Một ngày bình thường của huyền thoại sống Jazz Việt Nam: 'Cả đời tôi phấn đấu vì nhạc Jazz'
Vì tình yêu bất diệt với nhạc Jazz, huyền thoại sống Quyền Văn Minh biểu diễn, sáng tác và giảng dạy 20/24 giờ mỗi ngày để nuôi dưỡng đam mê của mình. Ông luôn tâm huyết tạo nên một dòng nhạc Jazz mang bản sắc riêng của Việt Nam, xã hội hóa nhạc Jazz với công chúng. "Tôi muốn mọi người thích jazz, muốn nghe jazz không cần phải quá nhiều tiền, chỉ cần một ly cà phê và sự say mê với nhạc Jazz".
- 12-01-2018Saxophone Quyền Văn Minh: Từ cậu thiếu niên học Jazz bằng băng cassette đến “Huyền thoại sống Jazz Việt Nam”
- 09-01-2018Điểm mặt những gia đình “quyền lực” nhất làng thời trang thế giới
Được mệnh danh là huyền thoại sống của nhạc Jazz Việt Nam, nghệ sĩ ưu tú Quyền Văn Minh dành trọn cuộc đời để "sống và yêu" nhạc Jazz: "Tôi sẽ còn tiếp tục chơi jazz thật lâu. Các bạn thấy đấy, các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới hơn 80 tuổi vẫn chơi jazz tốt, huống chi tôi mới ngoài 60".
Gắn bó với kiểu âm nhạc đặc biệt và kén người nghe, nghệ sĩ Quyền Văn Minh có cuộc sống không thảnh thơi. Không dư dả kinh tế, điều ông mong muốn là trở thành một nhạc sĩ chơi Jazz đích thực thích hơn là một người giàu có. "Cuộc sống phải có tiền, nhưng một ngày cũng chỉ ăn ba bữa cơm, hãy làm sao để cuộc sống phong phú. Cả đời tôi phấn đấu vì nhạc Jazz thì đứa con trai của tôi phải tiếp tục con đường tôi đi. Như thế có phải là đẹp cho một dòng họ, một ngành nghề không?"- ông tự hào nói.
Ở câu lạc bộ Jazz của nghệ sĩ, không ngày nào vắng tiếng nhạc Jazz. Bất kể nắng mưa, các nghệ sĩ đều cống hiến phục vụ khán giả. Ông tạo điều kiện để những sinh viên của mình có môi trường để chơi nhạc, để thể hiện đam mê và đó cũng chính là nơi ông "sống với tình yêu Jazz" của đời mình.
Cuộc sống hàng ngày của ông diễn ra thế nào ?
Mỗi sáng, tôi thường thức dậy sớm và đi bộ vài vòng 10-15 phút. Sau đó, tôi lên đường đi dạy ở nhạc viện Hà Nội. Tôi không quá nghiêm khắc với sinh viên về giờ giấc nhưng lại nghiêm khắc với bản thân mình. Dù thế nào, tôi luôn cố gắng để lên lớp đúng lịch hẹn với sinh viên.
Với tôi, lớp học cũng như một gia đình. Thầy trò có mối liên hệ thực sự với nhau. Thương trò nhưng thầy cũng hết sức nghiêm khắc với từng sinh viên. Có những lần tôi cùng sinh viên tập cho tới khi đạt yêu cầu mới được nghỉ. Mỗi sinh viên được tôi áp dụng một giáo án khác nhau, mềm dẻo và linh hoạt.
Hành trang mỗi ngày của ông khi đến giảng đường là gì?
Một ngày bình thường của huyền thoại sống nhạc Jazz Việt Nam
Nhà thơ xưa lên đường với “bầu rượu, túi thơ”, còn tôi luôn mang theo mình quyển sách và miệng kèn của mình. Lúc nào tôi cũng mang theo trong túi miệng thổi để có thể sử dụng kèn của sinh viên.
Mình là nghệ sĩ biểu diễn nên nhạc cụ đương nhiên phải tốt. Nhiều sinh viên nghĩ rằng, thầy thổi hay vì kèn của thầy tốt hơn. Tôi sẽ chơi nhạc bằng chính kèn của sinh viên để chứng minh rằng, dù kèn nào thì cũng có thể chơi nhạc tốt. Ngày xưa điều kiện khó khăn mà tôi vẫn có thể học được kèn.
Sách cũng là thứ không thể thiếu được. Dù có rất nhiều kinh nghiệm nhưng với mỗi học trò tôi phải có cách truyền đạt kiến thức khác nhau và sách chứa đựng những điều hay hơn mà tôi dạy cho sinh viên.
Tôi nghĩ, mình buộc phải chứng minh kèn saxophone là một loại nhạc cụ nghiêm túc và chơi âm nhạc Việt Nam với những tác phẩm có tầm cỡ.
Jazz Club do ông mở cửa nhiều lần mở cửa, rồi lại đóng. Khách ruột của Bình Minh’s Jazz Club hiện nay có nhiều người Việt Nam không?
Khách ruột của Bình Minh’s Jazz Club là người nước ngoài. Họ thích nhạc Jazz và họ muốn kiểm nghiệm nhạc Jazz ở Việt Nam. Bình Minh’s Jazz Club có 4 ban nhạc chơi trong suốt 7 ngày của tuần. Mỗi tối có 1 kiểu khác nhau.
Có những người khách đến nghe cả 7 tối để chọn xem ban nhạc nào chơi hay nhất. Nhưng rồi tuần sau, họ lại tiếp tục đến vì tối nào ban nhạc chơi cũng hay. Đó là những người thích tìm hiểu Jazz.
Còn khán giả Việt Nam, tôi có vài người bạn thích nhạc Jazz, đôi khi, họ chỉ đến nghe xong 1 tiếng rồi nghỉ bởi khi nghe một dòng âm nhạc mới mẻ, anh cũng hơi căng thẳng, khó thẩm thấu và thông thường ở quán bar, khi ngồi uống người ta thích nói chuyện hơn.
Nhạc Jazz còn mới đối với nhiều người Việt, thôi thì ta cứ chấp nhận vậy đi rồi dần dần cũng sẽ có những khách ruột.
Tôi rất tự hào vì khách nước ngoài trân trọng thực sự nhạc Jazz ở Việt Nam. Bởi đất nước mình đã trải qua 2 cuộc chiến tranh, mà mình chơi dòng âm nhạc nổi tiếng của thế giới. Ngay cả những nhạc sĩ nổi tiếng thế giới như Herbie Hancock (người từng đạt 15 giải Grammy), khi gặp tôi, cũng có tiếng nói chung, tôn trọng nhau. Tôi tự hào là một người chơi âm nhạc Việt Nam.
Điều quan trọng nhất ở tinh thần nhạc Jazz là gì?
Tinh thần của nhạc Jazz là sự ngẫu hứng. Nó chính là chính tâm trạng của người nghệ sĩ đang chơi bản nhạc ngay tại lúc đó. Vì thế khán giả không bao giờ chán được.
Tôi chắc rằng, tương lai sẽ rất nhiều người nghe Jazz. Món ăn nào người ta ăn nhiều cũng chán nhưng âm nhạc Jazz thì không. Mặc dù một bài rất cũ nhưng mỗi người lại chơi theo một cách khác nhau.
Tinh thần ngẫu hứng xuất phát từ cảm hứng. Cùng một bản nhạc nhưng, ghita có cách ngẫu hứng riêng, kèn chơi theo cách của kèn… Nhưng khi kết hợp với nhau, các nhạc công sẽ phải kiểm soát để các âm nhạc hòa quyện vào. Mỗi một bản nhạc sẽ được hòa quyện với chính tâm trạng của người nghệ sĩ.