Một lệnh ‘cấm, buộc’ của tòa có nhiều tréo ngoe
TAND TP.HCM đã ban hành một quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “cấm, buộc” mà về chủ thể không có bên yêu cầu và bên bị áp dụng, về nội dung thì không phải buộc thực hiện hành vi mà là giao (chiếm) quyền sử dụng đất.
Số trước Pháp Luật TP.HCM có bài "Lệnh tòa làm dự án trăm triệu USD chới với" phản ánh việc TAND TP.HCM ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giao khu đất cho nguyên đơn tạm quản lý khu đất trong khi phía người liên quan đang thực hiện dự án. Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng do áp dụng luật không đúng nên TAND TP.HCM cần phải hủy bỏ quyết định trên để bên liên quan thi công dự án và tránh làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Không có đối tượng, hành vi cụ thể
Theo ThS luật Trần Văn Yên (Hội Luật gia TP.HCM), vụ này tòa vận dụng Điều 127 BLTTDS 2015 có nội dung cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định. Để áp dụng loại quyết định này thì phải có chứng cứ để chứng minh rằng việc VK Housing đang quản lý, xây dựng dự án trên khu đất là bất hợp pháp và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của HDTC hoặc việc giải quyết vụ án. Thế nhưng trong vụ này không có gì chứng minh cho việc này.
Chủ thể hành vi cấm thực hiện, buộc thực hiện hành vi nói chung là đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người liên quan) mà họ không có nghĩa vụ thực hiện nhưng lại đang thực hiện hay họ có nghĩa vụ phải thực hiện nhưng đang không thực hiện hành vi và có ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bên còn lại. Do vậy, trong mọi trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đều phải có một bên yêu cầu và một bên bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong vụ này hai chủ thể là một (vừa là bên yêu cầu vừa là bên bị áp dụng) là không hợp lý.
Việc tòa giao cho HDTC tạm quản lý khu đất chẳng khác nào ra quyết định giao quyền sử dụng đất (QSDĐ), nó không mang ý nghĩa của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Như vậy, về chủ thể không có bên yêu cầu và bên bị áp dụng, về nội dung thì không phải buộc thực hiện hành vi mà thực chất là giao (chiếm) QSDĐ.
Việc thi công dự án đang bị ngừng trệ vì quyết định của tòa. Ảnh: P.VÂN.
Đồng tình, luật sư (LS) Nguyễn Thế Cương (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng quyết định đã nêu của TAND TP.HCM làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của VK Housing. Bởi lẽ các tòa chỉ áp dụng Điều 127 khi có căn cứ cho thấy việc thực hiện hoặc không thực hiện hành vi làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Trong khi đó, việc Công ty VK Housing tiếp tục quản lý đất, đảm bảo tiến độ thi công không hề làm ảnh hưởng đến quan hệ tranh chấp.
"Các thành viên góp vốn tranh chấp với nhau, dù kết quả thế nào cũng không làm ảnh hưởng đến tài sản của người liên quan và việc thi công dự án. Ngược lại, một điều cần thiết cần làm đó là công trình phải được tiếp tục thi công. Theo tôi, tòa án cần phải xem xét, sớm hủy quyết định này để tránh những hệ lụy xấu không thể khắc phục" - LS Cương nói.
Diễn biến vụ án
Tháng 3-2017, TAND TP.HCM thụ lý vụ tranh chấp hợp đồng góp vốn giữa Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (gọi tắt là HDTC) với bị đơn là DWS Star Bridge Limited Liability Company (doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc, gọi tắt là DWS). Tòa xác định Công ty TNHH Quy hoạch và Phát triển nhà Việt Nam-Hàn Quốc (gọi tắt là VK Housing) là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Quan hệ tranh chấp của vụ án là tranh chấp giữa các thành viên góp vốn trong VK Housing. Theo đó, HDTC (góp vốn 20%) khởi kiện DWS (góp vốn 80%) với các yêu cầu: Không công nhận các hợp đồng chuyển nhượng vốn góp tại VK Housing giữa DWS với hai DN khác; hủy các giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký DN của VK Housing. Đến ngày 20-12-2017, thẩm phán thụ lý vụ án đã ký Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 298 có nội dung cho HDTC tạm quản lý khu đất theo yêu cầu của HDTC. Phía VK Housing khiếu nại yêu cầu hủy bỏ Quyết định 298 vì UBND TP.HCM đã giao cho công ty làm chủ đầu tư hợp pháp để thực hiện dự án khu nhà ở cao tầng The Mark trên khu đất này...
Cần sớm hủy bỏ để tránh nhiều hệ lụy
Đáng lưu ý là sau hai ngày kể từ khi tòa ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời , Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã thi hành nhưng cơ quan này cho biết việc thi hành án đang gặp khó và chấp hành viên phải xin ý kiến hướng dẫn.
ThS.LS Huỳnh Công Thư (Đoàn LS tỉnh Long An) cho rằng việc khó thi hành quyết định này là đúng. Lý do thứ nhất là tòa đang thụ lý quan hệ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng vốn. Đây là tranh chấp về "trái quyền", tức là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ dân sự chứ không phải tranh chấp "vật quyền", tức là tranh chấp QSDĐ với nội dung ai là chủ sử dụng. Việc tòa giao QSDĐ (vật quyền) cho nguyên đơn quản lý là không liên quan đến vụ quan hệ tranh chấp đã thụ lý.
Thứ hai, người liên quan là VK Housing đang nắm giữ tài sản là QSDĐ một cách ngay tình. Lẽ ra để giữ nguyên hiện trạng để giải quyết vụ án một cách hợp tình, hợp lý thì phải giao cho VK Housing tiếp tục quản lý cho đến khi giải quyết xong vụ án chứ sao lại giao cho nguyên đơn là người chỉ có 20% vốn góp và không đang nắm giữ tài sản? Hơn nữa, nội dung của Điều 127 chỉ là "cấm" và "buộc" thực hiện hành vi nhất định nhưng lại được tòa diễn dịch thành giao tài sản là không đúng. Tòa chỉ có thể cấm các bên không được chuyển nhượng phần vốn góp trong hợp đồng đang tranh chấp.
Thứ ba, bản chất của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là giữ nguyên hiện trạng, không gây khó khăn cho việc xét xử và bảo đảm thi hành án chứ không phải là giúp một bên đương sự được "cầm giữ" tài sản. Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp đã nêu của tòa như thể định hướng trước việc xét xử và đã xâm hại đến quyền lợi của đương sự khác trong khi QSDĐ và việc quản lý QSDĐ này không phải là đối tượng tranh chấp.
LS Thư nói: "Tòa cần thu hồi, hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã ban hành để dự án không bị ảnh hưởng tiến độ. Việc hủy bỏ cũng giúp phía người liên quan thi công dự án và không làm ảnh hưởng môi trường đầu tư. Mọi nghĩa vụ tiếp theo sẽ được bên liên quan thực hiện theo bản án có hiệu lực của tòa".
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn biến mới.
TAND TP.HCM chưa trả lời
Ngày 18-1, Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với Chánh án TAND TP.HCM Ung Thị Xuân Hương để làm rõ các vấn đề liên quan đến việc ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên. Bà Hương đã đề nghị PV gặp thẩm phán Đỗ Khắc Tuấn (Phó Chánh án TAND TP.HCM, cũng là người trực tiếp giải quyết vụ án). Khi PV gọi điện thoại cho thẩm phán Tuấn thì ông cho hay đang xác minh các vấn đề liên quan, trong vài ngày tới sẽ trả lời chính thức cho báo.
Pháp Luật TPHCM