Một nước có núi "vàng trắng" khổng lồ được cả thế giới khao khát nhưng chưa thành công, chỉ Trung Quốc nhìn thấy tiềm năng
Với ngành công nghiệp sản xuất pin EV thống trị toàn cầu, nhu cầu lithium của Trung Quốc là lớn nhất thế giới.
Tại lễ ký kết thỏa thuận giữa công ty lithium nhà nước của Bolivia và gã khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất pin của Trung Quốc Contemporary Amperex Technology Ltd. (CATL) ngày 20/1/2023, Tổng thống Bolivian Luis Alberto Arce Catacora tuyên bố: “Hôm nay là một ngày lịch sử".
Bolivia có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới
Những phát biểu của Tổng thống Bolivia rất có ý nghĩa đối với một quốc gia đang nỗ lực tận dụng một trong những nguồn tài nguyên được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới.
Trong 3 năm qua, giá nguyên liệu thô quan trọng này trong pin xe điện đã tăng gấp 10 lần.
Tính đến tháng 6 năm ngoái, 4 trong 6 công ty Trung Quốc đã vượt qua vòng đánh giá kỹ thuật và hiện đang trong quá trình tiến hành đánh giá năng lực đầu tư và nghiên cứu tiền khả thi của dự án. Hai công ty còn lại đến từ Mỹ và Nga.
Không khó giải thích vì sao các công ty Trung Quốc lại quan tâm đến trữ lượng lithium của Bolivia. Là quê hương của ngành công nghiệp sản xuất pin EV thống trị toàn cầu, nhu cầu lithium của Trung Quốc là lớn nhất thế giới.
Bolovia được cho là có trữ lượng lithium lớn nhất trên thế giới. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trữ lượng lithium của Bolivia chiếm 23,6% tổng trữ lượng của thế giới.
Trữ lượng lithium trên toàn thế giới là 89 triệu tấn vào năm 2021, với 21 triệu tấn ở Bolivia, 19 triệu tấn ở Argentina và 9,8 triệu tấn ở Chile. Ba quốc gia châu Mỹ này sở hữu một nửa số lithium toàn cầu.
Lợi thế của các công ty Trung Quốc
Tuy nhiên, Bolivia vẫn chưa thể trở thành một nhà cung cấp toàn cầu quan trọng. Chưa có nhiều dự án hợp tác với nước ngoài thành công ở quốc gia châu Mỹ này.
Năm 2018, một dự án chung giữa Bolivia và Đức đã bị đình chỉ một năm sau khi bắt đầu. Vào tháng 2/2019, công ty Tân Cương TBEA Group của Trung Quốc đã ký một thỏa thuận chiến lược với tập đoàn lithium nhà nước của Bolivia nhưng dự án bị đình chỉ vào cuối năm.
Có nhiều lý do giải thích cho điều này, bao gồm yếu tố địa lý, lịch sử và mật độ dự trữ tương đối thấp, đòi hỏi công nghệ khai thác tiên tiến để đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường của chính phủ Bolivia.
Về mặt lịch sử, từng là nơi xuất xứ quặng mỏ bạc làm giàu cho Đế chế Tây Ban Nha, nên người dân Bolivia vẫn dè chừng với các hoạt động khai thác của nước ngoài.
Trong khi đó, địa lý của Bolivia khiến việc khai thác trở thành một thách thức ở nước này. Ví dụ, khu vực khai thác Uyuni nằm ở nơi hẻo lánh, không có đủ đường sá hoặc khả năng tiếp cận với nước và điện để hỗ trợ khai thác trên quy mô lớn.
Đây là lý do tại sao tập đoàn do CATL dẫn đầu đầu tư vào Bolivia bắt đầu bằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, theo trang Caixin (Trung Quốc), các công ty Trung Quốc có kinh nghiệm có thể sẽ hữu ích trong việc phát triển công nghệ khai thác của Bolivia.
Liu Chenglin, giáo sư tại Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc ở Vũ Hán, cho biết họ đã và đang phát triển hồ Thanh Hải ở tây bắc Trung Quốc, nơi có chất lượng dự trữ lithium thấp hơn so với ở Bolivia.
Điều này đã khiến các công ty Trung Quốc đạt được những tiến bộ trong công nghệ khai thác lithium của họ.
Phương pháp lắng đọng và phơi nắng truyền thống mất từ 18 đến 24 tháng để sản xuất lithium cacbonat, lâu hơn nhiều so với quá trình khai thác đá cứng.
Tuy nhiên, công nghệ khai thác trực tiếp mới nhất không đòi hỏi tốn nhiều thời gian trong quá trình phơi nắng và lắng đọng - theo Lin Daoyong, một người có thâm niên 20 năm trong ngành và là tổng giám đốc của Shanghai Yiding New Material Co.
Các nguồn tin cho biết loại công nghệ này sẽ được sử dụng ở Bolivia.
Nhịp sống thị trường