Một quốc gia hàng đầu xem xét cấm xuất khẩu gạo, ‘thiên thời’ cho gạo Việt Nam đang đến
Giá xuất khẩu tăng cao nhất 10 năm qua, một số doanh nghiệp Việt hưởng lợi khi thị trường gạo xuất khẩu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.
- 13-07-2023Doanh nghiệp chế biến gạo vẫn gặp khó vì lãi suất ngân hàng
- 13-07-2023Ấn tượng kỷ lục giá gạo Việt Nam cao nhất thế giới
- 12-07-2023Giá gạo đang cao nhất 11 năm nhưng có thể sẽ tăng 20% nữa
Theo nguồn tin từ Bloomberg, Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - đang xem xét cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo, một động thái có thể đẩy giá gạo toàn cầu lên cao hơn khi hiện tượng thời tiết El Nino quay lại.
Chính phủ đang thảo luận về kế hoạch cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo non-Basmati (các loại gạo không phải basmati, một loại gạo hạt dài được trồng chủ yếu ở Ấn Độ và Pakistan). Động thái này do giá cả trong nước tăng cao và các nhà chức trách muốn tránh nguy cơ lạm phát gia tăng.
Nếu quy định này được thực hiện, lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến khoảng 80% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Một động thái như vậy có thể làm giảm giá gạo trong nước, nhưng có nguy cơ đẩy chi phí toàn cầu lên cao hơn.
Gạo là lương thực chính của khoảng một nửa dân số thế giới, trong đó châu Á tiêu thụ khoảng 90% nguồn cung toàn cầu. Giá gạo đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hai năm do lo ngại rằng El Nino quay trở lại sẽ gây thiệt hại cho mùa màng.
Ấn Độ chiếm khoảng 40% thương mại gạo toàn cầu - tương ứng 54 triệu tấn trong năm 2022 - đã tìm cách thắt chặt xuất khẩu một số loại gạo. Năm ngoái, nước này đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các lô hàng gạo trắng và gạo lứt sau khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra khiến giá các mặt hàng lương thực như lúa mì và ngô tăng vọt. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường.
Ấn Độ cung cấp gạo cho hơn 100 quốc gia, trong đó Benin, Trung Quốc, Senegal, Bờ Biển Ngà và Togo là những khách hàng lớn nhất. Các nhà nhập khẩu như Indonesia, Trung Quốc và Philippines đã ráo riết dự trữ gạo trong năm nay.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), hiện tượng El Nino đã phát triển ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương lần đầu tiên sau 7 năm, đe dọa gây hạn hán cho nhiều vùng trồng lúa. Một lệnh cấm của Ấn Độ sẽ làm tăng thêm lo lắng về nguồn cung toàn cầu.
Kế hoạch của Ấn Độ được đưa ra sau khi lạm phát giá tiêu dùng tăng nhanh vào tháng 6 chủ yếu do giá lương thực cao hơn.
Theo dữ liệu từ Bộ lương thực Ấn Độ, giá gạo bán lẻ ở Delhi đã tăng khoảng 15% trong năm nay trong khi giá trung bình trên toàn quốc tăng 8%.
Trong khi đó, giá gạo tại châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 năm do các nhà nhập khẩu tăng cường dự trữ do lo ngại El Nino sẽ làm khô hạn các đồn điền và gây thiệt hại cho mùa màng.
Cơ hội cho gạo Việt
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan, với 7,8% giao dịch thương mại toàn cầu; và là nước xuất khẩu lớn nhất sang Philippines. Giá gạo Ấn Độ đang có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn, từ đó thúc đẩy người mua chuyển sang gạo của Thái Lan và Việt Nam.
- Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 4,27 triệu tấn, đạt giá trị khoảng 2,3 tỉ USD, tăng cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ. Nhiều quốc gia đã tăng lượng đặt hàng với gạo Việt. Đặc biệt, giá gạo duy trì ở mức cao nhất thế giới.
Nhu cầu nhập khẩu tại thị trường cũ như Philippines, Trung Quốc và Malaysia đều tăng mạnh. Cùng với đó, gạo xuất khẩu sang các thị trường mới như Indonesia, một vài quốc gia châu Phi tăng đột biến. Ngoài ra, gạo thơm Việt Nam thực hiện xúc tiến thương mại thêm tại các thị trường ngách và ngày càng có vị thế riêng.
Theo Công Thương, một thương nhân kinh doanh gạo tại Bangkok (Thái Lan) cho biết giá gạo xuất khẩu tăng là do nhu cầu nhập khẩu của các nước khu vực châu Á và châu Phi đang tăng lên trong bối cảnh nguồn cung gạo từ Ấn Độ bị hạn chế.
Giá gạo xuất khẩu khu vực châu Á nói chung, của Việt Nam nói riêng neo ở mức cao kỷ lục đang tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành gạo Việt Nam bứt phá.
Trong số các doanh nghiệp ngành gạo, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An có thể là những doanh nghiệp hưởng lợi tốt nhất khi thị trường gạo xuất khẩu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.
Tham khảo: Bloomberg
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: Made in Vietnam
Xem tất cả >>- Thế giới đang cạn kiệt loại hạt đặc biệt này: Giá tăng gấp 2 nhu cầu vẫn không giảm, Việt Nam lại đang trồng ngày càng nhiều, hương vị top đầu thế giới
- Việt Nam vừa ghi nhận một kỷ lục lịch sử, Mỹ và Trung Quốc đóng góp nhiều nhất
- "Mỏ vàng" của Việt Nam tiếp tục "mang tiền về cho mẹ", có cơ hội thu về 16 tỷ USD trong năm nay
- Lộ diện ‘khách sộp’ chi hơn 4 tỷ USD nhập khẩu rau quả Việt Nam
- Một mỏ vàng của Việt Nam đang được Mỹ, Trung Quốc, Campuchia liên tục săn đón: Nước ta có sản lượng hơn 20 triệu tấn, các đại bàng liên tục rót vốn đến đầu tư