MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một quốc gia láng giềng Việt Nam, dân số ít hơn Hà Nội, có “siêu công trình” giá 6 tỷ USD

14-01-2024 - 21:27 PM | Tài chính quốc tế

Một quốc gia láng giềng Việt Nam, dân số ít hơn Hà Nội, có “siêu công trình” giá 6 tỷ USD

Công trình này được xây dựng với kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy kinh tế tại quốc gia này.

Quốc gia này chính là Lào. Trên thực tế, dù chỉ có dân số hơn 7,6 triệu người (theo worldometers), ít hơn so với thủ đô Hà Nội của Việt Nam, nhưng lại sở hữu công trình "khủng". Đó là tuyến đường sắt cao tốc nối liền thủ đô Viêng Chăn của Lào với biên giới Trung Quốc. Công trình này trị giá 6 tỷ USD và được khai trương vào năm 2021.

Tuyến đường sắt cao tốc Lào – Trung trị giá khoảng 6 tỷ USD, bắt đầu được khởi công từ năm 2016. Công trình này chủ yếu do Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc (CNRG) tiến hành thi công với 75 đường hầm, 167 cây cầu và 10 ga. Tàu chạy trên tuyến đường sắt này với tốc độ tối đa là 160 km/h. Tổng thời gian di chuyển từ Viên Chăn đến Côn Minh ước tính khoảng 10 giờ, bao gồm cả thời gian thông quan.

Một quốc gia láng giềng Việt Nam, dân số ít hơn Hà Nội, có “siêu công trình” giá 6 tỷ USD - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt cao tốc Lào - Trung trị giá tới 6 tỷ USD. Ảnh: Xinhua

Tuyến đường sắt cao tốc này dài hơn 1000 km. Trong đó, đoạn chạy ở trên đất Lào dài 414 km, giúp nối thành phố Viên Chăn với thị trấn biên giới Boten. Thời gian di chuyển bằng tàu trên tuyến đường này chỉ mất 4 tiếng, thay vì 15 tiếng đi bằng ô tô.

Đây là dự án đầu tiên trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc hoàn thành tại Đông Nam Á. Các dự án này được triển khai với tham vọng kết nối thành phố Côn Minh tới Lào, Thái Lan, sau đó đến Malaysia và Singapore trên tuyến đường sắt dài tới 5.500 km.

Kể từ khi chính thức vận hành vào đầu tháng 12/2021 đến tháng 9/2023, tuyến đường sắt cao tốc đã vận chuyển hơn 20 triệu hành khách và hơn 25 triệu tấn hàng hóa từ Trung Quốc sang Lào và ngược lại. Đối với Lào, đường sắt rất cần thiết để thực hiện tham vọng phát triển thành một thị trường xuất khẩu mạnh mẽ.

Một quốc gia láng giềng Việt Nam, dân số ít hơn Hà Nội, có “siêu công trình” giá 6 tỷ USD - Ảnh 2.

Tuyến đường sắt tỷ USD này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy kinh tế cho cả Trung Quốc và Lào. Ảnh: Xinhua

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đường sắt cao tốc Lào – Trung có thể giúp tăng tổng thu nhập của quốc gia Đông Nam Á này lên tới 21% trong dài hạn nếu được quản lý tốt. Trên thực tế, có hơn 2.000 sản phẩm hiện đã được cấp phép xuất khẩu qua tuyến hàng hóa mới. Những mặt hàng như dưa hấu, bột sắn và cao su từ Lào đang hướng tới Trung Quốc.

Để thực hiện tuyến đường sắt cao tốc quy mô này, Lào đã phải gánh một khoản nợ đáng kể. Theo ghi chép của Ngân hàng Thế giới, hơn một nửa trong số 6 tỷ USD của tuyến đường sắt cao tốc, được tài trợ bởi các khoản vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Theo ông Vannarith Chheang, chuyên gia ở Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore nhận định, dự án đường sắt Lào – Trung có giá trị 6 tỷ USD, tương đương với khoảng 1/3 GDP của Lào. 

Sau 23 năm hoạt động, đường sắt cao tốc Lào – Trung sẽ có lãi

Một quốc gia láng giềng Việt Nam, dân số ít hơn Hà Nội, có “siêu công trình” giá 6 tỷ USD - Ảnh 3.

Các nữ tiếp viên làm việc trên tuyến đường sắt nối liền Côn Minh (Trung Quốc) và Viêng Chăn (Lào. Ảnh: Xinhua

Theo ông Outakeo Keodouangsinh, Cục trưởng Cục Xúc tiến Đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, dựa vào số liệu đầu tư, phân tích kinh tế cho thấy, kể từ năm thứ 23 trở đi, hoạt động vận hành tuyến đường sắt cao tốc Lào – Trung mới có lợi nhuận.

Tuyến đường sắt cao tốc Lào – Trung vận hành được coi là đánh dấu một bước phát triển nhảy vọt theo hướng hiện đại hóa của Lào. Ông Burin Adulwattana, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Bangkok, nhận định rằng tuyến đường sắt cao tốc trên có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực kinh tế. Dự án này được đánh giá là sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả Bắc Kinh và Viêng Chăn.

Một quốc gia láng giềng Việt Nam, dân số ít hơn Hà Nội, có “siêu công trình” giá 6 tỷ USD - Ảnh 4.

Giá vé hạng nhất trên chuyến tàu nối liền Côn Minh và Viêng Chăn là khoảng gần 2,6 triệu đồng. Ảnh: Xinhua

Trên thực tế, sau hơn 2 năm vận hành, đường sắt cao tốc Lào – Trung đã mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Cụ thể, sản lượng của quặng sắt và bột sắn hàng năm dọc tuyến đường đã tăng lần lượt là 1,8 và 2 triệu tấn. Hơn nữa, việc xuất khẩu các mặt hàng của Lào dọc theo tuyến đường này đã trực tiếp tạo ra hơn 3.000 việc làm, thúc đẩy sự phát triển của các ngành như hậu cần, vận tải và du lịch, đồng thời có hơn 100.000 việc làm được bổ sung gián tiếp.

Theo Xinhua, để đi đường sắt cao tốc Lào – Trung, các hành khách có thể mua vé tàu ở trên mạng Internet hoặc mua trực tiếp ở các nhà ga tại Côn Minh hoặc ga Viêng Chăn, Vang Vieng, Luang Prabang và Boten tại Lào. Giá vé hạng nhất là 760 NDT (khoảng gần 2,6 triệu đồng) và vé hạng hai là 470 NDT (tương đương 1,6 triệu đồng).

Bài viết tham khảo nguồn: The Wall Street Journal, Laotian Times, Chinadaily, Xinhua

Theo Minh Hằng

Đời sống và Pháp luật

Trở lên trên