MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một số ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất mới, lãi suất ngân hàng nào cao nhất hiện nay?

02-06-2021 - 09:02 AM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất tiền gửi giữ nguyên ở hầu hết các ngân hàng thương mại nhưng có một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng, giảm khác nhau.

Theo đó, lãi suất tiền gửi tại SHB đã điều chỉnh tăng từ 10-30 điểm phần trăm. Trong khi đó, 2 ngân hàng là VPBank và HD bank lại điều chỉnh giảm 30-70 điểm phần trăm.

Một số ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất mới, lãi suất ngân hàng nào cao nhất hiện nay? - Ảnh 1.

Cụ thể, các kỳ hạn tại ngân hàng SHB hiện được niêm yết gồm: Kỳ hạn 1 tháng 3,5%/năm; kỳ hạn 3 tháng 3,7%, kỳ hạn 6 tháng 5,2%/năm, kỳ hạn 12 tháng 5,7%/năm.

Lãi suất tiền gửi tại VPBank ở các kỳ hạn hiện được niêm yết 3,48%/năm cho kỳ hạn 1 tháng (áp dụng cho lượng tiền gửi từ 300 triệu đồng đến 3 tỷ đồng); 3,9%/năm với kỳ hạn 3 tháng; 5,10%/năm với kỳ hạn 6 tháng, và 5,4%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng hiện phổ biến ở mức 2,45-4%/năm với kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng; 3,5-5,4%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng; và 4,6-6,5%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.

Đáng chú ý, nhóm 4 ngân hàng thương mại quốc doanh có mức lãi huy động thấp hơn so với mặt bằng chung. Ngoại trừ tiền gửi kỳ hạn 12 tháng được 4 ngân hàng này đồng loạt ấn định ở mức 5,6%/năm, lãi suất các kỳ hạn ngắn hơn đang có sự chênh lệch giữa các ngân hàng.

Tại Vietcombank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng chỉ là 2,9%/năm, kỳ hạn 3 tháng 3,2%/năm, 6 tháng 3,8%, là mức thấp nhất trong nhóm 4 ngân hàng thương mại quốc doanh hiện nay.

Trong khi đó, Vietinbank, Agribank và BIDV cùng ấn định lãi suất huy động có phần nhỉnh hơn so với Vietcombank. Hai ngân hàng này công bố lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng được niêm yết ở mức 3,1%/năm, kỳ hạn 3 tháng 3,4%, kỳ hạn 6 tháng là 4%/năm.

Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng nhích tăng 3-9 điểm phần trăm trong tuần vừa qua, đạt mức 1,36%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1,44%/năm với kỳ hạn 1 tuần, cao hơn 35-53 điểm phần trăm so với thời điểm cuối tháng 4.

Có thể thấy, nguồn cung VND của các ngân hàng thương mại lớn hạn chế hơn giai đoạn trước nhưng cung cầu trên liên ngân hàng không đến mức căng thẳng, Ngân hàng Nhà nước vẫn ngừng giao dịch trên thị trường mở trong hơn 3 tháng qua.

Hiện tại, các ngân hàng chưa có áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn, tuy nhiên các chuyên gia tài chính cho rằng lãi suất có thể sẽ nhích tăng từ đầu quý 3/2021 khi dịch bệnh được kiểm soát, tín dụng tiếp tục tăng tốc.

Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USDVND niêm yết của các ngân hàng thương mại giảm 10 đồng/USD về mức 22.910/23.140 và tiếp tục giảm 60 đồng/USD trên thị trường tự do, xuống mức 23.170/23.220. Hiện tại, cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn khá cân bằng, chênh lệch lãi suất VND-USD duy trì ở mức cao, tỷ giá USD-VND sẽ giữ xu hướng đi ngang trong ngắn hạn.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại tháng 5 tiếp tục thâm hụt 2 tỷ USD, lũy kế 5 tháng đầu năm 2021 thâm hụt khoảng 370 triệu USD. Mặc dù cần phải đợi số liệu chính thức từ Tổng cục Hải quan và cán cân thương mại cũng thường kém hơn vào tháng 4,5 các năm trước nhưng sự bùng phát của dịch bệnh tại Việt Nam có thể khiến xu hướng này kèo dài và tạo áp lực nhất định lên tỷ giá trong thời gian tới.

Theo Ngân Giang

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên