Một số cá nhân, tập thể bị khởi tố 'kéo tụt' chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội
Giải thích lý do thứ hạng PAPI của TP. Hà Nội thấp, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết có nguyên nhân từ việc một số vụ án, vụ việc bị truy tố, khởi tố xét xử.
- 05-03-2024Kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ
- 07-10-2023Phó Tổng giám đốc VTV là thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ
- 27-05-2023Thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ
Ngày 3/7, ngày làm việc thứ 3, Kỳ họp thứ XVII, HĐND thành phố Hà Nội, thực hiện quyền giám sát trực tiếp thông qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Đề cập đến vấn đề cải cách hành chính , đại biểu Đoàn Việt Cường (tổ đại biểu Đông Anh) đặt câu hỏi tới Sở Nội vụ về một số chỉ số thành phần trong Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam ( PAPI ) còn thấp và đề nghị cho biết giải pháp trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Chí Lực (tổ đại biểu quận Ba Đình) phản ánh, thời gian qua vẫn còn các cán bộ phiền hà, sách nhiễu. "Sau khi Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP. Hà Nội ban hành, kết quả xử lý vi phạm cán bộ thế nào?", ông Lực nêu câu hỏi.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, trong những năm qua, Thành ủy, HĐND và UBND TP. Hà Nội luôn dành sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo; kết quả thực hiện các chỉ số cải cách hành chính của TP. Hà Nội có chuyển biến tích cực, được Trung ương đánh giá cao.
Giải thích lý do thứ hạng PAPI của TP. Hà Nội thấp, ông Cảnh cho biết do một số chỉ số thành phần của Hà Nội thấp. Theo ông Cảnh, có 4 nội dung giảm điểm; trong đó Hà Nội là nhóm có chỉ số thấp nhất về quản trị môi trường, nội dung này thuộc trách nhiệm ngành tài nguyên môi trường.
Đặc biệt, chỉ số trình độ phát triển kinh tế - xã hội, chỉ số kiểm soát tham nhũng giảm 10 bậc so với năm 2022, do những năm qua có một số vụ án, vụ việc bị truy tố, khởi tố xét xử . Trách nhiệm thuộc cơ quan hành chính, đặc biệt là cơ quan có cá nhân, tập thể vi phạm, bị kỷ luật.
Về các giải pháp để tiếp tục nâng cao các chỉ số thành phần còn thấp, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, TP. Hà Nội đã có kế hoạch tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu khắc phục những chỉ số thành phần còn hạn chế, tồn tại của năm trước.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Chí Lực, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, năm 2023 Thành ủy ban hành Chỉ thị 24-CT/TU về 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, yêu cầu tất cả cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố tới cán bộ đảng viên phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong giải quyết công việc. Sau gần 1 năm tổ chức thực hiện, chỉ thị đã thực sự có nhiều chuyển biến tích cực thể hiện qua việc chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 đạt tốt.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ, với khối lượng công việc nhiều, biên chế chưa tương xứng, tình trạng chậm, muộn trong giải quyết công việc một phần do khó khăn của cơ chế chính sách; một phần do thủ tục hành chính, do trách nhiệm, thái độ của cán bộ công chức.
Để đẩy lùi hạn chế, tiêu cực nhất là phiền hà, sách nhiễu, ông Cảnh cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về cấp ủy, lãnh đạo, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đặc biệt là người đứng đầu. Trong đó có phần trách nhiệm của Sở Nội vụ là cơ quan trực chủ trì tổ chức thực hiện các nội dung thanh tra, kiểm tra công vụ.
Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, thời gian qua đã thực hiện một số nội dung kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, công vụ. Đối với những cá nhân, tập thể có biểu hiện, dư luận vi phạm, đoàn kiểm tra công vụ trực tiếp vào kiểm tra hồ sơ, tài liệu để minh chứng việc giải quyết thực thi công vụ của đồng chí đó có đảm bảo yêu cầu hay không.
Qua kiểm tra đã kiến nghị với lãnh đạo thành phố, UBND TP. Hà Nội điều chỉnh phương thức lãnh đạo, chỉ đạo - nhất là tập trung chỉ đạo giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, nội dung công việc khó, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp đều phải có cơ quan đầu mối chủ trì. Đồng thời, sở cũng kiến nghị xem xét các cấp có thẩm quyền xử lý, phân công, bố trí cán bộ.
Tiền phong