Một mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu tăng đột biến, cao nhất từ trước đến nay, Trung Quốc ồ ạt thu gom
Hình minh họa
Xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc tăng mạnh, bình quân giá cao nhất trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
- 23-04-2023Từng thất bại 4 lần, PepsiCo quyết tung ra ‘át chủ bài’ đối đầu trực diện với mặt hàng ‘hot’ của Coca: Ngành công nghiệp 400 tỷ USD sắp bùng cuộc chiến mới hay chỉ là sự ảo tưởng của Pepsi?
- 22-04-2023Thời buổi "người khôn, của khó", GenZ nên đổ tiền vào đâu để trẻ mà giàu?
- 22-04-2023Tại sao Fed ‘ngồi một chỗ’ điều chỉnh lãi suất nhưng có thể tác động mạnh đến toàn thế giới?
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa trong tháng 3/2023 của Việt Nam đạt 29,7 tỷ USD, tăng 14% với 41/45 nhóm hàng có trị giá tăng so với tháng trước. Với kết quả này, quy mô hàng hóa xuất khẩu trong tháng tăng 3,66 tỷ USD so với tháng trước.
Tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý 1 năm 2023 là 79,3 tỷ USD, giảm 11,8% và có 34/45 nhóm hàng giảm so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,87 tỷ USD; dệt may giảm 1,54 tỷ USD; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,23 tỷ USD; gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 1,21 tỷ USD; giày dép các loại giảm 969 triệu USD; thủy sản giảm 685 triệu USD; sắt thép các loại giảm 572 triệu USD; xơ sợi dệt các loại giảm 506 triệu USD. Tính chung, trị giá xuất khẩu của 8 nhóm hàng này giảm tới 8,58 tỷ USD, bằng 81% mức giảm trị giá xuất khẩu của cả nước.
Bên cạnh những nhóm hàng giảm mạnh thì một mặt hàng chủ lực của Việt Nam lại tăng cao đột biến. Cụ thể, tháng 3/2023, xuất khẩu nhóm hàng gạo đạt 962 nghìn tấn, trị giá là 509 triệu USD, tăng mạnh 79,9% về lượng và tăng 77,9% về trị giá so với tháng trước. Đây là tháng xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất từ trước tới nay.
Tính chung trong quý 1/2023, cả nước xuất khẩu 1,85 triệu tấn gạo với trị giá 981 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Lượng gạo trong quý 1/2023 chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường như ASEAN với 1,17 triệu tấn, tăng 46,4% và Trung Quốc với 340 nghìn tấn, tăng 90,7% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam là một trong 3 quốc gia sản xuất và xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới. Mỗi năm, nước ta sản xuất 43 - 44 triệu tấn lúa, tương đương 22 - 23 triệu tấn gạo.
Trung Quốc là thị trường truyền thống với nhu cầu tiêu thụ rất cao đối với nông sản Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ, năm 2022, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 432,3 triệu USD, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường Trung Quốc mỗi năm cần nhập khẩu tới 5 triệu tấn gạo nhưng có đến 90% là gạo thường, phổ thông và chỉ có vài % là gạo cao cấp.
Từ cuối tháng 3 vừa qua, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Trung Quốc đã cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) trở thành địa điểm đủ điều kiện nhập khẩu lương thực vào Trung Quốc... Hiện tại có khoảng 22 doanh nghiệp Việt Nam đang được cấp phép xuất gạo chính ngạch vào Trung Quốc.
Để được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp phải đảm bảo đầy đủ thông tin theo quy định, chứng minh đầy đủ thành phần hồ sơ liên quan đến công đoạn sản xuất ngoài đồng ruộng đến thu hoạch, sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm HACCP.
Giá gạo xuất khẩu bình quân ba tháng đầu năm 2023 ước đạt 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giá xuất khẩu gạo bình quân cao nhất trong vòng 10 năm qua. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân sang thị trường Trung Quốc đạt 589 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc cũng là thị trường có mức giá bình quân của mặt hàng này cao nhất trong 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp, hiện khách hàng Trung Quốc đã trở nên khó tính, chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm cao cấp như gạo thơm và gạo nếp. Điều này khiến giá gạo xuất khẩu bình quân vào thị trường này tăng mạnh. Bên cạnh đó, các loại gạo phổ thông và tấm của Việt Nam giá khá cao nên các thương nhân Trung Quốc chuyển sang các nguồn cung khác.
Cùng với đó, đánh giá của nhiều doanh nghiệp cho hay, thương nhân Trung Quốc không thích gạo thuần giống, đóng bao 2 kg, 5 kg để đưa lên kệ hàng bán lẻ luôn mà đặt mua gạo bao lớn 25 - 50 kg rồi đưa về kho phối trộn theo công thức riêng trước khi đưa ra bán lẻ nên các doanh nghiệp Việt muốn làm thương hiệu tại thị trường này cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: "Việc các nước đang mở rộng nhu cầu mua, đặc biệt là thị trường truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Philipines cũng sẽ giúp cho chúng ta có thể đảm bảo được lượng gạo xuất khẩu năm nay, phấn đấu đạt lượng xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn".
Nhịp sống thị trường