Một sản phẩm của Việt Nam khiến Campuchia mê đắm, mạnh tay chi tiền, nhập khẩu tăng 139 lần
Mặt hàng này của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng cao so với năm ngoái.
- 28-12-2024Cuối năm trái sầu riêng tăng giá ở mức kỉ lục
- 27-12-2024Gây sốt với giá rẻ ngang Honda SH 350i, mẫu hatchback hạng A chính thức trình làng
- 27-12-2024Món đặc sản từ loại gà siêu đắt đỏ 'cháy hàng' trước Tết
Campuchia tăng cường nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam
Theo số liệu báo cáo nhanh của hải quan Việt Nam , trong 11 tháng năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đem lại hơn 3,1 tỷ USD cho Việt Nam, tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tính đến ngày 21/11, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước ước đạt hơn 6,6 tỷ USD. Như vậy, xuất khẩu sầu riêng trong 11 tháng qua chiếm gần một nửa kim ngạch xuất rau quả năm nay của Việt Nam.
Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu về tiêu thụ sầu riêng Việt, chiếm 90% tổng kim ngạch, tương đương hơn 2,8 tỷ USD, này tăng 43% so với cùng kỳ 2023.
Thái Lan đứng thứ hai, nhập khoảng 177 triệu USD trái sầu riêng, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Hong Kong, Nhật Bản tăng trưởng lần lượt 16% và 85% so với năm ngoái.
Mặc dù không phải là quốc gia nhập khẩu sầu riêng của Việt Nam nằm trong top đầu nhưng trong gần 1 năm qua, sản lượng sầu riêng xuất khẩu sang Campuchia lại tăng cực mạnh, tăng 139 lần, đạt gần 3 triệu USD.
Nói về lý do Campuchia nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản "vua" này của Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Vinafruit cho hay, Campuchia có nhiều du khách nước ngoài, bao gồm khách Trung Quốc, nên có nhu cầu cao về tiêu thụ sầu riêng, trong khi nguồn cung trong nước không nhiều nên họ gia tăng nhập khẩu từ Việt Nam.
Campuchia có điều kiện đất đai và khí hậu gần giống với Việt Nam và Thái Lan, rất thích hợp cho sự phát triển của sầu riêng. Sầu riêng ở Campuchia trồng chủ yếu ở tỉnh Kampot, Kampong Cham, Koh Kong và Battambong.
Tuy nhiên, các vùng trồng sầu riêng tại Campuchia có quy mô khá nhỏ, trồng quảng canh nên sản lượng khá thấp, và giá cao, không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Nhập khẩu hàng từ Việt Nam là một cách để tăng nguồn cung cho thị trường quốc gia này.
Triển vọng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam
Tại tọa đàm "Đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng, cơ hội nào cho nông dân, doanh nghiệp" diễn ra hồi tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, mục tiêu định hướng đến năm 2030, diện tích sầu riêng nước ta là 75.000ha, nhưng đến thời điểm này đã cao gần gấp đôi so với quy hoạch.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước hiện có khoảng 131.000 ha sầu riêng, bình quân mỗi năm tăng khoảng 24%, tương đương khoảng 27.000 ha. Đây là cây trồng có tỷ lệ tăng cao nhất trong các cây trồng chủ lực của Việt Nam những năm qua.
Sầu riêng tập trung ở 4 vùng, trong đó, Tây Nguyên có diện tích bằng 46,7% diện tích và 39,6% sản lượng của cả nước. Các vùng trông sầu riêng lớn khác bao gồm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam bộ và vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
Triển vọng xuất khẩu sầu riêng trong năm 2025 được đánh giá rất tích cực khi Trung Quốc chính thức mở cửa cho các sản phẩm sầu riêng chế biến sẵn như sầu riêng xay nhuyễn và cơm sầu riêng.
Đặc biệt, nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh với thị trường Trung Quốc dự kiến có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 400 - 500 triệu USD ngay trong năm 2024 - năm đầu tiên sau khi ký kết nghị định thư. Với triển vọng tăng mạnh này, mặt hàng sầu riêng đông lạnh sẽ sớm góp mặt trong danh sách mặt hàng nông sản xuất khẩu giá trị tỷ đô vào năm 2025.
Ông Nguyên cũng nhấn mạnh thêm, để xuất khẩu sầu riêng bền vững, đủ sức cạnh tranh, doanh nghiệp cần nhận thức thị trường Trung Quốc đòi hỏi chất lượng cao và mã vùng trồng chỉ là một trong những điều kiện xuất khẩu. Do đó, doanh nghiệp phải tuân thủ đúng quy định, cần đầu tư vùng nguyên liệu gắn với sản xuất theo chuỗi để kiểm soát được chất lượng sản phẩm.
Nhịp sống thị trường