Một quốc gia châu Á thu hút nhiều 'ông lớn' công nghệ đầu tư mạnh tay
Nhiều công ty bán dẫn hàng đầu của Mỹ đã dành nhiều lời khen ngợi cho lĩnh vực công nghệ của Ấn Độ.
- 29-07-2023Người Ấn Độ bất ngờ đổ xô đi tích trữ gạo sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận lớn: Chuyện gì đang xảy ra?
- 23-07-2023Ấn Độ tham vọng xuất khẩu điện sang Đông Nam Á
- 21-07-2023Ấn Độ vừa chính thức cấm xuất khẩu gạo: Giảm nguồn cung, hoang mang bao trùm và làn sóng đầu cơ có thể khiến giá tăng kỷ lục
Theo trang CNBC, các giám đốc điều hành của một số công ty bán dẫn hàng đầu Mỹ đã dành nhiều lời khen ngợi cho lĩnh vực công nghệ của Ấn Độ tại sự kiện công nghệ SemiconIndia diễn ra vào cuối tuần qua trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới muốn định vị mình là một cường quốc chip toàn cầu.
"Lần đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ, nước này hội tụ nhiều lợi thế từ địa chính trị, chính sách nhà nước và năng lực của khu vực tư nhân hướng tới trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn. Năm 2023 sẽ đánh dấu là một năm quan trọng khi mọi thứ bắt đầu hình thành và phát triển trong lĩnh vực công nghệ", Ajit Manocha, Giám đốc điều hành của công ty công nghiệp SEMI có trụ sở tại Mỹ cho biết.
Sự kiện với sự góp mặt của nhiều công ty chip hàng đầu thế giới này đã cho thấy tham vọng trở thành một trung tâm trọng điểm về chất bán dẫn của Ấn Độ - bên cạnh Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Ấn Độ vươn lên trở thành siêu cường chip bán dẫn
Chiến lược phát triển chip bán dẫn của Ấn Độ tập trung vào hai mục tiêu chính. Đầu tiên là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động và đầu tư tại nước này. Và thứ hai là hình thành liên minh với các quốc gia bán dẫn quan trọng khác như Mỹ.
New Delhi gần đây đã đưa ra các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực bán dẫn. Vào tháng 12 năm ngoái, chính phủ đã "bật đèn xanh" cho kế hoạch khuyến khích trị giá 10 tỷ USD dành cho ngành công nghiệp bán dẫn. Điều này đã thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Tháng trước, Thủ tướng Ấn Độ Modi cũng đã đến thăm Mỹ, nhấn mạnh rằng Ấn Độ sẽ hợp tác với Mỹ về chất bán dẫn và các lĩnh vực khác.
Tại sự kiện SemiconIndia, các công ty chip của Mỹ đã tham dự và công bố những khoản đầu tư mới.
Nhà sản xuất linh kiện bán dẫn tích hợp có trụ sở tại Mỹ (AMD) cho biết có kế hoạch đầu tư khoảng 400 triệu USD vào Ấn Độ trong 5 năm tới, trong đó có dự án xây cơ sở mới ở Bangalore (Ấn Độ) - nơi sẽ trung tâm thiết kế lớn nhất của công ty.
"Các công ty Ấn Độ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc phát triển công nghệ AI cũng như hỗ trợ phần cứng và phần mềm", ông Mark Papermaster của AMD khẳng định.
Bên cạnh đó, trong tháng 7, một số công ty của Mỹ cũng đã công bố kế hoạch thành lập cơ sở thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn ở bang Gujarat ở Ấn Độ. Công ty Micron cũng đã công bố kế hoạch thành lập một cơ sở thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn ở đây. Khoản đầu tư của Micron sẽ có tổng trị giá lên tới 825 triệu USD.
"Chúng tôi hy vọng rằng khoản đầu tư này sẽ thúc đẩy các khoản đầu tư khác trong lĩnh vực này, tăng cường năng lực sản xuất bản địa, khuyến khích đổi mới và hỗ trợ tạo việc làm rộng rãi hơn", ông Sanjay Mehrotra, Giám đốc điều hành của Micron nhấn mạnh.
Vượt lên nhiều thách thức
Trong vài năm qua, tập đoàn Foxconn đã đẩy mạnh sang lĩnh vực bán dẫn. Foxconn đã liên doanh với tập đoàn kim loại dầu Vedanta của Ấn Độ để thành lập nhà máy sản xuất chất bán dẫn và màn hình ở Ấn Độ với giá trị đầu tư lên tới 19,5 tỷ USD. Tuy nhiên, Foxconn đã rút khỏi liên doanh trong tháng này, ảnh hưởng phần nào vào tham vọng chất bán dẫn của Ấn Độ.
Theo Pranay Kotasthane, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Takshashila có trụ sở tại Ấn Độ, lĩnh vực mà Ấn Độ có thể hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài là đóng gói và thử nghiệm chất bán dẫn. Công việc này cũng chỉ yêu cầu lao động có kỹ năng tương đối thấp nhưng đầu tư vốn cao, điều mà Ấn Độ có thể có. Tuy nhiên, không có công ty lớn nào của Đài Loan (Trung Quốc) trong phân khúc thị trường này tiếp cận Ấn Độ.
"Việc thiếu nhất quán về chính sách và thuế nhập khẩu cao có thể là những nút thắt có thể giải thích tại sao các công ty Đài Loan (Trung Quốc) không tập trung ở đây," ông Kotasthane nói.
Trong khi đó, một số công ty sản xuất chất bán dẫn vẫn chưa có đối tác công nghệ tốt. Việc hợp tác sản xuất chip giữa Vedanta và Foxconn trước đây được cho là đã dựa vào công nghệ của công ty bán dẫn châu Âu STMicroelectronics.
"Hiện chưa có đề xuất tuyệt vời nào để tìm được đối tác công nghệ tốt", ông Kotasthane nói.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đã chỉ ra thị trường nội địa khổng lồ của Ấn Độ và các yếu tố khác như nhiều ưu đãi là lý do lạc quan đối với thị trường chip của nước này.
"Các kỹ sư và nhà thiết kế giỏi là thế mạnh của chúng tôi. Bất cứ ai muốn trở thành một phần của thị trường lớn và sôi động nhất thế giới đều có niềm tin vào Ấn Độ," Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh khi nhắc đến lợi thế nguồn lực lao động tốt của đất nước.
Tổ quốc