Một lĩnh vực tại Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất Đông Nam Á
Lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí được đánh giá là thị trường đang trong quá trình phát triển hết sức mạnh mẽ với tiềm năng tăng trưởng cao tại Đông Nam Á.
- 26-06-2024Tăng lương phải kiểm soát lạm phát
- 26-06-2024Đà Nẵng chờ cơ hội lớn
- 26-06-2024Tiềm lực của 2 'đại gia' hàng đầu Trung Quốc sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực trăm tỷ USD ở Việt Nam
Tại buổi truyền thông Triển Lãm Quốc Tế: RHVAC, Phòng Sạch & Phụ Trợ Nhà Máy Công Nghệ Cao CLEANFACT & RHVAC 2024TS, TS. Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lạnh và Điều hòa Việt Nam nhận định, lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí là lĩnh vực rất lớn, đóng vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống từ văn phòng, nhà ở, thương mại, dịch vụ, y tế, công cộng đến các công trình công nghiệp và nhà máy công nghệ cao. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh của lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí cũng dẫn tới các thách thức về gia tăng tiêu thụ điện, tiêu hao năng lượng và phát thải khí nhà kính.
TS. Tạ Quang Ngọc cũng cho rằng, tại Việt Nam, lĩnh vực này cũng đang trong quá trình phát triển hết sức mạnh mẽ với tiềm năng tăng trưởng cao và là thị trường có tốc độ phát triển vào loại nhanh nhất Đông Nam Á. Đây là thị trường tiềm năng với sức phát triển đang rất nóng và rất cần sự liên kết. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nhiều cơ hội để các thương hiệu, doanh nghiệp kết nối, giao lưu.
Chung quan điểm đó, TS. Nguyễn Xuân Tiên, Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật Lạnh và Điều hòa Việt Nam nhận định, lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong tương lai.
TS. Nguyễn Xuân Tiên lý giải cho nhận định này. Đó là xuất phát từ đặc thù vị trí địa lý Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới nóng, ẩm. Thế nên, nhu cầu về làm lạnh cho ngành thủy sản và điều hòa không khí rất lớn.
"Có thể nói lạnh và điều hòa không khí đã xâm nhập vào tất cả các ngành trong nền kinh tế hiện nay, đặc biệt trong thời đại 4.0. Ngành thủy sản phải có lạnh mới xuất khẩu được các sản phẩm tôm cá. Ngành y phải có lạnh mới bảo quản được thuốc và vac xin. Ngành điện tử, tin học, lưu trữ dữ liệu phải có điều hòa duy trì nhiệt độ và độ ẩm cho máy móc làm việc. Và đặc biệt trong thời đại hiện nay, con người có nhu cầu về điều hòa rất lớn", TS. Nguyễn Xuân Tiên chia sẻ thêm.
Đánh giá sự phát triển rất mạnh của ngành lạnh và điều hòa không khí tại Việt Nam, song TS. Nguyễn Xuân Tiên thẳng thắn đánh giá, lĩnh vực này cũng đặt ra nhiều thách thức cho xã hội. Lượng điện năng tiêu thụ rất lớn. Trung bình trong các tòa nhà, khách sạn, lượng điện cho điều hòa chiếm từ 40 đến 60% lượng điện sử dụng chung, Hiện nay trên thế giới lượng điện tiêu tốn cho điều hòa chiếm từ 16 đến 20% tổng lượng điện tiêu thụ cho tất cả các ngành, Theo dự báo của các nhà khoa học, đến năm 2030 lượng điện sử dụng cho điều hòa có thể lên tới 30%.
Cũng theo TS. Nguyễn Xuân Tiên: "Môi chất lạnh phá hủy tầng ozone, gây nên hiệu ứng nhà kính, nóng lên của trái đất. Hiện nay, Chính phủ đã cấm sử dụng môi chất lạnh CFC, và tiến tới hạn chế sử dụng các môi chất HCFC. Các nhà khoa học đang tích cực tìm các môi chất mới để không phá hủy tầng ozone và không gây hiệu ứng nhà kính. Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tầng ozone và chống phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực điện lạnh đã được Quốc hội đưa vào các điều khoản cụ thể trong hai luật: Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Luật bảo vệ môi trường.
Đặc biệt chất lượng không khí cũng đang ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của chúng ta. Các chuyên gia, các hãng sản xuất đã tìm nhiều biện pháp kỹ thuật để giảm các ảnh hưởng không có lợi đó".
Triển Lãm Quốc Tế: RHVAC, Phòng Sạch & Phụ Trợ Nhà Máy Công Nghệ Cao CLEANFACT & RHVAC 2024 sẽ diễn ra vào tháng 11/2024 với mục tiêu nhằm giới thiệu các thành tựu mới, các sáng kiến, cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả của máy móc, thiết bị và các biện pháp mới khắc phục những mặt trái của ngành. Ngoài ra, trong triển lãm còn tổ chức các hội thảo chuyên ngành, là nơi đổi nhiều vấn đề chuyên sâu của ngành cũng như các ý tưởng mới đóng góp cho phát triển chung.
Nhịp sống kinh tế