Một quốc gia thông báo sẽ phi đô la hoá triệt để: Mọi giao dịch bằng ngoại tệ hay USD phải ngừng hoàn toàn, IMF lên tiếng cảnh báo
NHTW Zambia đã công bố kế hoạch phi đô la hoá với toàn bộ giao dịch trong nước, chỉ được phép dùng đồng nội tệ. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn đang trong quá trình thảo luận và vấp phải nhiều ý kiến phản đối.
NHTW Zambia (BOZ) tháng trước đã công bố kế hoạch phi đô la hoá đối với toàn bộ giao dịch trong nước. Với động thái này, BOZ nhắm đến mục tiêu nâng giá đồng nội tệ kwacha và thúc đẩy vai trò là đồng tiền pháp định duy nhất của quốc gia.
Kế hoạch của BOZ nêu rõ kwacha phải là loại tiền tệ duy nhất được thực hiện đối với các giao dịch trong nước chứ không phải ngoại tệ, kể cả đồng USD. Thông báo của BOZ được đưa ra trong bối cảnh BRICS đang nỗ lực phi đô la hoá, loại bỏ sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh.
Hiện tại, NHTW Zambia vẫn đang trong quá trình nhận tham vấn về kế hoạch này. Thống đốc BOZ Denny Kalyalya đã đề cập đến làn sóng “chỉ trích” của công chúng đối với đề xuất này.
Kế hoạch của chính phủ Zambia cho biết các doanh nghiệp niêm yết giá sản phẩm bằng ngoại tệ có thể nhận án phạt tới 10 năm tù. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng đề xuất này quá gắt gao và có thể đẩy lạm phát lên cao trong khi quốc gia này đang nỗ lực kìm chế.
Ông Kalyalya cho biết đây vẫn là kế hoạch trong quá trình thảo luận và chính phủ chưa có quyết định chính thức. Theo Kalyalya, BOZ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng đồng nội tệ là đồng tiền hợp pháp duy nhất ở quốc gia này và NHTW chỉ đang nỗ lực thực hiện luật đó một cách hiệu quả nhất.
Trong khi đó, các tổ chức quốc tế đã bày tỏ mối lo ngại về kế hoạch này. IMF cho biết, việc Zambia “cưỡng bức” quá trình phi đô la hoá có thể sẽ không hiệu quả và thậm chí là phản tác dụng.
Tuy nhiên, vào tháng 5, ngân hàng này đã gán mác xu hướng gửi tiền và sử dụng các khoản vay bằng USD tại các nhà cho vay địa phương đang tăng cao là “rủi ro chính đối với sự ổn định tài chính”.
Ở quốc gia này, các doanh nghiệp địa phương thường đi vay bằng USD vì các khoản vay này có lãi suất thấp hơn nhiều so với đi vay bằng kwacha. Ngoài ra, gửi tiết kiệm bằng USD cũng giúp tài sản của người gửi được đảm bảo, khi đồng nội tệ giảm 1 nửa giá trị so với đồng bạc xanh trong 5 qua.
Ông Kalyalya nói thêm rằng, giới chức vẫn đang trong quá trình cân nhắc liệu các quy định được đề xuất có thúc đẩy lạm phát hay không và xu hướng đô la hoá mạnh lên có gây tổn hại cho các doanh nghiệp địa phương hay không. Ông chỉ ra: “Một số doanh nghiệp đã phải đóng cửa vì nhu cầu thanh toàn bằng đồng USD. Đây là điều chúng tôi không muốn xảy ra.”
Tổng hợp
Nhịp sống thị trường