Bắc Cực", giúp giải thích tại sao trong suốt 4 thập kỷ qua, khu vực này luôn có tốc độ ấm lên nhanh gấp đôi so với phần còn lại của thế giới.
Một ngịch lý khác đóng góp vào tốc độ tan băng ở Bắc Cực đó là khu vực này ngày càng có nhiều mưa hơn những trận tuyết rơi. Mưa ăn sâu vào băng và khiến nó tan chảy mạnh mẽ hơn.
"Tất cả những điều đó sẽ khiến chúng ta không thể quay lại bất cứ cột mốc nào từ 30 đến 40 năm trước", nhà khí hậu học Julienne Stroeve tại Trung tâm Dữ liệu Băng và Tuyết Quốc gia ở Boulder, Colo cho biết.
Và khi biến đổi khí hậu tiếp tục, các nhà khoa học nói Bắc Cực sẽ vẫn là khu vực phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Tương lai của nó và các loài sinh vật ở đây đang là một biến số ngày càng khó lường và không thể dự đoán trước được.
Tổng hợp
Pháp luật và Bạn đọc