MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đứng trước nhiều thách thức từ chiến lược Zero-Covid của Trung Quốc

Một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đứng trước nhiều thách thức từ chiến lược Zero-Covid của Trung Quốc

Nhiều tỉnh và thành phố giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Trung Quốc đang bị phong tỏa. Theo CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo trang NPR (Mỹ), Trung Quốc đang trải qua đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất kể từ khi thực hiện chiến lược Zero-Covid. Các ca nhiễm liên tục gia tăng khiến Trung Quốc phải thực hiện nhiều biện pháp phong tỏa, cách ly nghiêm ngặt.

Nhiều tỉnh, thành phố giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Trung Quốc đang bị phong toả. Cụ thể, một số tỉnh, thành phố lớn mà Trung Quốc đã phong toả toàn bộ đó là tỉnh Cát Lâm, Hà Bắc, Thâm Quyến, Đông Quan, Thượng Hải và Tây An.

Theo báo cáo "Đánh giá tác động dịch Covid-19 tại Trung Quốc đến thế giới và TTCK" mới nhất của BSC, chiến lược Zero-Covid của Trung Quốc đe dọa làm gián đoạn sản xuất và thương mại tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng như đối với toàn cầu. Đối với Việt Nam, BSC đánh giá việc Trung Quốc thực hiện phong tỏa các thành phố lớn sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), trong năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia đạt 166 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 24,81% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ Trung Quốc gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.

Một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đứng trước nhiều thách thức từ chiến lược Zero-Covid của Trung Quốc - Ảnh 1.

Tỷ trọng một số mặt hàng nhập khẩu chính từ Trung Quốc năm 2021. Nguồn: TCTK, BSC Research.

Các mặt hàng xuất khẩu chính sang Trung Quốc bao gồm điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính và linh kiện.

Một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đứng trước nhiều thách thức từ chiến lược Zero-Covid của Trung Quốc - Ảnh 2.

Tỷ trọng một số mặt hàng xuất khẩu chính sang Trung Quốc năm 2021. Nguồn: TCTK, BSC Research.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 18,3 tỷ USD. Cùng với đó, Trung Quốc cũng là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với 10,5 tỷ USD, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm trước.

BSC cho biết, chiến dịch Zero-Covid tại Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến nhóm ngành thủy sản và cảng biển. Đối với ngành cảng biển, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng, chiếm đến 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 33% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Việc Trung Quốc phong tỏa một số thành phố lớn, các trung tâm sản xuất, thương mại sẽ làm hạn chế hoạt động giao thương. Từ đó, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng Việt Nam sẽ bị sụt giảm. Trên thực tế, các cảng tại miền Bắc có tỷ trọng sản lượng thông qua cảng đến từ cảng trung chuyển Trung Quốc nhiều hơn các cảng tại miền Nam. Chính vì thế, nhóm doanh nghiệp cảng miền Bắc sẽ bị tác động nhiều hơn.

Đối với ngành thủy sản, Trung Quốc tiến hành phong tỏa một số thành phố lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành thủy sản tại Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm đột ngột. Sản lượng thủy sản tiêu thụ qua kênh nhà hàng, trường học, khách sạn chiếm khoảng 50 - 60% tổng sản lượng tiêu thụ. Khi các kênh này đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu cá tra và tôm từ Việt Nam.

https://cafef.vn/mot-so-nganh-hang-xuat-khau-cua-viet-nam-dung-truoc-nhieu-thach-thuc-tu-chien-luoc-zero-covid-cua-trung-quoc-20220328091917604.chn

Văn Minh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên