MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một loại thuế cao ngất ngưởng khiến nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á “thất thoát” lượng người giàu có cao thứ bảy trên thế giới

25-12-2023 - 20:45 PM | Tài chính quốc tế

Một loại thuế cao ngất ngưởng khiến nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á “thất thoát” lượng người giàu có cao thứ bảy trên thế giới

Đã có khoảng 800 người Hàn Quốc sở hữu tài sản ròng trị giá 1 triệu USD trở lên di cư ra nước ngoài tính đến giữa tháng 6 năm nay.

Mức thuế thừa kế cao rõ ràng đang thúc đẩy nhiều người Hàn Quốc giàu có chuyển đến sống ở những nước có các quy định dễ thở hơn.

Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á này đứng thứ hai trong khối OECD, chỉ sau Nhật Bản, về mức thuế thừa kế. Thuế thừa kế tối đa ở Hàn Quốc là 50%, so với 55% của Nhật Bản và mức trung bình của OECD là 25%.

Một cuộc khảo sát do Henley & Partners, một công ty tư vấn di cư đầu tư có trụ sở tại London, ước tính Hàn Quốc đứng thứ bảy trong danh sách nhưng nơi chứng kiến số lượng người giàu có di cư nhiều nhất trong năm nay.

Báo cáo ước tính đã có khoảng 800 người Hàn Quốc sở hữu tài sản ròng trị giá 1 triệu USD trở lên đã di cư ra nước ngoài tính đến giữa tháng 6 năm nay, tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Trích dẫn cuộc khảo sát của Henley & Partners và dữ liệu của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc năm 2022, các nguồn tin trong ngành cho biết Hàn Quốc được xếp hạng số 1 nếu cuộc khảo sát tập trung vào tỷ lệ người di cư giàu có trên tổng dân số.

Các nguồn tin cũng chỉ ra rằng các cá nhân giàu có của Hàn Quốc đang chuyển đến Mỹ, Canada và Australia – những nơi có chính sách thuế đối với tài sản thừa kế nhẹ nhàng hơn so với Hàn Quốc. Mỹ áp dụng thuế thừa kế ở mức 40%, trong khi ở Canada hoặc Australia không có loại thuế này.

Tập đoàn Luật Di trú Dae Yang, một công ty luật chuyên về di cư theo hình thức đầu tư, cho biết: “Những người Hàn Quốc giàu có có kế hoạch chuyển đến các nước đó tất nhiên sẽ không tuyên bố thuế thừa kế cao là nguyên nhân khiến họ di cư. Nhưng rõ ràng là họ không hài lòng với việc chính phủ nắm giữ một lượng lớn tài sản của họ và do đó muốn ‘bảo vệ’ nó bằng cách chuyển ra nước ngoài.”

Công ty luật này đề cập đến một cuộc khảo sát do Liên đoàn Doanh nghiệp Hàn Quốc (KEF) thực hiện trong năm nay với 140 CEO khởi nghiệp mạo hiểm Hàn Quốc ở độ tuổi 30-40.

Khoảng 43,6% số người được hỏi cho rằng thuế thừa kế nên được bãi bỏ và thay thế bằng thuế lãi vốn. Trong số những người được hỏi, 41,4% cho rằng thuế thừa kế nên giảm xuống mức trung bình của OECD.

Chỉ 9,3% cho rằng mức thuế thừa kế tối đa hiện tại là 50% của Hàn Quốc là phù hợp, trong khi 4,3% khác cho rằng cần tăng mức thuế này để ngăn chặn việc chuyển nhượng tài sản không được kiểm soát và giảm bớt bất bình đẳng.

Theo Bloomberg, nhà Samsung – gia tộc giàu nhất Hàn Quốc hồi tháng 6 đã tăng các khoản vay thế chấp bằng cổ phiếu của mình lên khoảng 3 tỷ USD. Đây được cho là động thái nhằm thanh toán khoản thuế thừa kế lên tới gần 10 tỷ USD và duy trì quyền lực tại “đế chế” Samsung.

Các khoản vay nói trên của nhà Samsung đã tăng gần gấp 4 lần so với thời điểm cuối năm 2021. Đó cũng là năm ông Lee Jae-yong và gia đình thông báo sẽ nộp khoản thuế thừa kế khổng lồ lên tới hơn 12.000 tỷ Won (9,2 tỷ USD) làm 6 đợt trong vòng 5 năm sau khi cha ông Lee là ông Lee Kun-hee - chủ tịch lâu năm của tập đoàn Samsung - qua đời vào cuối năm 2020.

Tham khảo: Korea Times

Yến Nguyễn

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên