MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một nhà hàng Nhật Bản tại Hà Nội phục vụ tía tô xanh 700 đồng/lá, Sashimi gần 5 triệu đồng/set

20-11-2017 - 21:23 PM | Doanh nghiệp

Định vị phân khúc trung lưu với món ăn “chuẩn Nhật”, cá tươi bay từ chợ Tsukiji của Nhật Bản về trong vòng 24h, Hatoyama là nhà hàng thứ 8 của ông Đinh Minh – cựu du học sinh Nga – cùng cộng sự bên cạnh chuỗi nhà hàng Thế giới Hải sản và Dê ré Song Dương.

Cách đây ít tháng, những chiếc lá tía tô xanh Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật với giá 700 đồng/lá gây xôn xao dư luận.

Mới đây, một nhà hàng Nhật Bản mới khai trương đã phục vụ thực khách những chiếc lá tía tô xanh để dùng kèm với các set Sashimi có mức giá từ 1,5 – 5 triệu đồng/set.

Những lá tía tô xanh được phục vụ kèm món Sashimi.

“Chúng tôi phục vụ đối tượng khách hàng từ trung lưu trở lên. Tôi cho rằng thị trường này còn khoảng trống chứ chưa thực sự là ‘đại dương đỏ’”, TS. Đinh Minh – Chủ tịch HĐQT MiGroup, đơn vị sở hữu các chuỗi nhà hàng siêu thị Thế giới Hải sản và nhà hàng Dê ré Song dương – cho biết.

Ẩm thực Nhật Bản là trend kinh doanh đang lên với những thương hiệu nổi trội như chuỗi cửa hàng Isushi và Daruma (tổng 14 cửa hàng, trực thuộc Golden Gate), Sushikei (5 cửa hàng, của Redsun ITI), Tokyo Deli (18 cửa hàng, hợp tác bởi Công ty Okamura Foods – Japan và CTCP Thực phẩm Trung Sơn).

Đối tượng khách hàng các chuỗi này nhắm tới thường là bạn bè, cặp đôi, hoặc gia đình, với chi tiêu trung bình ở mức 150.000 – 300.000 đồng/người.

Điều khác biệt dễ thấy ở những nhà hàng Nhật Bản có mức giá trung bình là những lá tía tô ăn kèm với Sashimi ở những nhà hàng này là lá tía tô tím – mặt trên xanh, mặt dưới tím – của Việt Nam.

hatoyama-nha-hang-nhat-tia-to-xanh-3

“Nhật Bản không có lá tía tô tím, hay còn gọi là tía tô đỏ”, ông Minh cho biết.

“Chúng tôi cũng đang đàm phán để nhập loại tía tô xanh giá 700 đồng/lá để đưa về Việt Nam. Việc nhập loại tía tô này để minh chứng cho lý do đầu tiên khách hàng sẽ quay lại Hatoyama – đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở mức cao nhất”.

Lá tía tô xanh “chuẩn Nhật” để ăn kèm với Sashimi luôn được trồng với quy trình nghiêm ngặt, hạn chế tối đa sự can thiệp của hóa chất, vậy nên việc bắt côn trùng, sâu bọ nhỏ cũng được làm thủ công thông qua đèn bắt.

Những lá tía tô xanh cửa hàng đang dùng chưa phải loại cao cấp nhất – có giá 700 đồng/lá nói trên.

Làm ngành F&B, không quan trọng bạn là ai, mà quan trọng là cảm giác của thực khách có muốn đến và quay trở lại hay không!

“Trong kinh doanh nhà hàng , vị trí là điểm rất quan trọng. Khi nói tới địa điểm đấy nằm ở đâu, không quan trọng bạn là ai, bạn đem lại lợi ích gì cho thực khách, nhưng cảm giác người ta có muốn đến đây và quay trở lại hay không rất quan trọng. Rõ ràng, đi ăn nhà hàng Nhật ở ngay ĐSQ Nhật Bản là điều khiến người ta ít nhất là không có cảm xúc tiêu cực về vị trí”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, điểm cốt lõi mà khách hàng sẽ đến và quay lại cửa hàng này chính là mong muốn được thưởng thức những món ăn của Nhật đảm bảo chất lượng cao, thể hiện ở Nguyên liệu, Đầu bếp, và Chất lượng dịch vụ.

“Món Nhật chất lượng cao đồng nghĩa với việc nguồn nguyên liệu chất lượng cao. Chúng tôi đưa hải sản của Nhật đánh bắt từ biển về đây trong vòng 24h. Có nguyên liệu chất lượng cao thì đầu bếp phải đủ tầm để nấu những món ăn ngon ấy. Đầu bếp của chúng tôi là Kyo Nguyen - từng phục vụ cựu Thủ tướng Nhật Hatoyama Yukio”, ông Minh nói.

Những con cá ở biển Hokkaido và chợ Tsukiji được đánh bắt và giết mổ tại Nhật, theo kỹ thuật của Nhật, sau đó “đi” máy bay 4-5 tiếng về đến Hà Nội, giữ lạnh theo nhiệt độ tiêu chuẩn của thực phẩm tươi ở mức 2 độ C để phục vụ thực khách.

Ngay cả khi đã “lên bàn”, những miếng Sashimi vẫn được đặt trên những bát đá để giữ được độ tươi cho đến khi thực khách đưa thức ăn vào miệng.

Sashimi thường là những món ăn đắt nhất tại các nhà hàng Nhật Bản. Sashimi ở đây có giá từ 1,5 - 5 triệu đồng/set.

Bên cạnh đó, nhà hàng được bổ sung thế mạnh từ người “anh em” Thế giới Hải sản: nguồn hải sản đang bơi chất lượng loại 1 như Tôm hùm bông Nha Trang, Cá bơn oliver, Kingcrab, cá hồi Na Uy…

“Chất lượng cao còn thể hiện trong dịch vụ. Triết lý của chúng tôi là “Love and Fresh”. Love là chúng tôi mở Hatoyama vì tình yêu với ngành ẩm thực , chúng tôi yêu và trân trọng thực khách của mình. Thực khách đến đây được đối xử, phục vụ bằng tình yêu. Còn Fresh là cam kết hải sản thực sự fresh (tươi) theo đúng nghĩa”, ông Minh cho biết.

CTCP Đầu Tư Và Thương Mại MiGroup được thành lập năm 2013, với hai thương hiệu ẩm thực Nhà hàng siêu thị Thế Giới Hải Sản và Nhà hàng đặc sản Dê ré Song Dương. Hiện Thế giới Hải sản có 5 cơ sở tại Hà Nội và TPHCM, Dê ré Song Dương hợp tác cùng ca sỹ Trọng Tấn đã có 2 cơ sở và chuẩn bị khai trương cơ sở thứ 3.

- Tại sao ông lại nhắm tới phân khúc trung lưu, khi ở Việt Nam, 500.000 – 700.000 đồng/bữa ăn vẫn là câu chuyện xa xỉ?

- Mục đích của tôi là làm cầu nối văn hóa về ẩm thực giữa Nhật Bản và Việt Nam, thì phải tiến tới sản phẩm chất lượng cao. Khi tiến tới chất lượng cao thì giá bán phải tương xứng.

Thực ra, 500.000 – 700.000 đồng/bữa ăn cũng không phải những gì xa hoa, đắt đỏ với người tiêu dùng. Chúng ta thường nghe tới chuyện Dubai có một khúc kem trị giá 5 tỷ đồng chẳng hạn, hay có 1 món ăn gì đó trị giá cả tỷ đồng.

Đến một lúc nào đó ở Việt Nam có bát phở trị giá 1 triệu đồng hay 5 triệu đồng, hay có món hải sản nào đó trị giá 20 triệu đồng, tôi cũng nghĩ đó không phải điều gì lạ.

Theo Bảo Bảo

Trí thức trẻ

Trở lên trên