MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một quốc gia gần Trung Quốc có rất ít bác sĩ nhưng đi đầu thế giới về tiêm chủng: Vì sao thành công?

28-07-2021 - 13:59 PM | Tài chính quốc tế

Một quốc gia gần Trung Quốc có rất ít bác sĩ nhưng đi đầu thế giới về tiêm chủng: Vì sao thành công?

Chiến dịch tiêm chủng thần tốc của Bhutan đã được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ca ngợi là một "câu chuyện thành công".

Một trong những quốc gia xa xôi nhất trên thế giới có lẽ đã tìm được đáp án cho vấn đề tiêm chủng vaccine COVID-19, theo ABC Australia.

CÂU CHUYỆN THÀNH CÔNG CỦA BHUTAN

Vương quốc Bhutan, nơi nhiều lần được xếp hạng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, đã tiêm liều vaccine COVID-19 thứ 2 cho hơn 85% dân số chỉ trong vòng 1 tuần.

Chiến dịch tiêm chủng thần tốc của Bhutan đã được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ca ngợi là "câu chuyện thành công" của các hoạt động quyên góp quốc tế.

Cụ thể, chỉ trong vòng 1 tuần qua, Bhutan đã tiêm 454.000 liều vaccine - tương đương hơn 85% dân số trưởng thành đủ điều kiện tiêm chủng (trong tổng số hơn 530.000 người). Bhutan đạt được thành công này phần lớn nhờ các đợt viện trợ vaccine của nước ngoài.

Đại diện của UNICEF tại Bhutan, Will Parks, đã ca ngợi chiến dịch tiêm chủng thần tốc của vương quốc này là một "thành công lớn của Bhutan".

Trả lời AFP từ thủ đô Thimpu, ông Parks nhận định: "Chúng ta thực sự cần một thế giới mà ở đó những quốc gia dư thừa vaccine sẽ quyên góp cho những quốc gia chưa được tiêm chủng".

"Và nếu có một điều mà tôi hy vọng thế giới có thể học hỏi từ Bhutan, đó là một đất nước nhỏ bé với rất ít bác sĩ và y tá như vậy đã có một vị quốc vương thực sự tận tâm và lãnh đạo chính phủ vận động xã hội - việc tiêm chủng cho toàn quốc là hoàn toàn có thể", ông Parks nói.

Một quốc gia gần Trung Quốc có rất ít bác sĩ nhưng đi đầu thế giới về tiêm chủng: Vì sao thành công? - Ảnh 1.

Bhutan đã triển khai chiến dịch tiêm chủng thần tốc cho người dân trong khi đóng cửa biên giới. Ảnh: ABC

Quốc gia nhỏ bé nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ này đã nhanh chóng sử dụng hầu hết 550.000 liều vaccine AstraZeneca do Ấn Độ tài trợ vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 để tiêm cho người dân, trước khi quốc gia láng giềng tạm dừng xuất khẩu vaccine do đợt bùng phát mới nghiêm trọng trong nước.

Khi khoảng cách thời gian giữa liều thứ nhất và liều thứ 2 ngày càng tăng, Bhutan đã gấp rút kêu gọi cộng đồng thế giới quyên góp.

Nửa triệu liều vaccine Moderna đã được Mỹ tài trợ thông qua sáng kiến COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới - và 250.000 liều AstraZeneca khác từ Đan Mạch đã chuyển đến nước này vào giữa tháng 7.

Hơn 400.000 liều vaccine AstraZeneca, Pfizer và Sinopharm dự kiến sẽ được giao đến quốc gia 770.000 dân từ Croatia, Bulgaria, Trung Quốc và một số quốc gia khác.

Chính phủ Bhutan cũng đã mua 200.000 liều vaccine Pfizer - dự kiến sẽ được giao vào cuối năm nay.

Tính đến nay, Bhutan mới chỉ ghi nhận chưa đến 2.500 ca nhiễm COVID-19 và 2 ca tử vong do dịch bệnh.

Một quốc gia gần Trung Quốc có rất ít bác sĩ nhưng đi đầu thế giới về tiêm chủng: Vì sao thành công? - Ảnh 2.

Trước đó, vào đầu tháng 4, Bhutan cũng nhận được lời khen ngợi khi tiến hành tiêm chủng mũi vaccine đầu tiên cho 95% dân số chỉ trong vòng 16 ngày. Ảnh: ABC

ĐIỀU THẾ GIỚI NÊN HỌC HỎI TỪ BHUTAN

Theo trang web Smartraveller của Úc, trước khi đại dịch bùng phát, Bhutan từ lâu đã có chính sách hạn chế số lượng du khách để tránh làm hỏng vẻ đẹp tự nhiên và trong đại dịch, nước này đã đóng chặt biên giới với tất cả các hoạt động du lịch.

Việc Bhutan tiến hành tiêm vaccine thần tốc cũng là điều trái ngược với các quốc gia Nam Á khác hiện đang chịu ảnh hưởng bởi lệnh tạm ngừng xuất khẩu vaccine của Ấn Độ.

Chưa hết, trong suốt 14 tháng, Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck của Bhutan đã đích thân đến nhiều khu vực hẻo lánh để giám sát và tuyên truyền về những biện pháp chống dịch.

"Nỗi sợ lớn nhất của quốc vương là nếu đại dịch lan nhanh như đám cháy rừng, thì Bhutan có thể sẽ bị xóa sổ", một quan chức cấp cao từng tiết lộ.

Việc triển khai tiêm vaccine cũng được Bhutan thực hiện rất chiến lược và bài bản. Người đầu tiên được tiêm vào giờ Hoàng đạo là một người phụ nữ sinh năm Thân nhận được lời tụng kinh cầu nguyện của các Phật tử, và người thứ hai là Thủ tướng của Bhutan - ông Lotay Tshering - người từng là bác sĩ trước khi tham gia chính trường. Điều này đã gia tăng niềm tin trong dân chúng về việc tiêm vaccine COVID-19.

Theo Atlantic, có 5 yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của Bhutan: sự tham gia của giới lãnh đạo, sự chuẩn bị sẵn sàng, hành động nhanh chóng và quyết đoán, phát huy thế mạnh có sẵn và hỗ trợ cho những trường hợp phải cách ly./.

(Theo ABC)

Theo Hồng Anh

Doanh nghiệp & Tiếp thị

Trở lên trên